Những dự án hàng nghìn tỷ đồng “đắp chiếu” ở Bạc Liêu

Hiện, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu còn 16 dự án lớn, trong đó có một số dự án tại “khu đất vàng”, nhưng các nhà đầu tư ôm đất “đắp chiếu” nhiều năm nay đã gây lãng phí, làm nhếch nhác bộ mặt đô thị và bức xúc dư luận.

Khu nhà Công tử Bạc Liêu được chủ đầu tư khởi công rồi bỏ đó ba năm nay, hiện xuống cấp trầm trọng.
Khu nhà Công tử Bạc Liêu được chủ đầu tư khởi công rồi bỏ đó ba năm nay, hiện xuống cấp trầm trọng.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, 16 dự án lớn đang “đắp chiếu” trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu là do xây dựng ỳ ạch kéo dài nhiều năm, hoặc chủ đầu tư nhận đất rồi “đắp chiếu” để đó. Riêng trên địa bàn thành phố Bạc Liêu hiện có bốn dự án lớn, mỗi dự án có mức vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng trở lên. Hầu hết các dự án này đã được chính quyền tỉnh cấp Giấy phép đầu tư từ nhiều năm nay. Trong đó có dự án được nhà đầu tư làm lễ khởi công rồi bỏ hoang phí gần 10 năm qua gây bức xúc dư luận.

Một vài trường hợp cụ thể, như: dự án Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Công tử Bạc Liêu tọa lạc tại phường 3, thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) gần như bỏ không nhiều năm nay. Được biết, ngày 22/11/2019, tỉnh Bạc Liêu phối hợp Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Công tử Bạc Liêu (nhà đầu tư) tổ chức lễ khởi công dự án này trên khu vực được cho là “đất vàng, đắc địa” nhất thành phố.

Dự án có khuôn viên rộng hơn 18.000m2, chia làm hai khu, khu A (khu vực cụm nhà Công tử Bạc Liêu hiện hữu) và khu B (khu vực đất giải tỏa mới của nhiều hộ dân nằm cạnh khu A), tổng số vốn ban đầu được nhà đầu tư công bố hơn 1.000 tỷ đồng, gồm nhiều hạng mục: khu bảo tàng, nhà trưng bày hiện vật, khách sạn, quảng trường, khu hội nghị. Điều đáng buồn là sau lễ khởi công gần ba năm nhưng “dự án nghìn tỷ” này vẫn “đắp chiếu”, cơ sở vật chất cũ ngày càng hoang tàn, nhếch nhác.

Chúng tôi đã nhiều lần đến tận nơi tìm hiểu, quan sát, chứng kiến nhiều hạng mục trong cụm nhà Công tử Bạc Liêu (khu A) ngày một xuống cấp. Tiếp xúc với nhiều du khách trong và ngoài nước có dịp đến thăm khu nhà Công tử Bạc Liêu (tại số 13, đường Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu), nhiều người tỏ thái độ rất thất vọng và xót xa, đáng tiếc cho khu nhà Công tử Bạc Liêu nổi tiếng, có thương hiệu, nhưng nay rất tiêu điều.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, một số cán bộ thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu và Ủy ban nhân dân thành phố Bạc Liêu bức xúc cho biết: Mặc dù tại khu A của dự án Khu văn hóa-du lịch Công tử Bạc Liêu không vướng mắc gì về mặt bằng, vì mấy năm trước, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo rất quyết liệt, nên chính quyền thành phố Bạc Liêu và các đơn vị chức năng của tỉnh đã rất nỗ lực trong việc giải phóng mặt bằng, nhưng khi đã giao “đất sạch” cho nhà đầu tư gần ba năm nay mà họ vẫn bỏ hoang tàn, lãng phí và nhếch nhác.

Cũng tại thành phố Bạc Liêu có dự án Trung tâm thương mại-dịch vụ-giải trí Nguyễn Kim Bạc Liêu, do Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Nguyễn Kim làm chủ đầu tư. Dự án được nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất từ năm 2016, tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư.

