Nỗ lực giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước

Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19 và sự xáo trộn của tình hình kinh tế toàn cầu, nhưng thời gian qua, TP Hồ Chí Minh vẫn có những bước tăng trưởng ổn định, xứng đáng được xem là “đầu tàu” kinh tế của đất nước. Để giữ vững và phát huy hơn nữa vị thế đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố mang tên Bác đã và đang nỗ lực phấn đấu, triển khai thực hiện nhiều giải pháp đột phá, hiệu quả, giúp nền kinh tế thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật của TP Hồ Chí Minh được đầu tư ngày càng hiện đại.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật của TP Hồ Chí Minh được đầu tư ngày càng hiện đại.

Duy trì chất lượng tăng trưởng

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa 10 trình tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025, cho thấy: Trong nhiệm kỳ qua, kinh tế thành phố tăng trưởng khá, tiếp tục giữ vững vị trí “đầu tàu” kinh tế của cả nước. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 7,72%/năm, chiếm hơn 22,2% GDP cả nước, đóng góp 27% tổng thu ngân sách. Đồng thời, GRDP bình quân đầu người đạt mức cao, năm 2019 là 6.417 USD/người, gấp 2,37 lần cả nước; năm 2020 ước đạt 6.328 USD/người, gấp 2,34 lần cả nước. Các ngành dịch vụ ước tăng trưởng bình quân 6,59%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020; giá trị gia tăng lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ trọng bình quân 33% toàn ngành, đứng đầu cả nước… Chỉ số thương mại điện tử của thành phố liên tục tăng điểm, kinh tế có độ mở thương mại lớn, kim ngạch xuất, nhập khẩu chiếm 145% GRDP, quy mô xuất khẩu chiếm 15% cả nước. 

Bên cạnh đó, thành phố còn có nhiều ngành phát triển mạnh. Giai đoạn 2016 - 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành du lịch đạt hơn 17%/năm, trong đó đón 32,77 triệu lượt khách du lịch trong nước (tương đương một phần ba số khách trong nước), riêng trong năm 2019 đã đón hơn 8,6 triệu du khách quốc tế, chiếm gần 50% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam; giá trị gia tăng ngành y tế chiếm bình quân hơn 23%; ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm chiếm bình quân hơn 33% toàn ngành. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 7,7%/năm, ước giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,51%/năm; giá trị tăng thêm của lĩnh vực công nghiệp chiếm 17,93% GRDP, đứng đầu cả nước. Riêng bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng bình quân 9%/năm (2016 - 2020), cao hơn mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp, chiếm tỷ trọng 10,2% GRDP... 

Nền kinh tế thành phố ngày càng được nâng cao về chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh, chủ yếu nhờ chú trọng đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng nhiều thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến. Theo đánh giá của UBND thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ nội địa hóa của bốn ngành công nghiệp trọng yếu và hai ngành công nghiệp truyền thống đều tăng qua các năm, ước đạt 66% trong năm 2020. Đặc biệt, IIP của ngành điện tử - công nghệ thông tin có mức tăng 20,7% trong năm 2019 nhờ việc tiếp thu, áp dụng khoa học - công nghệ - kỹ thuật cao từ các dự án của các tập đoàn kinh tế thế giới trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, vi mạch… Thành phố đã ban hành danh mục, xây dựng chính sách phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, bước đầu đã hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ, DN tham gia ngày càng nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư được cải thiện khi hệ số hiệu quả sử dụng vốn (ICOR) đã giảm dần, ICOR bình quân giai đoạn 2016 - 2019 là 4,64 (giai đoạn 2011 - 2015 là 4,76). Tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP tăng dần mỗi năm, năm 2016 chiếm 35,3%, năm 2020 ước tăng lên 42%. Trong đó, khoa học và công nghệ đóng góp khoảng 74% vào tăng trưởng TFP. 

Năng suất lao động xã hội của thành phố cũng tăng đều qua các năm và đạt mức cao nhất cả nước. Năm 2019, năng suất lao động đạt 283,9 triệu đồng/người, bình quân giai đoạn 2016 - 2019 bằng 2,65 lần cả nước; năm 2020 ước đạt 333 triệu đồng/người (ước bằng 2,7 lần cả nước). Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 5,17%/năm (giai đoạn 2011 - 2015 là 4,42%/năm). Trong đó, năng suất lao động ngành dịch vụ tăng bình quân 5,8%/năm, đặc biệt, năng suất lao động bình quân ở Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP) giai đoạn 2015 - 2019 đạt khoảng 295 nghìn USD/lao động/năm, tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2010 - 2015 và luôn ở mức cao hơn gấp 20 lần so với năng suất lao động bình quân cả nước. 

