Phát triển thị trường bảo hiểm bền vững, tiệm cận với các thông lệ quốc tế

NDO -

Việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sáng 22/10. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sáng 22/10. (Ảnh: DUY LINH)

Trình bày Báo cáo cáo thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại hội trường sáng 22/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm để khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000.

Ủy ban Kinh tế nhận định, các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Về hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường bảo hiểm, Ủy ban đề nghị bổ sung đánh giá tác động về chi phí, việc sử dụng ngân sách nhà nước, chi phí từ các nguồn khác (nếu có) trong trường hợp đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm vì vấn đề này chưa được đánh giá tác động khi xây dựng hồ sơ dự án Luật.

Cơ quan soạn thảo cần làm rõ quy định về bảo hiểm bắt buộc và bắt buộc phải mua bảo hiểm, trong đó thuyết minh rõ phạm vi bảo hiểm của từng sản phẩm bảo hiểm bắt buộc, việc đáp ứng tiêu chí về bảo hiểm bắt buộc.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết có ý kiến khác nhau về sự cần thiết của loại hình bảo hiểm vi mô quy định trong dự thảo Luật. Theo đó, để bảo đảm tính khả thi của Luật, đề nghị Cơ quan soạn thảo tổng kết, đánh giá đầy đủ về tính hiệu quả của việc thí điểm thực hiện hoạt động bảo hiểm vi mô trong thời gian qua; phân tích, đánh giá kỹ tác động kinh tế - xã hội, chi phí, lợi ích của loại bảo hiểm này; làm rõ sự khác biệt giữa loại hình bảo hiểm này so với bảo hiểm thông thường.

Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), nhấn mạnh mục tiêu xây dựng dự án Luật nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm kết hợp với việc cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Phát triển thị trường bảo hiểm bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế -0
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Dự thảo Luật bổ sung quy định về cấp giấy phép thành lập và hoạt động đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sản phẩm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác.

Dự thảo Luật yêu cầu doanh nghiệp phải xác định tỷ lệ an toàn vốn, quản lý vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro của doanh nghiệp; ngoài ra bổ sung quy định đối với kiểm toán độc lập, phạm vi kiểm toán độc lập và trách nhiệm cung cấp thông tin cho Bộ Tài chính.

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV