Sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh phí, lệ phí theo hướng cải cách hành chính

Pháp lệnh phí và lệ phí gồm 73 loại phí và 42 loại lệ phí, đã trải qua 13 năm thực hiện, về cơ bản đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai, đã có nhiều nội dung không còn phù hợp, cần được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Phí sử dụng đường thủy nội địa và phí luồng, lạch có chung đối tượng sử dụng đường thủy. Như vậy, nếu quy định thu phí luồng, lạch thì cần bỏ phí sử dụng đường thủy nội địa.
Phí sử dụng đường thủy nội địa và phí luồng, lạch có chung đối tượng sử dụng đường thủy. Như vậy, nếu quy định thu phí luồng, lạch thì cần bỏ phí sử dụng đường thủy nội địa.

Tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước

Là một bộ phận cấu thành của ngân sách nhà nước (NSNN), trong những năm gần đây, phí và lệ phí đã đóng góp, tạo nguồn thu cho NSNN mỗi năm hàng chục nghìn tỷ đồng. Năm 2011, số thu từ phí và lệ phí đạt hơn 42 nghìn tỷ đồng (bằng 5,8% tổng thu NSNN); năm 2012 đạt hơn 29 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 12 nghìn tỷ đồng do mặt hàng xăng dầu chịu thuế bảo vệ môi trường và bãi bỏ thu phí xăng dầu; năm 2013 gần 32 nghìn tỷ đồng,...

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, hệ thống văn bản pháp luật về phí và lệ phí được ban hành kịp thời, đồng bộ, đúng thẩm quyền, tạo khung pháp lý rõ ràng đã góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định về phí, lệ phí. Vụ trưởng Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Ðình Thi nhận xét, công tác tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí đã được công khai, minh bạch, góp phần cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cơ chế quản lý phí, lệ phí được đổi mới theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công, tạo cơ chế chủ động cho đơn vị thu phí, lệ phí, từ đó, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan, đơn vị thu, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, một số quy định của pháp luật phí, lệ phí đến nay không còn phù hợp, bộc lộ nhiều hạn chế. Bộ Tài chính cho biết, với 73 loại phí và 42 loại lệ phí được ban hành trong thời kỳ đầu thực hiện chủ trương xã hội hóa dịch vụ công, nên vẫn còn những khoản chưa được thực thi đã trở nên lạc hậu. "Khi ban hành danh mục này, cơ bản các dịch vụ đều do cơ quan nhà nước cung cấp. Song cho tới nay, qua 13 năm thực hiện, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, việc thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng và Nhà nước về xã hội hóa dịch vụ công, cũng như cải cách TTHC thì một số khoản phí, lệ phí hiện hành đã lạc hậu, không còn phù hợp, cần rà soát hoàn thiện để khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công, nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân", Vụ trưởng Phạm Ðình Thi nói.

Trong danh mục sửa đổi, bổ sung phí mà Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Quốc hội, đến nay, do một số khoản phí đã và đang chuyển sang cơ chế giá theo quy định của Luật chuyên ngành (nhất là một số khoản phí có tác động lớn đến người dân như học phí, viện phí,...); một số khoản phí có tên trong danh mục nhưng chưa phát sinh; một số khoản phí trùng lặp với khoản thu khác, nên cần phải đưa ra khỏi danh mục 18 khoản phí. Trong đó, có hai khoản phí đã được quy định trong danh mục nhưng chưa phát sinh; năm khoản phí quy định trong danh mục nhưng theo quy định của pháp luật hiện hành thì đã dừng thu; sáu khoản phí có cùng đối tượng điều chỉnh cần rà soát thu gọn và sáu khoản phí đã được pháp luật chuyên ngành quy định thực hiện theo cơ chế giá.

Về Danh mục lệ phí, với 42 khoản lệ phí, Bộ Tài chính cho biết, có một số dịch vụ công do cùng cơ quan cung cấp nhưng quy định thu hai khoản thu (như phí thẩm định bù đắp chi phí cho việc thẩm định và lệ phí cấp giấy phép) đã làm tăng TTHC, tăng chi phí thu nộp cho cả cơ quan thu và người nộp. Ðể giảm TTHC, giảm chi phí thu nộp, cần rà soát gộp các khoản phí, lệ phí này thành một khoản thu, đồng thời cần đưa 12 khoản lệ phí ra khỏi Danh mục bởi có đến tám khoản lệ phí đến nay chưa thu hoặc dừng thu; bốn khoản lệ phí bãi bỏ để cải cách TTHC. Trưởng phòng quản lý phí, lệ phí (Vụ Chính sách thuế) Phạm Ngọc Thạch cho biết, qua rà soát cho thấy, trong thực tế, việc bãi bỏ các khoản phí, lệ phí này không tác động đến số thu NSNN vì hiện chưa thu hoặc đã chuyển sang giá.

Chuyển mạnh sang cơ chế giá, xã hội hóa dịch vụ công

Bộ Tài chính cũng cho biết, bên cạnh các khoản phí, lệ phí nêu trên, qua rà soát, có một số dịch vụ thu phí có khả năng xã hội hóa cao, cần chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá, nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công. Ðồng thời, có nhiều khoản phí, lệ phí cần được bổ sung. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung 15 khoản phí, chín khoản lệ phí. Sở dĩ như vậy vì một số luật chuyên ngành mới ban hành gần đây đã quy định thu một số khoản phí, lệ phí ngoài quy định tại danh mục kèm Pháp lệnh về phí và lệ phí như: phí công chứng (Luật Công chứng), phí bay qua vùng trời (Luật Hàng không dân dụng), lệ phí thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ (Luật Cạnh tranh), lệ phí cấp Giấy phép quy hoạch (Luật Quy hoạch),... "Ðể bảo đảm thống nhất, cần đưa các khoản phí, lệ phí này vào danh mục" - Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định.

Cũng theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, trong những năm gần đây, việc đổi mới cơ chế hoạt động của khu vực sự nghiệp công lập được thực hiện theo hướng đơn vị sự nghiệp được thu phí (giá) dịch vụ tính đủ tiền lương và từng bước tính đủ các chi phí khác, Nhà nước trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị công lập đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính và thực hiện có lộ trình việc xóa bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ,... Ðể đáp ứng yêu cầu mới đặt ra trong quá trình cải cách hành chính, đồng thời đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa, Chính phủ luôn khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển dịch vụ sự nghiệp công để hướng tới việc cung cấp tốt hơn dịch vụ cho mọi tầng lớp nhân dân. Việc thực hiện có lộ trình việc xoá bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ nhằm tăng tính cạnh tranh và bảo đảm lợi ích của các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Chính vì vậy, cần phải sửa đổi pháp luật phí, lệ phí để phù hợp với chủ trương nêu trên.