Quyết liệt để hoàn thành mục tiêu khai thác biển

Để hoàn thành mục tiêu năm 2021 với sản lượng khai thác biển đạt khoảng 3,657 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD, trong quý IV/2021, ngành thủy sản phải có nhiều giải pháp căn cơ, quyết liệt để vừa thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa đưa chuỗi hoạt động khai thác, sản xuất chế biến và tiêu thụ thủy sản ở các địa phương trở lại trạng thái bình thường mới.

Ngư dân tỉnh Quảng Ngãi sơn sửa tàu thuyền, chuẩn bị cho chuyến ra khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG
Ngư dân tỉnh Quảng Ngãi sơn sửa tàu thuyền, chuẩn bị cho chuyến ra khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Tại Hội nghị trực tuyến “Tổ chức khai thác thủy sản thích ứng phòng, chống dịch Covid-19, quý IV năm 2021” tổ chức ngày 22/10, Phó Tổng Cục trưởng Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quang Hùng đã nhấn mạnh những khó khăn chồng chất mà ngành khai thác thủy sản nước ta phải đối mặt trong thời gian dịch Covid-19.

Trước hết, do tác động của dịch Covid-19, nhiều tàu cá phải ngừng sản xuất, nằm bờ. Theo thống kê, số lượng tàu cá ngừng không đi khai thác chỉ tính cho ba tháng 7, 8, 9/2021 trên cả nước là 43.200 tàu, tương đương 4,6% cường lực khai thác. Các tàu ngừng sản xuất làm giảm sản lượng khai thác trong ba tháng khoảng 186 nghìn tấn. Dịch bệnh còn tác động sâu đến chuỗi tiêu thụ thủy sản, doanh nghiệp không tiêu thụ được làm cho giá bán sản phẩm giảm 15% đến 20% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, nhiều cảng cá phải đóng cửa để thực hiện phòng, chống dịch và đến giữa tháng 10/2021 vẫn còn bốn cảng cá vẫn tiếp tục thực hiện giãn cách/tạm dừng hoạt động để phòng, chống Covid-19, gồm Nghệ An, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu. Lượng tàu cá vào các cảng cá thuộc các tỉnh miền nam giảm nhiều so với trước do không tiếp nhận các tàu cá miền trung di chuyển ngư trường cập cảng. Theo tổng hợp ước tính của một số tổ chức quản lý cảng cá thì lượng tàu và lượng hàng qua cảng trong thời gian giãn cách vừa qua giảm chỉ còn 44% so với cùng kỳ.

Quyết liệt để hoàn thành mục tiêu khai thác biển -0
Tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Nam ra khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: ĐĂNG KHOA 

Dịch vụ hậu cần nghề cá tại cảng gặp nhiều khó khăn trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Thiếu các nguyên vật liệu phục vụ tàu khai thác thủy sản, việc tiêu thụ sản phẩm tại các cảng diễn ra chậm, nhiều tàu ở một số địa phương như: Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Đà Nẵng, Bình Thuận... bị ứ đọng sản phẩm do cảng ngừng hoạt động. Một số địa phương chưa linh hoạt, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ cho tàu cá ra vào cảng cá, nhất là việc bốc dỡ, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm thủy sản khai thác; việc giãn cách xã hội, xét nghiệm, hạn chế dịch vụ tại cảng, làm khan hiếm nguồn cung nguyên nhiên vật liệu, tăng chi phí cho tàu cá, hạn chế di chuyển đã gây thiếu lao động làm việc trên tàu cá.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, Cao Văn Cường cho biết, trong mấy tháng qua, sản lượng các chuỗi cung ứng thủy sản giảm mạnh do nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh thủy sản phải tạm ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, số lao động mất việc làm tăng từ 30% đến 50%.

