Tăng cường kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước

NDO -

Ngày 17-11, tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề "Thúc đẩy kết nối khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với kinh tế Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân ở nước ta hiện nay", nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Tọa đàm tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước.
Tọa đàm tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước.

Hơn 30 tham luận và ý kiến trình bày trực tiếp tại tọa đàm đã tập trung phân tích thực trạng, tác động, nguyên nhân và đề xuất nhiều giải pháp cần thiết thúc đẩy kết nối khu vực doanh nghiệp FDI với khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân ở nước ta từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay và cho thời gian tới.

Nhiều ý kiến chuyên gia đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng lý luận T.Ư và Ngân hàng Nhà nước, các Viện nghiên cứu T.Ư thống nhất chỉ rõ: Nhìn chung, sự kết nối giữa các khu vực doanh nghiệp FDI với các khu vực doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân trong nước còn chưa thật sự phát triển cả bề rộng và bề sâu; còn tình trạng co cụm, thiếu phân công, hợp tác sản xuất, kinh doanh giữa các khu vực doanh nghiệp với nhau và ngay trong từng khu vực doanh nghiệp. Sự phát triển các chuỗi cung ứng và chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước còn hết sức mờ nhạt.

Theo khảo sát của VCCI, chỉ có 15% doanh nghiệp trong nước được khảo sát là có quan hệ đối tác với doanh nghiệp FDI và chỉ có 37% sản phẩm đầu vào của doanh nghiệp FDI được cung cấp từ thị trường trong nước, bao gồm cả từ các doanh nghiệp FDI khác.

Trên thực tế, cả về nhận thức, chính sách, thể chế và phương thức tổ chức hoạt động đang còn có những phức tạp, bất cập do sự đan xen giữa cái mới chưa được luận giải, khẳng định và hình thành đầy đủ, đồng bộ, nhất quán, với cái cái cũ vẫn đang tồn tại hoặc chưa được đổi mới kịp thời, thích hợp. Cả ở cấp độ Trung ương và địa phương, công tác thông tin kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý và tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh; Một số chủ trương chưa đi liền với kế hoạch, cơ chế, trách nhiệm triển khai cụ thể, kịp thời, thậm chí được thực hiện một cách hình thức, tắc trách, nửa vời. Chưa xử lý hài hòa và hiệu quả một số vấn đề về nội dung, phương thức, mức độ quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy kết nối giữa các khu vực doanh nghiệp…

Tất cả khiến nền kinh tế và các khu vực doanh nghiệp phát triển còn dưới mức tiềm năng và hiệu quả chất lượng tăng trưởng còn chưa cao; Các động lực phát triển còn thiên về bề rộng, chưa khai thác những nhân tố phát triển theo chiều sâu; Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn thấp trước yêu cầu cạnh tranh thị trường đang ngày càng trở nên gay gắt; Khu vực doanh nghiệp sản xuất trong nước chưa có nhiều sản phẩm chủ lực, cạnh tranh có hiệu quả trên thị trường trong nước, quốc tế. Nhiều tác động mặt trái của các cơ chế, chính sách ưu đãi khu vực doanh nghiệp FDI chưa được nhận thức đầy đủ và kịp thời điều chỉnh. Nhu cầu tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp tronng nước và xây dựng, phát triển phân công chuyên môn hóa, hợp tác hóa, liên kết  hỗ trợ nhau, hình thành các doanh nghiệp, tập đoàn doanh nghiệp đa sở hữu có quy mô lớn, công nghệ cao, tài chính mạnh, hình thức và phương thức tổ chức, quản lý hiện đại, đáp ứng đòi hỏi cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt đang trở nên bức thiết.

Để thúc đẩy kết nối giữa khu vực doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước, cần đổi mới tư duy quản lý, triển khai đồng bộ giải pháp từ nhiều phía và các cấp, ngành, hiệp hội nghề nghiệp liên quan; theo đó, trước hết cần tiếp tục hoàn thiện luật pháp và chính sách ưu đãi theo hướng bình đẳng thực chất và ưu tiên theo lĩnh vực, ngành, nhóm sản phẩm, địa phương, thay vì theo dự án và doanh nghiệp; cải thiện năng lực cạnh tranh, trình độ công nghệ và tổ chức quản trị, quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật của doanh nghiệp trong nước ngang tầm các doanh nghiệp đối tác FDI; tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước; Đồng thời, cần coi trọng xây dựng quy hoạch và có chính sách hiệu quả phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, tạo nền tảng tăng cường kết nối giữa các khu vực doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.