Nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng

Giai đoạn 2011 - 2015, nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện phát triển bền vững. Lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý và thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước; mặt bằng lãi suất giảm góp phần khai thông nguồn vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh và đầu tư; tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, từng bước xử lý nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng. Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư khá cao. Dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay…

Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).
Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).

Nền tảng hỗ trợ tăng trưởng

Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô được coi là thành tựu quan trọng nhất của kinh tế Việt Nam trong 5 năm vừa qua. Nhiều chuyên gia cũng như các tổ chức quốc tế đã không ngần ngại đánh giá Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng về ổn định kinh tế vĩ mô, điển hình là kiềm chế lạm phát. Năm 2015 vừa qua, lạm phát chỉ còn ở mức 0,63%, trong khi những năm đầu giai đoạn 2011-2015, lạm phát như “con ngựa bất kham” liên tục “phi mã”. Kết thúc năm 2010, lạm phát tăng 11,75%, tiếp đó, năm 2011, lạm phát tăng tới 18,13%, gần bằng mức kỷ lục 19,89% năm 2008, năm Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Ưu tiên kiềm chế lạm phát trở thành nhiệm vụ trọng tâm cùng các nhiệm vụ khác như ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế… Từ năm 2012 đến nay, lạm phát từng bước được kiềm chế (năm 2012 chỉ tăng 6,81%, năm 2013 tăng 6,04% và năm 2014 chỉ còn 1,84%). Thậm chí mục tiêu kiềm chế lạm phát đã chuyển thành “kiểm soát” lạm phát do nguy cơ lạm phát cao không còn đe dọa trực tiếp nền kinh tế như những năm trước đây.

Nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bên cạnh mục tiêu chủ yếu là kiềm chế, kiểm soát lạm phát thì các mục tiêu khác cũng không kém phần quan trọng vì có tác động tương hỗ và phụ thuộc lẫn nhau như cán cân thương mại, cán cân thanh toán, cán cân ngân sách nhà nước (NSNN), lãi suất tín dụng, tỷ giá hối đoái… Các cân đối vĩ mô này đều được duy trì bảo đảm. Nhờ tiến bộ tích cực của cán cân thương mại đi đôi với duy trì thặng dư tài khoản vốn mà cán cân thanh toán của Việt Nam được phục hồi và củng cố đáng kể với trạng thái thặng dư ngày càng lớn giúp cho dự trữ ngoại tệ của nước ta liên tục tăng cao, đạt kỷ lục hơn 35 tỷ USD năm 2014 sau khi đã sụt giảm mạnh những năm 2009-2010. Thặng dư cán cân thương mại và cán cân thanh toán đã hỗ trợ tích cực cho ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá hối đoái và tạo nguồn lực giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Dấu hiệu phục hồi kinh tế đang ngày càng vững chắc theo xu thế tốc độ tăng GDP tăng dần và tốc độ lạm phát giảm dần, thậm chí GDP năm 2014 và 2015 đều vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm sau ba năm liên tiếp 2011-2013 không đạt mục tiêu kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế bắt đầu phục hồi một cách vững chắc nhưng còn chậm chạp, cho nên bình quân cả giai đoạn 2011 - 2015, GDP chỉ tăng chưa đầy 6%/năm, thấp hơn so với mục tiêu tăng 7% đến 7,5%. GDP chỉ tăng trưởng với tốc độ cao hơn và vững chắc hơn nếu có mô hình tăng trưởng kinh tế mới theo hướng khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn nội lực đi đôi với khai thác tốt ưu thế từ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Thách thức từ kết quả 5 năm

