Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động

NDO -

Chiều 28/10, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động".

Tọa đàm "Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động". (Ảnh: NHẬT BẮC/VGP)
Tọa đàm "Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động". (Ảnh: NHẬT BẮC/VGP)

Tham dự có Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam Vũ Tiến Lộc. 

Trong bối cảnh khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, nước ta đã từng bước triển khai thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Theo số liệu thống kê, 9 tháng đầu năm, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng 1,42% so với cùng kỳ năm 2020. Trong kết quả chung đó, nông nghiệp có đóng góp lớn, thực sự là “trụ đỡ” của nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Riêng trong quý III, khi dịch Covid-19 diễn ra trên diện rộng ở các tỉnh, thành phố phía nam, giá trị gia tăng của ngành vẫn tăng 1,04% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cũng đạt trên 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ, dự báo có thể đạt và vượt mục tiêu cả năm. Thực tiễn nhiều năm qua, khi đất nước có những biến động về kinh tế - xã hội, nông nghiệp luôn là “trụ đỡ” cho nền kinh tế.

Tại tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan và ông Vũ Tiến Lộc đã phân tích cụ thể nhiều khía cạnh của ngành nông nghiệp, đồng thời nêu giải pháp để nông nghiệp thực sự là “trụ đỡ” của nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia.

Nền nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế xã hội

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Quy mô của các doanh nghiệp nông nghiệp có thể không bằng các doanh nghiệp công nghiệp nhưng sức lan tỏa ra hàng chục triệu hộ nông dân có thể kết nối trở thành sức mạnh. Như vậy phải nhìn nền nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế xã hội chứ không phải là ngành kinh tế đơn lẻ, không chỉ là một ngành có đóng góp 14% tổng GDP. Đây là một ngành kinh tế bao trùm đem lại thu nhập cho hàng chục triệu con người chứ không phải 1 nhóm người. Từ câu chuyện trong đại dịch vừa rồi có thể nhìn thấy ngành nông nghiệp với hàng chục triệu hộ nông dân có thể linh hoạt và năng động hơn trong đại dịch, trên từng mảnh vườn, cái ao… vẫn có thể tạo ra giá trị kinh tế, tạo ra bức tranh nông nghiệp “dương” so với nhiều ngành khác.

Ông Vũ Tiến Lộc cho biết: Có thể nói, đất nước ta phát triển phần lớn bắt đầu từ nông nghiệp. Người Việt Nam phần lớn sinh ra từ nông thôn, đây là nền tảng gốc rễ xã hội Việt Nam. Quá trình công nghiệp hóa là quá trình chuyển dịch từ nông nghiệp nông thôn sang công nghiệp. Tuy nhiên, lợi thế năng lực cạnh tranh cốt lõi của Việt Nam vẫn là nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin… Trong thời gian qua, nông nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ, có nhiều đóng góp cho GDP, nhưng quan trọng nhất là dư địa của ngành nông nghiệp còn vô cùng lớn, nhưng cũng còn không ít thiếu sót cần khắc phục để tạo ra năng lực cạnh tranh mới. Trong mọi biến cố ở các nền kinh tế, thì nông nghiệp đều phát huy vai trò trụ đỡ, bởi nhu cầu ăn uống, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp thì bối cảnh nào cũng cần.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Theo thông lệ hằng năm, quý IV là quý tăng trưởng mạnh nhất của ngành nông nghiệp. Sơ bộ làm việc với các hiệp hội, ngành hàng liên quan đến xuất khẩu, bộ rất tự tin sẽ đạt được kế hoạch đặt ra 42,5 tỷ USD. Tuy nhiên, điều này còn lệ thuộc vào tình hình diễn biến dịch bệnh. Chúng ta cũng biết những ngày gần đây, sự chuyển hướng trong phòng, chống dịch sang xác định sống chung với dịch trong điều kiện bình thường mới, chủ trương sẽ không còn “Zero Covid-19”, dòng người lao động từ khu đô thị về các địa phương đã xuất hiện ổ dịch cũng khiến lãnh đạo một số địa phương không tránh khỏi lao ngại. Mục tiêu của Chính phủ mở cửa nền kinh tế, phục hồi phát triển kinh tế có thể cũng sẽ gặp một vài khó khăn khi dịch bùng phát tại một số địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ lần này, cùng với sự chủ động của các địa phương, tôi nghĩ rằng đây là điểm tựa cho các doanh nghiệp có liên quan đến xuất khẩu có niềm tin để tái khởi động lại. Bộ trưởng có niềm tin rất lớn vào các doanh nghiệp nội của chúng ta vì cuối cùng doanh nghiệp Việt của chúng ta hoàn toàn có thể mở rộng để thu hút FDI.

