Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới

NDO -

“Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược lâu dài trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Ngày 17/3, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị cho ý kiến vào các dự thảo trong Đề án báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết chủ trì Hội nghị. Tham dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, địa phương là thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập; các đồng chí trong Tổ Biên tập, giúp việc Ban Chỉ đạo.

Theo báo cáo tại Hội nghị, Nghị quyết 26-NQ/TW được thể chế hóa kịp thời, hình thành hệ thống chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn toàn diện, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý Nhà nước và trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp.

Quá trình thực hiện, Bộ Chính trị đã chỉ đạo sơ kết 5 năm, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết và ban hành các Kết luận số 97-KL/TW ngày 9/5/2014, Kết luận số 54-KL/TW ngày 7/8/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời điều chỉnh, bổ sung chính sách, pháp luật phù hợp hơn với thực tiễn. Nhiều chỉ tiêu mà Nghị quyết đề ra đến năm 2020 đạt và vượt như: thu nhập của người dân nông thôn tăng 4,5 lần so với năm 2008 (mục tiêu là trên 2,5 lần); số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 62,4% (mục tiêu là khoảng 50%);  tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm bình quân 1,21%/năm (mục tiêu là giảm 1-1,5%/năm)…

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được vẫn tồn tại những hạn chế, nông nghiệp phát triển chưa bền vững, xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, thu nhập, đời sống của phần lớn nông dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo một số nơi còn cao… Vì vậy, yêu cầu công tác tham mưu chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải có những đột phá, phù hợp với tình hình mới.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý kiến nhiều nội dung đối với các dự thảo trong Đề án tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW; trong đó tập trung vào các vấn đề quan trọng như tính thực tiễn, tạo giá trị mới, đột phá cho phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới; các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của Dự thảo nghị quyết mới về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nghiên cứu tác động của tình hình thế giới và dịch bệnh.

Một số ý kiến góp ý về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; vấn đề đào tạo lao động ở nông thôn; tài chính, tín dụng ở nông thôn; phát triển sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam…

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh ghi nhận những ý kiến góp ý với tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu, nhất là đã dành nhiều tâm huyết vào nội dung dự thảo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng chí nhận định, dự thảo Nghị quyết mới đã kế thừa, phát triển các quan điểm, định hướng của Nghị quyết 26-NQ/TW, khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược lâu dài trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời bổ sung, phát triển một số nội dung mới, trọng tâm nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị thành viên Ban chỉ đạo, Tổ biên tập nghiêm túc tiếp thu ý kiến tại Hội nghị, xem xét những vấn đề cần tiếp tục bổ sung, những nội dung cần kế thừa, phát triển của Nghị quyết 26-NQ/TW, những quan điểm, giải pháp mới cho giai đoạn đến năm 2030…, nhằm tiếp tục hoàn thiện Đề án, trình Bộ Chính trị đúng thời gian, tiến độ đã đề ra.