Mặc dù lạm phát trong 5 năm vừa qua giảm liên tục xuống mức thấp nhưng khoảng cách giữa mức độ lạm phát thực tế (CPI năm tính cuối kỳ) và mục tiêu lạm phát hằng năm còn lớn và giữa các năm cũng có khoảng cách không hề nhỏ. Nếu năm 2011, CPI thực tế hơn gấp đôi kế hoạch thì từ năm 2012 lại thấp hơn so với con số kế hoạch 2 đến 3%, thậm chí tới trên dưới 5% trong năm 2014-2015 đồng thời vừa tạo đỉnh hơn 18% năm 2011 vừa tạo đáy 0,6% năm 2015. Vì vậy, không thể phủ nhận kết quả kiềm chế hay kiểm soát lạm phát từ thắt chặt chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng tổng tín dụng thấp hơn hẳn so với giai đoạn 2006-2010 và tốc độ lạm phát bình quân cả giai đoạn 2011-2015 đã đạt mục tiêu kế hoạch là khoảng 7%/năm. Song mức độ biến thiên quá lớn của CPI hằng năm và mức độ chênh lệch giữa CPI thực tế với CPI kế hoạch cũng chứng tỏ khả năng kiềm chế và kiểm soát lạm phát còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bất định, bất ngờ, bên ngoài, không kiểm soát và dự báo được. Những hiện tượng CPI vượt ra khỏi những “quy luật” thông thường đã tạo lập hàng thập kỷ qua như tính mùa vụ, tác động lan truyền của biến động giá, nhiều tháng liên tiếp giảm phát, quan hệ giữa CPI với tổng cầu tiêu dùng, với hành vi tiêu dùng,… cần được nghiên cứu thấu đáo, để có thể dự báo và kiểm soát CPI, qua đó tăng khả năng chủ động trong quá trình ổn định vĩ mô và phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội vẫn được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2015. Theo đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện giai đoạn này chỉ đạt khoảng 32%GDP. Đây chưa phải hoàn toàn là kết quả tất yếu của quá trình tái cơ cấu đầu tư theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, trong đó có cơ cấu lại đầu tư công mà còn do sự hạn chế nguồn lực cho đầu tư, nhất là đầu tư công. Hiệu quả đầu tư, cả đầu tư công, đầu tư của khu vực tư nhân và FDI chỉ được nâng lên khi và chỉ khi trong mô hình tăng trưởng kinh tế mới, quy mô đầu tư (cả khai thác, phân bổ và sử dụng) đều phụ thuộc vào hiệu quả đầu tư chứ không phải vào mệnh lệnh hành chính hay vị thế độc quyền (cả độc quyền nhà nước lẫn độc quyền doanh nghiệp).

Suốt 5 năm qua, xuất khẩu vẫn giữ vững vai trò động lực duy trì ổn định và phục hồi tăng trưởng kinh tế, tổng kim ngạch xuất khẩu thực tế liên tục vượt chỉ tiêu kế hoạch hằng năm tăng 10% (trừ năm 2015 không đạt kế hoạch). Quy mô nhập siêu sau khi chỉ chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 thay vì chiếm 18% như kế hoạch thì từ năm 2012 Việt Nam lại chuyển sang trạng thái xuất siêu liên tục và đạt kỷ lục xuất siêu 2 tỷ USD năm 2014. Rõ ràng, một mặt thành quả xuất khẩu và xuất siêu không nằm trong dự tính của các nhà hoạch định chính sách ngay cả khi giảm thâm hụt thương mại được coi là yếu tố quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô; mặt khác, những thành quả trong thặng dư cán cân thương mại đến từ sự tự thân vận động của các nhà xuất khẩu, nhất là khu vực FDI, nhiều hơn từ chính sách hỗ trợ xuất khẩu và kiềm chế nhập khẩu. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI đạt 115,1 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm trước, chiếm tỷ trọng 70,9% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (nếu không kể dầu thô, khu vực FDI xuất khẩu được 111,3 tỷ USD, tăng 18,5%) trong khi khu vực trong nước chỉ xuất khẩu được 47,3 tỷ USD, giảm 3,5% so với năm 2014.

Có thể nói, giai đoạn 2011-2015 đánh dấu thời kỳ nỗ lực ổn định và phục hồi kinh tế vĩ mô với nhiều chính sách tích cực và phát huy hiệu quả rõ rệt. Nền kinh tế đã ổn định và phục hồi vững chắc, tạo tiền đề tốt cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Mức độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế cũng như triển vọng ổn định kinh tế vĩ mô phụ thuộc phần lớn vào thành tựu tiếp tục tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao hiệu quả phối hợp đồng bộ các chính sách kinh tế vĩ mô.

Năm 2014, chỉ tiêu tăng trưởng GDP không những hoàn thành mà còn vượt mức kế hoạch. Mức tăng trưởng GDP của năm 2014 cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và mức tăng 5,42% của năm 2013, cho thấy đà phục hồi rõ nét của nền kinh tế. Năm 2015, năm kết thúc giai đoạn 2011 - 2015, GDP tiếp tục tăng trưởng một cách ấn tượng với mức tăng 6,68%, cao hơn mục tiêu 6,2% đề ra và là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2015.