Về tăng trưởng, qua khảo sát sơ bộ đánh giá đối với từng ngành hàng, từng địa phương và làm việc với Tổng cục Thống kê, bộ cho rằng, tăng trưởng của ngành sẽ bảo đảm và góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế nước ta. Qua đó để thấy dư địa của chúng ta, mặc dù đang ở giai đoạn chống chọi với dịch bệnh, ngay cả ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn như chi phí đầu vào tăng, những biến cố thị trường, đứt gãy logistic cung ứng thế giới..., tuy nhiên dư địa chúng ta còn và chúng ta có niềm tin.

Trong bối cảnh đó, những bước đi của ngành nông nghiệp nhiệm kỳ 2021 - 2025 với tầm nhìn phát triển chiến lược, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại trong giai đoạn sắp tới, không phải quy hoạch lại ngành này hay ngành kia, tăng ngành này giảm ngành kia mà chính là chuyển đổi mô hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy kinh tế với mục tiêu là tăng giá trị. Chúng ta bắt đầu khơi thông được tư duy đó.

Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi mô hình chứ không phải thay đổi tỷ trọng của một ngành nông nghiệp khi đi theo sản lượng. Chúng ta phải tích hợp đa giá trị vào sản phẩm, nhìn nông nghiệp không phải là kỹ thuật hay sản xuất, thậm chí không dừng lại là ngành kinh tế mà là ngành tích hợp cả kinh tế, văn hóa, xã hội. Bởi vì đã có nhiều nghiên cứu, bản thân xã hội cũng là nguồn lực, bản thân văn hóa cũng là nguồn lực… Văn hóa, xã hội nông thôn, tri thức hóa người nông dân tạo ra cộng đồng nông dân năng động ở địa phương. Nó sẽ trở thành nguồn lực tinh thần hợp tác của người nông dân với nhau. Chúng ta thấy “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” là 3 từ khóa “lời nguyền” của nông nghiệp; nếu trong “bình thường mới” tiếp tục manh mún, nhỏ lẻ, tự phát thì vẫn là vòng lẩn quẩn.

Hợp tác xã là giải pháp trong chuyển đổi nông nghiệp

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Hợp tác xã là giải pháp trong chuyển đổi nông nghiệp. Chỉ hợp tác xã mới vượt qua lời nguyền “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”. Chính hợp tác xã khi quần tụ với nhau mới đủ sức, là chỗ để Nhà nước hỗ trợ chứ Nhà nước không hỗ trợ qua các hộ cá thể nữa mà qua kinh tế tập thể. Đến một ngày nào đó với một năng lực nào đó, hợp tác xã sẽ "ngồi ngang hàng" với các doanh nghiệp để đàm phán vấn đề liên kết. Còn từng hộ không thể ngồi đàm phán với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng đang cần hợp tác xã nhưng nhiều khi bà con vẫn quen làm riêng lẻ.

