Nông dân Khmer sản xuất giỏi

Những năm qua, cùng với việc chung tay xây dựng nông thôn mới, nhiều nông dân Khmer ở Vĩnh Long đã phát huy tính cần cù, chịu khó vươn lên khá, giàu. Đặc biệt có nhiều tấm gương sáng được tuyên dương, khen thưởng và góp phần hỗ trợ người khó khăn ở địa phương.

Ảnh minh họa: Nông dân Khmer ở Vĩnh Long chăm sóc bò từ nguồn vốn vay của địa phương. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa: Nông dân Khmer ở Vĩnh Long chăm sóc bò từ nguồn vốn vay của địa phương. (Nguồn: TTXVN)

Vĩnh Long là một trong những tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Toàn tỉnh có hơn 22.630 người Khmer, chiếm 2,21% dân số toàn tỉnh, sống chủ yếu ở các xã gồm: Đông Bình, Đông Thành (thị xã Bình Minh); Loan Mỹ (huyện Tam Bình); Tân Mỹ, Trà Côn (huyện Trà Ôn) và một ấp ở xã Trung Thành (huyện Vũng Liêm).

Đến xã Tân Mỹ hỏi nhà ông Thạch Tua (sinh năm 1962) thì ai cũng biết và nể phục sự cần cù, sáng tạo của gia đình ông. Xuất thân từ hai bàn tay trắng, đến nay, ông có cơ ngơi khá đồ sộ và được bà con chòm xóm tín nhiệm cao.

Năm 1982, được gia đình cho ra ở riêng với hơn một công đất cằn cỗi, hai vợ chồng ông Thạch Tua bắt tay ngay vào việc trồng trọt, chăn nuôi, luân phiên rau màu. Do chí thú làm ăn, hai vợ chồng dành dụm, tích cóp được số tiền mua thêm đất và chiếc máy xới làm thuê cho bà con trong xóm. Không ngại nắng mưa, hai vợ chồng ai thuê đâu làm đó, từ đồng gần đến đồng xa. Máy móc trong nhà bị hư hỏng, ông không đem ra thợ sửa mà ở nhà tự mày mò cuối cùng cũng thành công. Khi địa phương có phong trào cải tạo đất gò, ông Tua mua máy và thiết vị về nhà tự chế để làm đất cung cấp cho các cơ sở sản xuất gạch gốm.

Năm 2007, ông Thạch Tua được tuyên dương nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương tại Thủ đô Hà Nội. Ông tâm sự: “Đến nay tôi đã lớn tuổi, tất cả chuyện làm ăn đều giao lại cho đứa con trai thứ hai quán xuyến. Ngoài việc trông cháu, tôi còn nuôi gần 20 con bò, mỗi ngày hai buổi cắt cỏ cho bò ăn. Tuy việc nhẹ, nhưng cũng có thu nhập rất ổn định, trang trải cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá hơn”-ông nói.

Tiếp nối truyền thống cần cù, sáng tạo, anh Thạch Tâm (sinh năm 1984), con ông Thạch Tua đã mở rộng quy mô sản xuất của gia đình. Những năm gần đây, nắm bắt được tình hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, năm 2018, gia đình anh mạnh dạn đầu tư mua xe cuốc để lên liếp trồng cam, một loại cây đặc sản của huyện Trà Ôn. Thấy làm ăn có hiệu quả, anh Thạch Tâm bàn bạc với gia đình mua thêm hai chiếc xe cuốc. Trung bình mỗi ngày một chiếc làm được một công đất với giá hơn hai triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi ngày gia đình thu nhập từ xe cuốc cũng hơn ba triệu đồng.

Đặc biệt, mới đây, ngày 27/3 vừa qua, anh Thạch Tâm được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng ấp Cần Thay, xã Tân Mỹ. Anh chia sẻ: “Được bà con tín nhiệm, gia đình chúng tôi còn phải cố gắng nhiều hơn nữa, vừa hướng dẫn bà con làm kinh tế, nâng cao đời sống vừa phải có trách nhiệm để người dân ngày càng tin tưởng hơn”.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Mỹ, Nguyễn Văn Nhiều cho biết, hiện xã có 44% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều nông dân Khmer đã vượt khó thoát nghèo bởi chí thú làm ăn, mở rộng quy mô sản xuất. Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long, Bùi Văn Chiều, phong trào nông dân sản xuất giỏi ở Vĩnh Long những năm gần đây phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Trong đó đáng chú ý là nông dân sản xuất giỏi là người dân tộc Khmer. Nhiều hộ Khmer cần cù sáng tạo, mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô sản xuất, chung tay xây dựng nông thôn mới, vì thế đời sống đồng bào dân tộc Khmer ngày càng khởi sắc ■