Tiếp tục triển khai các giải pháp hiệu quả

Một trong những biện pháp quan trọng được thành phố tích cực triển khai là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đến nay đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, giúp gia tăng đáng kể năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. So với năm 2016, hiện nay thời gian giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư đã giảm từ 15 ngày xuống còn 10 ngày đối với đăng ký mới và từ 10 ngày xuống còn bảy ngày đối với đăng ký điều chỉnh. Thời gian giải quyết thủ tục thành lập DN, thông báo mẫu dấu và đăng ký cập nhật thông tin tài khoản ngân hàng từ chín ngày giảm còn ba ngày. Tỷ lệ DN đăng ký qua mạng in-tơ-nét đạt 70%… Nhờ đó, giai đoạn 2016 - 2020, tổng số DN được cấp phép thành lập mới ước đạt khoảng 209.100 DN với tổng vốn đăng ký khoảng hơn 2,8 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 58% về số lượng và 236% về vốn đăng ký so với giai đoạn 2011 - 2015. Dự kiến, đến cuối năm 2020 thành phố sẽ có khoảng 449.350 DN đăng ký trên hệ thống. Đáng lưu ý, số DN đăng ký thành lập mới thuộc bốn ngành công nghiệp trọng yếu tăng bình quân 17,3%/năm; hai ngành công nghiệp truyền thống (dệt - may, da - giày) tăng 15,2%/năm. Mặt khác, thành phố cũng tập trung phát triển SHTP và thành quả đóng góp của khu vực này ngày càng lớn. Cụ thể, tổng giá trị xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt khoảng 63,5 tỷ USD, tăng hơn 4,6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. SHTP là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông thành phố; là nơi cung cấp và nuôi dưỡng những ý tưởng khoa học và công nghệ, thu hút vốn, công nghệ, nhân lực công nghệ cao trong và ngoài nước, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ TP Hồ Chí Minh xác định bốn chương trình phát triển với hàng chục chương trình và đề án cụ thể. Trong đó, chương trình đột phá đổi mới quản lý có 14 đề án và chương trình thành phần. Được xem là có tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế của thành phố là chương trình trọng điểm phát triển DN, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực. Chương trình này gồm 13 chương trình thành phần và đề án cụ thể… Để triển khai tốt những chương trình này, theo PGS, TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, điều cần thiết là thành phố cần nhanh chóng cụ thể hóa và đẩy nhanh việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách phát triển, có chính sách và giải pháp cụ thể để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chọn lọc và ưu tiên các dự án FDI có khả năng hình thành chuỗi cung ứng trong nước, tăng cường minh bạch thông tin... 

Còn theo GS, TS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, trở thành trung tâm tài chính của khu vực là khát vọng cháy bỏng của nhiều thế hệ lãnh đạo, người dân, doanh nhân… của thành phố. Vì vậy, thành phố cần sớm hình thành trung tâm tài chính và xây dựng lộ trình định hướng trở thành trung tâm tài chính quốc tế vì các điều kiện, yếu tố đã đầy đủ. Hệ thống tài chính cần được phát triển đồng bộ như: hệ thống các thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu, cổ phiếu; phát triển công nghệ quản lý tài sản; phát triển các dịch vụ tài chính; tăng cường mạng lưới toàn cầu của công nghệ tài chính; hoàn thiện hệ thống giám sát và các quy định tài chính… 

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thành phố sẽ và phải chọn con đường phát triển nhanh hơn bằng phát huy trí tuệ con người, phát huy sức mạnh của công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo. Khi đó, với việc số hóa, áp dụng các giải pháp thông minh, năng suất lao động sẽ tăng lên nhiều hơn và tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn. Từ đó, nền kinh tế thành phố sẽ có năng lực cạnh tranh cao hơn, DN được thuận lợi hơn, người dân hạnh phúc hơn, giám sát chính quyền tốt hơn và chính quyền quản lý hiệu quả hơn.

Mục tiêu đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh sẽ là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ - công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò “đầu tàu” kinh tế và là động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.500 đến 9.000 USD/năm; định hướng đến năm 2030 thành phố sẽ là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông - Nam Á…