Phát triển vật liệu xây dựng cho các công trình biển đảo

Theo báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030, tổng nguồn vốn đầu tư của 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển bằng từ 55% đến 60% tổng vốn đầu tư cả nước. Ðể thu hút đầu tư vào các địa phương này, việc phát triển cơ sở hạ tầng rất quan trọng, do đó, cần nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng phục vụ các công trình ven biển, hải đảo, trong đó có xi-măng bền sunfat.

Xuất xưởng sản phẩm xi-măng bền sunfat của Nhà máy Xi-măng Thành Thắng.
Xuất xưởng sản phẩm xi-măng bền sunfat của Nhà máy Xi-măng Thành Thắng.

Thực tế, các công trình ven biển, hải đảo thường bị ăn mòn và phá hủy sau khoảng 10 năm, đòi hỏi chi phí lớn cho việc sửa chữa và bảo vệ (chiếm từ 40% đến 70% giá thành xây dựng) hoặc phải làm lại. Vì vậy, phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng thích ứng với môi trường xâm thực, nâng cao tuổi thọ công trình, tiết kiệm chi phí là rất cần thiết.

Dự báo nhu cầu ngày càng tăng

Vừa qua, tại xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, Công ty cổ phần Xi-măng Thành Thắng Group đã đốt lò, đưa vào vận hành dây chuyền số 4 Nhà máy xi-măng Thành Thắng, công suất 2,3 triệu tấn/năm với tổng mức đầu tư 4.951 tỷ đồng, sử dụng các thiết bị tiên tiến, hiện đại sản xuất tại các nước G7.  Ðây là dây chuyền chuyên sản xuất các sản phẩm xi-măng chất lượng cao, xi-măng chịu mặn bền sunfat phục vụ các công trình ven biển và hải đảo, nâng tổng công suất của toàn nhà máy lên 9,1 triệu tấn/năm với năm dây chuyền hoạt động ổn định. Không những vậy, hai dây chuyền 4 và 5 của đơn vị sẽ kết hợp xử lý rác thải, phế thải để đốt lò, nhưng vẫn bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Phó Tổng Giám đốc sản xuất Nhà máy xi-măng Thành Thắng Nguyễn Hữu Ðiển cho biết: Trước khi đầu tư dây chuyền số 4, Thành Thắng đã khảo sát thị trường, lên phương án kinh doanh và xác định thị trường tiêu thụ phù hợp, tiềm năng… Hiện tại, Thành Thắng đang hướng đến thị trường miền trung và xuất khẩu sang Bangladesh, Philippines, các nước Trung Ðông. Qua khảo sát, nhu cầu của các nước nêu trên về sản phẩm xi-măng bền sunfat rất lớn. Trong tương lai, sản phẩm này sẽ đem đến những lợi ích lớn cho các nhà sản xuất, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển, bảo đảm chất lượng, kéo dài tuổi thọ công trình.

Tương tự, theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xi-măng Xuân Thành Vũ Quang Bắc, những năm qua, công ty đã nghiên cứu thành công và làm chủ công nghệ sản xuất xi-măng bền sunfat. Hiện tại sản phẩm của Xuân Thành đã và đang được sử dụng thử nghiệm trong một số dự án thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Xuân Thành như cảng chuyên dụng tại Khánh Hòa và đang tiếp tục được nghiên cứu ứng dụng trong xây dựng cảng biển của một nhà máy sản xuất thép ở Nam Ðịnh… Hiện nay, một số khách hàng ở khu vực miền trung và cả đối tác nước ngoài cũng đang liên hệ tìm hiểu, xem xét đặt hàng và tìm kiếm cơ hội hợp tác xuất khẩu sản phẩm với công ty. Ông Bắc nhận định, với đặc thù của Việt Nam có bờ biển dài và đang triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang và sẽ triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm phát triển kinh tế khu vực ven biển, hải đảo một cách mạnh mẽ. Do đó, nhu cầu xi-măng bền sunfat phục vụ các công trình biển đảo chắc chắn sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Nhu cầu lớn, nhưng thực tế phát triển xi-măng bền sunfat nói riêng và vật liệu xây dựng cho các công trình biển đảo nói chung còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là thiếu các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, những nghiên cứu đầy đủ về vật liệu xây dựng chịu mặn cũng như hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng các công trình ven biển, biển đảo...

Xây dựng cơ chế phù hợp

Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc cho biết, nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án phát triển vật liệu xây dựng phục vụ các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025, tại Quyết định 126/QÐ-TTg, ngày 25/1/2019 (Ðề án 126). Qua một thời gian triển khai, đến nay, các bộ, ngành, địa phương và nhất là các doanh nghiệp đang triển khai tốt Ðề án 126 trên diện rộng. Bên cạnh xi-măng bền sunfat, nhiều vật liệu phục vụ công trình biển đảo khác cũng đã được nghiên cứu, sản xuất thành công như: kính, gạch ốp lát, phụ gia bê-tông, thép hợp kim… “Việt Nam có thể sản xuất đầy đủ các loại vật liệu chịu mặn đáp ứng nhu cầu sử dụng trong các công trình ven biển, hải đảo. Việc phát triển và sử dụng hiệu quả các loại vật liệu này góp phần tăng tuổi thọ công trình, phục vụ tốt cho Chiến lược phát triển kinh tế biển”, ông Bắc nhận định.

Còn theo TS Ðinh Quốc Dân, Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Xây dựng, cần hệ thống hóa các công trình nghiên cứu trong nước về lĩnh vực vật liệu chống ăn mòn xâm thực, công trình kết cấu vật liệu trong môi trường ven biển và đảo, từ đó giúp các nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu, các nhà quản lý trong nước có thể tiếp cận và kế thừa sử dụng, phát triển, bổ sung về giải pháp, kiến trúc, tiêu chuẩn, quy chuẩn. Ðồng thời, cần có chính sách, cơ chế để khuyến khích phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phục vụ cho các công trình biển đảo phù hợp thực tế tại Việt Nam, trong đó có xi-măng bền sunfat. Việc phát triển các loại vật liệu xây dựng có những tính năng vượt trội, có thể thích ứng được với môi trường xâm thực, khắc nghiệt, phục vụ xây dựng hạ tầng ở các vùng ven biển và hải đảo là vô cùng quan trọng và cấp bách.

PGS, TS Lương Ðức Long, nguyên Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng phân tích, hiện tại nhiều chủ đầu tư, tư vấn thiết kế không mặn mà sử dụng vật liệu xây dựng đặc thù cho các công trình biển đảo, cho nên nhu cầu của thị trường đối với loại vật liệu này còn nhỏ, dẫn đến chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm cao. Do đó, trong thời gian tới, cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn đối với công trình biển đảo và ban hành quy chuẩn tương ứng. Khi đã có đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, cần có biện pháp giám sát và chế tài xử lý đối với việc không chấp hành các quy chuẩn xây dựng trong vùng khí hậu biển. Các doanh nghiệp trong nước đã có thể làm chủ công nghệ sản xuất nhiều loại vật liệu cho công trình ven biển, hải đảo như: xi-măng, vữa, gạch, sơn… Nếu đẩy mạnh sử dụng đúng các vật liệu chuyên dụng này, công trình ven biển, hải đảo sẽ có độ bền cao, lên đến 50-70 năm, đồng thời mức giá sẽ giảm hơn so hiện nay, góp phần quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.