Phát triển bền vững tỉnh Bến Tre trong bối cảnh biến đổi khí hậu

NDO -

Ngày 31/12, tại TP Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Phát triển bền vững tỉnh Bến Tre trong bối cảnh biến đổi khí hậu” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Các nhà khoa học phát biểu tham luận tại hội thảo khoa học “Phát triển bền vững tỉnh Bến Tre trong bối cảnh biến đổi khí hậu”. (Ảnh: ANH TUẤN)
Các nhà khoa học phát biểu tham luận tại hội thảo khoa học “Phát triển bền vững tỉnh Bến Tre trong bối cảnh biến đổi khí hậu”. (Ảnh: ANH TUẤN)

Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia và lãnh đạo tỉnh Bến Tre nêu ra những thách thức của biến đổi khí hậu tác động đến đời sống kinh tế-xã hội tỉnh Bến Tre và đề ra những giải pháp thích ứng trong tình hình mới.

Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Bến Tre nói riêng đang phải đối diện với những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra, trong đó, nguy cơ lớn nhất là nước biển dâng và hạn mặn. Trong những năm gần đây, tình hình nắng nóng và khô hạn diễn biến ngày càng bất thường kết hợp với hiện tượng nước biển dâng gây nên tình trạng xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng hơn, điển hình là 2 đợt hạn mặn năm 2015-2016 và 2019-2020.

Cuối tháng 3/2016, độ mặn 4‰ xâm nhập cách cửa sông khoảng từ 50-70km, độ mặn 1‰ xâm nhập phạm vi gần như toàn tỉnh. Ước tính giá trị thiệt hại của riêng ngành nông nghiệp hơn 1.800 tỷ đồng.

Mùa khô năm 2019-2020, tỉnh Bến Tre đối mặt với đợt xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong lịch sử. Độ mặn 2‰ hầu như bao phủ toàn tỉnh Bến Tre; so với trung bình nhiều năm, mặn xâm nhập sớm hơn từ 2-3 tháng; độ mặn 4‰ xâm nhập sâu hơn từ 10-25 km trên các sông chính. Đợt xâm nhập mặn này đã làm 5.400 ha lúa vụ đông xuân chết; 168 ha rau màu và 27.985 ha cây ăn trái, 600 ha cây giống và 1,2 triệu cây hoa kiểng các loại bị nhiễm mặn; toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt đều bị ảnh hưởng và khoảng 86.896 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Các nhà khoa học, các chuyên gia đã nhận diện cơ hội và thách thức của biến đổi khí hậu và đề ra giải pháp phát triển bền vững-thích ứng. Theo đó, xây dựng bộ chỉ số về bảo vệ môi trường, quản lý nguồn nước và ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường nông nghiệp, nông thôn. Nhận diện tiềm năng và hướng phát triển bền vững cho du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái tỉnh Bến Tre.

Xâm ngập mặn sẽ diễn ngày càng gay gắt hơn, yêu cầu phải có biện pháp cải thiện môi trường nông nghiệp canh tác lúa, chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển đổi sinh kế của người nông dân tỉnh Bến Tre thích ứng với biến đổi khí hậu. Di sản văn hóa vật thể ở Bến Tre cũng được xem xét trong bối cảnh biến đổi khí hậu và kỷ nguyên số, đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị và gìn giữ cho các thế hệ mai sau.

PGS.TS Lê Thanh Sang, Trưởng ban tổ chức hội thảo, cho biết: “Phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu là một chủ trương lớn được chính quyền các cấp Bến Tre triển khai thực hiện với tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2045. Bến Tre định hướng phát triển về phía đông và triển khai thực hiện đồng bộ bốn trụ cột chính: Tăng giá trị và tiếp cận thị trường trong nông nghiệp; phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng sạch; phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; nâng cao chất lượng cuộc sống, kiến tạo môi trường xanh, bền vững".

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, cần có các giải pháp phù hợp nhằm tận dụng tốt nhất các cơ hội, tiềm năng; đồng thời phải tính tới những hạn chế và thách thức trong nguồn lực hiện có. Các vấn đề trên được tiếp tục nghiên cứu để tìm ra giải pháp tổng thể đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Bến Tre trong bối cảnh mới, PGS.TS Lê Thanh Sang nhấn mạnh.