Trở lại câu chuyện này, tôi mong muốn truyền thông đừng đẩy người nông dân thông qua hợp tác xã và các doanh nghiệp thành hai "chiến tuyến". Sự hợp tác của người nông dân thông qua hợp tác xã sẽ trở thành một bi kịch nếu hai bên xem nhau là đối trọng chứ không phải đối tác của nhau. Nông dân nói thương lái ép, ngược lại, thương lái nói nông dân bội tín… Thương lái - nông dân ép nhau mùa này sang mùa khác thì việc hợp tác liên kết không tồn tại được.

Theo ông Vũ Tiến Lộc: Phải thay đổi tư duy của người nông dân. Tôi nghĩ, tất cả nông dân bây giờ cũng đều phải đứng trước nhu cầu khởi nghiệp. Khi chúng ta quan niệm rằng nền nông nghiệp không phải là sản xuất nông nghiệp mà là kinh tế nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp thì chủ thể của kinh tế đó phải có tinh thần của người kinh doanh. Người nông dân bây giờ cũng phải tính đầu tư vào đâu, sản xuất kinh doanh cái gì, bán đi đâu mới hiệu quả? Vì vậy, người nông dân cần phải có tinh thần của người kinh doanh. Đó là doanh nhân hóa nông dân, chứ không phải doanh nhân chỉ là nhà máy, xí nghiệp. Hộ nông dân cũng phải tiến hành sản xuất kinh doanh trên tinh thần của doanh nhân, bản chất là đầu tư để tìm lợi nhuận, để làm giàu cho mình. Đó là tinh thần doanh nhân. Vì vậy, nông dân phải có tinh thần khởi nghiệp. Hiện nay, đào tạo nguồn nhân lực đang rất yếu, chỉ khoảng 4% nông dân có đào tạo về kỹ thuật chuyên môn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: Về vấn đề đào tạo, nhiều nông dân phản ánh rằng nông dân đã khổ quá rồi, còn học hành gì nữa, còn đẻ ra giấy phép con làm gì… Nếu nông nghiệp không chuyên nghiệp thì sẽ để lại hệ lụy rất lớn. Quốc hội đang bàn Luật bảo hiểm, trong đó có đặt vấn đề bảo hiểm nông nghiệp. Nhưng không thể nào áp dụng được bảo hiểm nông nghiệp nếu một nền nông nghiệp không chuyên nghiệp, nếu người nông dân không chuyên nghiệp. Như nuôi vài con lợn, phải làm thế nào để công ty bảo hiểm đàm phán được với người nông dân về thiệt hại do kỹ thuật hay do chăn nuôi, do thời tiết… Chúng tôi cũng đang hướng tới việc người nông dân khởi nghiệp trong chương trình nông thôn mới, tức là đừng để người nông dân trong một ốc đảo tri thức. Ở nước ngoài, người dân nói chuyện như một nhà khoa học, không ai biết họ là nông dân. Vì vậy, không có con đường nào khác là phải chuyên nghiệp.

Ngành nông nghiệp đã triển khai hình thức trên. Trường Đào tạo cán bộ 2 đã tổ chức các lớp trực tuyến cho nông dân. Thậm chí mời các doanh nghiệp đến trao đổi về thị trường, các doanh nghiệp và chuyên gia sẵn sàng chia sẻ miễn phí cho bà con. Trong bối cảnh khó khăn, người Việt Nam thường xoay xở rất nhanh. Khi thương mại điện tử phát triển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Thông tin và Truyền thông đang làm một chương trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số trong nông nghiệp bao gồm các vấn đề sản xuất phân phối, thương mại, sàn giao dịch nông sản. Khi chúng ta kích hoạt toàn bộ thì sẽ tạo tăng đầu cầu lên. Trở lại vấn đề này, tri thức hóa người nông dân, huấn luyện người nông dân không có nghĩa là huấn luyện về kỹ thuật canh tác trồng trọt mà huấn luyện cả cách để người nông dân tiếp cận được với những công cụ, thiết bị thông minh để họ làm giàu, thay đổi cách làm nông, biết cách kết nối…