Hiện nay, dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Cũng như nhiều ngành hàng khác, thủy sản đang phải thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phục hồi sản xuất để có thể tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cả về sản lượng khai thác biển và kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành khai thác thủy sản tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn khách quan và nội tại khi nguồn cung nguyên vật liệu, nhiên vật liệu chưa phục hồi hoàn toàn, cho nên giá vật tư đầu vào cho hoạt động khai thác thủy sản vẫn ở mức cao. Lao động làm việc trên tàu cá sẽ tiếp tục bị thiếu hụt cục bộ ở một số địa phương trọng điểm nghề cá.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành thủy sản phải thích ứng an toàn, linh hoạt, bảo đảm an toàn cho người lao động và ngư dân, đưa chuỗi hoạt động khai thác thủy sản ở các địa phương trở lại trạng thái bình thường mới, sớm đạt kế hoạch về khai thác lẫn xuất khẩu thủy hải sản. Chúng ta vừa đẩy mạnh khai thác nhưng cũng phải cần thực hiện nghiêm khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) để hy vọng gỡ “thẻ vàng” trong thời gian tới.

Để làm được điều này, trước hết đòi hỏi ngành khai thác thủy sản phải tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu để thích ứng với tình hình mới. Đầu tiên, tổ chức sản xuất trên biển, tuyên truyền và hướng dẫn người dân tổ chức khai thác trên biển theo tổ, đội, nhóm để bảo đảm an toàn, hỗ trợ lẫn nhau trong tình huống khẩn cấp và dịch vụ hậu cần. Thực hiện các chính sách khuyến khích hoạt động khai thác ở các vùng biển xa, tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển.

Tiếp theo là tổ chức các hoạt động tại cảng cá, phải xây dựng các phương án thích ứng bình thường mới, bảo đảm an toàn dịch bệnh tại các cảng và theo hướng dẫn của ngành y tế để duy trì tình trạng hoạt động của cảng. Bố trí nơi tập kết hàng hóa, sản phẩm khoa học, thuận tiện cho việc bốc dỡ, vận chuyển, lưu thông bảo đảm an toàn dịch bệnh; bảo đảm công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng lên bến và truy xuất nguồn gốc chính xác và đúng quy định.

Mặt khác, cần tổ chức sản xuất, kinh doanh tại các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến. Bố trí lao động, phương tiện vận chuyển, bốc dỡ, sơ chế, chế biến khoa học tham khảo nguyên tắc dây chuyền, một cung đường nhiều điểm đến, tránh lây nhiễm chéo dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế. Xây dựng các phương án để duy trì sản xuất linh hoạt trên địa bàn theo hướng dẫn của ngành y tế. Ưu tiên tiêm vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19 cho lao động, ngư dân làm việc trong chuỗi cung ứng khai thác thủy sản để duy trì hoạt động sản xuất trên biển.

Bên cạnh đó, cần tăng cường xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ tại các kênh tiêu thụ trong và ngoài nước. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, Nguyễn Văn Chiến, cần tổ chức tốt các kênh tiêu thụ, tổ chức nắm chắc nguồn cung hải sản và tổ chức tốt các kênh phân phối tiêu thụ hải sản, không để ùn ứ, ách tắc.

Ngành thủy sản phối hợp với ban quản lý cảng cá và các địa phương theo dõi tình hình hoạt động khai thác hải sản trên địa bàn, tính số lượng tàu cá, ngành nghề, sản lượng, chủng loại; đồng thời phối hợp các lực lượng chức năng nắm bắt số tàu cá ngoài tỉnh hoạt động, tập kết tiêu thụ hải sản trên địa bàn để dự báo sản lượng hải sản khai thác trong tỉnh và sản lượng hải sản tập kết qua các cảng nhằm chủ động khâu tiêu thụ. Theo dõi trực tiếp các kênh tiêu thụ: Tại chợ, siêu thị và các hình thức cung ứng nội địa, kênh thu mua cung ứng đầu vào cho sản xuất, chế biến; đẩy mạnh xuất khẩu qua các kênh hỗ trợ, thương mại điện tử...