Quỳnh Nhai khuyến khích nghề nuôi cá lồng

Với lợi thế mặt nước rộng, môi trường tạo điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La ở huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) phát triển mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, ngoài việc nâng cao sản lượng thì người dân huyện Quỳnh Nhai cũng đang hướng đến nâng cao chất lượng sản phẩm cá nuôi để phục vụ nhu cầu thị trường, bảo đảm thu nhập ổn định.

Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La của gia đình anh Lò Văn La, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) mang lại hiệu quả cao.
Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La của gia đình anh Lò Văn La, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) mang lại hiệu quả cao.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Nhai La Văn Luân cho biết, diện tích lòng hồ thủy điện Sơn La tại Quỳnh Nhai là hơn 10.000 ha, trải dọc ở chín trong số 11 xã với chiều dài khoảng 72 km. Với diện tích rộng, nguồn nước giàu dinh dưỡng tạo điều kiện cho các loài cá có giá trị kinh tế cao sinh trưởng và phát triển nhanh như lăng, chép, trắm cỏ, trắm đen.

Ðến nay, Quỳnh Nhai có 47 hợp tác xã thủy sản, một liên hiệp hợp tác xã thủy sản; toàn huyện có hơn 6.000 lồng nuôi cá. Hết quý I - 2021, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 450 tấn, trong đó sản lượng cá nuôi 280 tấn, sản lượng tôm, cá đánh bắt trên sông khoảng 170 tấn.

Có thể nói, nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La đang là một trong những hướng phát triển kinh tế ở nhiều địa phương trên địa bàn trong những năm qua. Hiện nay, bình quân mỗi lồng nuôi cá cho thu lãi khoảng từ 14 đến 15 triệu đồng/vụ, cá biệt có nhiều gia đình có kỹ thuật nuôi tốt thu lãi đến vài chục triệu đồng.

Chiềng Ơn là một trong những xã có nhiều lợi thế để phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Trên thực tế, nhiều năm qua, chính quyền địa phương và nhân dân đã tận dụng lợi thế này để làm "đòn bẩy" phát triển kinh tế, xã hội.

Gần mười năm trước thu nhập của gia đình anh Lò Văn La, xã Chiềng Ơn chủ yếu dựa vào làm nương, rẫy. Nhưng thấy mặt hồ thủy điện trên địa bàn diện tích rộng, môi trường nước bảo đảm, đây là điều kiện thuận lợi để nuôi cá lồng.

Anh La cho biết: "Thời gian đầu gia đình tôi nuôi hai lồng cá, sau vụ thu hoạch đầu thấy hiệu quả nên đầu tư thêm hai lồng nữa. Ðến nay, sau chín năm, gia đình tôi đang nuôi khoảng 30 lồng cá. Ðiều đáng nói là cá có thị trường tiêu thụ ổn định được các nhà hàng và thương lái đăng ký trước. Hiện nay, bình quân mỗi vụ (18 tháng) một lồng cá cho thu hoạch khoảng hơn 1,5 tấn cá. Với 30 lồng, mỗi vụ gia đình tôi thu nhập khoảng ba tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 900 triệu đồng".

Ba năm trước, anh Lâm Ðức Ðộ từ thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La) chuyển vào xã Chiềng Ơn để nuôi cá lồng khi thấy hiệu quả mà mô hình này mang lại.

Anh Ðộ cho biết: "Ðến nay, gia đình tôi nuôi 51 lồng cá trắm, chép, rô phi, tầm..., bình quân mỗi vụ thu hoạch khoảng từ 45 đến 50 tấn cá, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Hà Nội. Với giá bán bình quân khoảng 90 nghìn đồng/kg cá, gia đình tôi thu lãi hơn một tỷ đồng/vụ".

Tuy nhiên, hiện nay nghề nuôi cá lồng tại Quỳnh Nhai cũng đang gặp nhiều khó khăn do trên địa bàn huyện, tỉnh chưa có cơ sở sản xuất cá giống đáp ứng nhu cầu người nuôi, hầu hết nhập từ nơi khác về vì vậy chi phí cao; nguồn thức ăn chủ yếu sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương cho nên năng suất thấp.

Ðặc biệt, thời gian gần đây do dịch Covid-19 kéo dài, thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, giá thành hạ, ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ chăn nuôi.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Nhai La Văn Luân cho rằng, nhằm bảo đảm nghề nuôi cá lồng phát triển tốt, thời gian tới huyện sẽ tăng cường tập huấn kỹ thuật nuôi cá ao và kỹ thuật nuôi cá lồng cho nhân dân nhằm chuyển sang hướng nuôi thâm canh cao. Bên cạnh đó, tổ chức thành lập các tổ công tác xuyên suốt từ huyện xuống xã về quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng lòng hồ thủy điện Sơn La. Ðồng thời, thực hiện quản lý việc sử dụng con giống có chất lượng tốt, đặc biệt con giống phù hợp nuôi lồng như: cá trắm, lăng, tầm, chép, rô phi...

Cùng với đó mở rộng nuôi một số loài có giá trị kinh tế cao như cá tầm, lăng chấm, chiên, nuôi trai lấy ngọc. Trong đó, tập trung nuôi tại các xã Chiềng Ơn, Chiềng Bằng, Nặm Ét, Mường Giàng, chủ động con giống tại địa phương bằng cách ương giống tại các ao ở các xã Chiềng Khoang, Mường Giàng. Ðặc biệt, có phương án nâng cấp và khai thác có hiệu quả các cơ sở hạ tầng như các bến cá tại các xã Mường Giàng, Pá Ma Pha Khinh, Chiềng Ơn, Chiềng Bằng nhằm đưa sản phẩm tiêu thụ rộng rãi trên thị trường lưu thông bằng đường bộ và đường thủy.

Ngoài ra, tạo điều kiện hỗ trợ các hợp tác xã chế biến cá từ các sản phẩm cá khai thác cá nuôi lồng; tập trung quản lý và phát triển thương hiệu "cá sông Ðà Sơn La"; tiếp tục đánh giá các cơ sở nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP nhằm nâng cao giá trị cá nuôi lồng.

Bên cạnh đó tạo điều kiện các hợp tác xã đưa sản phẩm đi trưng bày tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá sản phẩm mở rộng thị trường tiêu thụ cá sông Ðà...

Bài và ảnh: Bảo Hân, Xuân Dương