Sản phẩm OCOP Thanh Hóa hướng tới thị trường xuất khẩu

NDO -

Xác định chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là một trong những nội dung quan trọng của xây dựng nông thôn mới, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp trong đó có hỗ trợ kinh phí để chủ thể sản xuất phát triển sản phẩm OCOP đem lại hiệu quả cao.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 158 sản phẩm OCOP của 89 xã, phường, thị trấn với 103 chủ thể.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 158 sản phẩm OCOP của 89 xã, phường, thị trấn với 103 chủ thể.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 158 sản phẩm OCOP của 89 xã, phường, thị trấn với 103 chủ thể. Trong đó, có một sản phẩm được xếp hạng 5 sao, 40 sản phẩm 4 sao và 117 sản phẩm 3 sao. Nhờ sở hữu những lợi thế đem lại những sản phẩm đặc sản cả ở vùng biển, đồng bằng, trung du và miền núi, tỉnh Thanh Hóa hầu như không gặp nhiều khó khăn trong phát triển sản phẩm OCOP.

Theo Phó Chánh Văn phòng nông thôn mới Bùi Công Anh, trong năm 2022 tỉnh sẽ phấn đấu có thêm 300 sản phẩm OCOP; đồng thời, đưa toàn bộ các mặt hàng lên sàn thương mại điện tử. Tỉnh cũng xác định trọng tâm cao nhất chính là phát triển chất lượng, xây dựng uy tín chứ không chạy theo số lượng. Với tiềm năng sẵn có về nhân lực và tài nguyên, tỉnh sẽ dần nâng cấp mặt bằng chất lượng các sản phẩm OCOP không chỉ tạo sinh kế cho người dân mà còn thúc đẩy phát triển nông thôn mới bền vững.

Ghi nhận tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Sơn - một trong số ít doanh nghiệp tham gia vào chương trình OCOP với mục tiêu xuất khẩu sản phẩm từ cói sang thị trường châu Âu, để duy trì nguyên liệu đầu vào và chất lượng sản phẩm, Giám đốc Công ty Mai Thị Hiên cho biết, đơn vị đã tiến hành ký hợp đồng mua 200 tấn cói/vụ với giá ổn định cho bà con nông dân; hỗ trợ vốn và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để cây cói phát triển cho sản lượng, chất lượng cao. Nhờ đó, Công ty đã làm chủ được vùng nguyên liệu, bảo đảm tiến độ sản xuất, đơn hàng cung cấp cho đối tác ngay cả thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, góp phần bảo đảm quyền lợi và thu nhập ổn định cho người nông dân. 

Chủ động về nguồn nguyên liệu, thích ứng với những đòi hỏi khắt khe của thị trường xuất khẩu cũng là bí quyết thành công của Công ty cổ phần sản xuất chế biến xuất nhập khẩu Việt Anh. Hiện công ty đã có hơn 60% lượng hàng được xuất khẩu tại Mỹ.

Theo ông Phạm Minh Tôn, Giám đốc Công ty, để chinh phục được thị trường Mỹ, đơn vị đã nỗ lực tham gia chương trình OCOP của tỉnh và được cấp chứng nhận 4 sao. Đây chính là tấm giấy “thông hành” để nhiều mặt hàng cói mang thương hiệu Việt Anh chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế. Nhờ tham gia chương trình OCOP, nhiều công ty như Việt Anh đã rút ngắn được quy trình kiểm định, vượt qua được các hàng rào kỹ thuật khắt khe của Châu Âu và Mỹ. 

Bên cạnh những thuận lợi trong chương trình phát triển OCOP, thì những thách thức mà các chủ thể đang phải đối mặt, đó là số lượng chủ thể tham gia vào chương trình OCOP chưa nhiều, thậm chí nhiều chủ thể chưa hiểu đầy đủ được lợi ích trong việc tham gia chương trình OCOP. Bên cạnh đó, các sản phẩm đặc thù của địa phương còn nhỏ lẻ, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, cụ thể hiện còn 3 đơn vị cấp huyện chưa có sản phẩm OCOP là: Quan Sơn, Lang Chánh, Thị xã Bỉm Sơn. Thêm vào đó, các chủ thể chưa thực sự chú trọng đến việc xây dựng, thiết kế mẫu mã bao bì sao cho sản phẩm chất lượng để thu hút người tiêu dùng. Khó khăn về dịch bệnh, đất sản xuất, mặt bằng nhà xưởng, khu bán hàng, giới thiệu sản phẩm đã và đang là nguyên nhân khiến cho việc thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất theo hướng tập trung cho các sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn bị đình trệ. Ngoài ra, sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp và hộ sản xuất cũng đang là bài toán khó cần có lời giải để tận dụng hết tài nguyên nội tại trong phát triển sản phẩm OCOP. 

Vì vậy, để tăng thêm nguồn lực cho sản phẩm OCOP ngoài những nỗ lực của các chủ thể sản xuất, tỉnh Thanh Hóa cũng đẩy mạnh chương trình hỗ trợ quảng bá, tuyên truyền cho các sản phẩm OCOP. Tỉnh cũng là một trong số ít địa phương trong cả nước xây dựng kế hoạch chi tiết cho việc phát triển sản phẩm OCOP.

Cụ thể, đối với thiết kế mẫu mã, mua bao bì, nhãn mác hàng hóa, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên tương ứng với các mức hỗ trợ: 20 triệu đồng/sản phẩm đạt 3 sao; 40 triệu đồng/sản phẩm đạt 4 sao; 80 triệu đồng/sản phẩm đạt 5 sao.

Cùng với chính sách của tỉnh, các huyện cũng đã và đang rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP riêng theo đặc thù của địa phương.

Nội dung hỗ trợ tập trung chủ yếu phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, cấp quốc gia; hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao (nhà màng, nhà lưới), chuyển đổi cơ cấu cây, con có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, thiết chế văn hóa... tạo động lực cho các địa phương phát triển sản phẩm OCOP, góp phần hoàn thành mục tiêu nông thôn mới tỉnh đề ra. Từ đó, không ngừng phát triển chất lượng của sản phẩm sao cho tương xứng với lợi thế, tiềm năng của tỉnh, từng bước đưa các sản phẩm đến với thị trường quốc tế.