Sớm chuẩn hóa lực lượng kiểm ngư ở các địa phương

NDO -

Cần tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển cũng như chuẩn hóa lực lượng kiểm ngư ở các địa phương, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong tuần tra, kiểm soát trên biển, góp phần khắc phục "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC).

Lực lượng kiểm ngư kiểm tra việc chấp hành quy định thủy sản trên tàu cá.
Lực lượng kiểm ngư kiểm tra việc chấp hành quy định thủy sản trên tàu cá.

Đây là nội dung được thống nhất trong Hội nghị “Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022” của Cục Kiểm ngư, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diễn ra sáng 24/6 tại Hà Nội.

Khai mạc hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Phú Quốc thông tin, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị thuộc Tổng cục, của lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng và sự phối hợp của các địa phương, cũng như sự phối hợp tuân thủ pháp luật của ngư dân, các hoạt động chuyên môn của ngành kiểm ngư được triển khai đồng bộ, có hiệu quả; trong đó công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác thủy sản trên vùng biển Việt Nam được tăng cường ngay từ đầu năm, góp phần giảm thiểu tình trạng tàu cá vi phạm pháp luật về khai thác thủy sản và kịp thời hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển…

Bên cạnh những thuận lợi đó, ngành kiểm ngư cũng đang gặp không ít khó khăn. Việt Nam có nhiều vùng biển giáp ranh, chồng lấn với các nước trong khu vực, đang tiến hành đàm phán, phân định nên cũng khó khăn trong việc tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân phạm vi khai thác trên biển. Tình hình giá xăng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm trong khi giá thu mua hải sản vẫn đang ở mức thấp đã ảnh hưởng lớn đến việc vươn khơi bám biểm của ngư dân.

Mặt khác, chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ kiểm ngư viên, thuyền viên tàu kiểm ngư bị ngưng trong thời gian dài chưa được tháo gỡ, làm ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống của các bộ thuyền viên tàu kiểm ngư là những nội dung được đưa ra trong hội nghị.

Phát biểu Hội nghị, Thượng tá Ngô Thanh Lâm, Quân chủng Hải quân cho rằng, có hai nguyên nhân chính khiến tình trạng vi phạm ngư trường của ngư dân, là do nguồn lợi thủy sản ngày một khan hiếm và ý thức của một bộ phận ngư dân trong việc đánh bắt đúng quy định còn chưa cao.., bên cạnh các lực lượng thực thi pháp luật còn thiếu và yếu về hạ tầng cũng như năng lực quản lý trên biển. Đại biểu đưa ra một số kiến nghị, cần tăng cường giáo dục, thay đổi nhận thức của ngư dân khi đánh bắt trên biển, cũng như cải tiến kỹ thuật trong hệ thống giám sát tàu thuyền đánh bắt của ngư dân.

Đồng tình với những khó khăn trên, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Đại tá Đào Anh Tú chia sẻ, khi truy vết hành trình thì tình trạng vi phạm ngư trường của ngư dân vẫn còn cao, nhiều tàu đi đánh bắt trong nhiều tháng mới cập bến cũng gây khó khăn trong công tác quản lý và xử lý vi phạm… Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát biển cũng thường xuyên phải can thiệp trường hợp các lực lượng nước ngoài bắt giữ sai tàu cá của ngư dân Việt Nam.

Để giải quyết vấn đề “thẻ vàng” của EC, đại tá Đào Anh Tú cho rằng, cần chia sẻ hệ thống giám sát hành trình cũng như nâng cấp phần mềm quản lý giám sát để đáp ứng tình hình thực tế trên biển, hạn chế tối đa những trường hợp bà con theo luồng cá để thuyền trôi vào vùng biển nước ngoài…

Nói về công tác xử lý, đồng chí Nguyễn Văn Chung, Phó trưởng Phòng An ninh kinh tế, Cục An ninh kinh tế (A04), Bộ Công an, cho rằng, nhiều địa phương chưa vào cuộc mạnh mẽ cũng như công tác xử lý, xử phạt còn vướng mắc, nhất là xử lý hình sự những vi phạm trên biển. Do đó, cần có những chế tài và hướng dẫn cụ thể trong việc xử lý vi phạm của các thuyền vi phạm trên biển.

Là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Chi cục Kiểm ngư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Kiên Giang Nguyễn Quốc Trường chia sẻ: Kiên Giang có gần 10 nghìn tàu cá, trong đó hơn 3.000 tàu đánh bắt xa bờ. Do đó, tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng vi phạm đánh bắt ngoài ngư trường của ngư dân, trong đó đề nghị các lực lượng chức năng ngoài khơi tăng cường hơn nữa kiểm tra, kiểm soát trên vùng biển Kiên Giang, đặc biệt là tăng cường công tác phối hợp hiệu quả giữa Chi cục Kiểm ngư Kiên Giang với Kiểm ngư vùng V của Cục Kiểm ngư.

Đại biểu tỉnh Bình Thuận Huỳnh Quang Huy cho rằng, lực lượng kiểm ngư là quan trọng, chủ lực trong phát triển kinh tế thủy sản, nhưng nhiều địa phương, lực lượng biên chế cho kiểm ngư còn khó khăn, chính sách cho kiểm ngư viên còn hạn hẹp, khiến chưa thu hút được cán bộ chuyên môn cho kiểm ngư. Ông Huỳnh Quang Huy đề nghị cần chuẩn hóa trình độ, thường xuyên tập huấn, đào tạo nghiệp vụ cho lực lượng kiểm ngư địa phương.

Sớm chuẩn hóa lực lượng kiểm ngư ở các địa phương -0
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng kết luận hội nghị. 

Kết luận hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, kiêm Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng cho biết: Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật thủy sản; tham gia phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; bảo vệ an ninh, trật tự và chủ quyền quốc gia trên các vùng biển.

Mặc dù các lực lượng chức năng rất tích cực, nhưng tình trạng vi phạm vẫn còn, do đó công tác phối hợp cần hiệu quả, tránh chồng chéo. Bên cạnh đó, để phát huy hơn nữa vai trò là chỗ dựa tin cậy cho ngư dân bám biển trong tình hình mới, thời gian tới cần kiện toàn công tác tổ chức bộ máy, cán bộ cơ quan kiểm ngư, các chi cục kiểm ngư vùng, các chi đội kiểm ngư và các trạm kiểm ngư; thúc đẩy thành lập hệ thống kiểm ngư địa phương. Tiếp tục phối hợp các lực lượng có liên quan tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên các vùng biển, kết hợp tuyên truyền về biển, đảo; sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân khai thác trên biển góp phần vào việc khắc phục "thẻ vàng" của EC, bảo đảm an toàn, an ninh, chủ quyền trên biển.