Tại Bạc Liêu, hiện nay có dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn 3 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp chứng nhận đăng ký đầu tư từ tháng 4/2018, do Công ty cổ phần Super Wind Energy Công Lý Bạc Liêu làm chủ đầu tư, có tổng công suất 141 MW, được xây dựng tại bốn xã, phường của thành phố Bạc Liêu và hai xã, thị trấn của huyện Vĩnh Lợi, với tổng mức đầu tư hơn 6.688 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án triển khai chuẩn bị đầu tư từ năm 2018 và đưa vào vận hành năm 2020-2021, nhưng đến nay vẫn đang gặp một số khó khăn về thủ tục.

Đáng chú ý, tại vùng ven biển thuộc xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu) có một dự án vốn đầu tư nước ngoài được cho là lớn nhất tỉnh Bạc Liêu và khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, đó là dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu (LNG Bạc Liêu), do Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd và các đối tác Hoa Kỳ làm chủ đầu tư, đã được tỉnh Bạc Liêu chấp thuận và cấp Giấy phép đầu tư từ tháng 1/2020.

Dự án có quy mô sử dụng ngoài khơi vùng biển Bạc Liêu khoảng 183ha và gần 70ha đất tại huyện Hòa Bình; có công suất 3.200MW, với tổng vốn khoảng 93.600 tỷ đồng (tương đương 4 tỷ USD). Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu, dự án được thực hiện từ tháng 1/2021 (đã có điều chỉnh) đến tháng 12/2027. Trong đó, xây lắp và đưa vào vận hành giai đoạn một đến tháng 12/2023 và các giai đoạn còn lại từ tháng 1/2024 đến tháng 12/2027. Tuy nhiên, chủ đầu tư “dự án khủng” này cho rằng hiện còn gặp nhiều khó khăn do khách quan và chủ quan cho nên dự án vẫn “nằm trên giấy”, chưa thể triển khai được…

Tại vùng ven biển huyện Đông Hải (Bạc Liêu), dự án Nhà máy điện gió Nhật Bản Bạc Liêu giai đoạn 1 (còn gọi là điện gió Đông Hải 2) mặc dù đã được chính quyền tỉnh Bạc Liêu cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 3/2019, do Công ty trách nhiệm hữu hạn Kỹ thuật ứng dụng Việt Nam và Công ty cổ phần U&I Advisory Service làm chủ đầu tư, có quy mô sử dụng đất hơn 834ha, công suất 50 MW, với số vốn 2.497 tỷ đồng. Theo kế hoạch, tháng 4/2022, dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, tuy nhiên, đến nay dự án này mới đang trong quá trình hoàn thiện một số hồ sơ, thủ tục, giải phóng mặt bằng.

Tại vùng ven biển thuộc xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) có dự án Khu phức hợp năng lượng mặt trời kết hợp nuôi tôm công nghệ cao, được tỉnh Bạc Liêu chấp thuận đầu tư từ tháng 1/2020, do Công ty cổ phần quan hệ quốc tế-đầu tư sản xuất làm chủ đầu tư, với diện tích hơn 172ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.326 tỷ đồng. Cũng tại huyện Hòa Bình, có dự án Nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao do Công ty cổ phần Vinashrimp làm chủ đầu tư, đã được tỉnh Bạc Liêu chấp nhận đầu tư từ tháng 5/2019, có diện tích gần 450ha, tổng số vốn hơn 499 tỷ đồng.

Đến tháng 7/2021, tỉnh Bạc Liêu đã phải gia hạn thêm tiến độ thực hiện dự án. Tại huyện Đông Hải có dự án Khu nuôi tôm công nghệ cao, do Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại tổng hợp Song Phú làm chủ đầu tư, được tỉnh Bạc Liêu chấp nhận đầu tư từ tháng 7/2020, quy mô khoảng 86ha, số vốn hơn 216 tỷ đồng. Ngoài ra, vùng biển các huyện Hòa Bình và Đông Hải hiện có khá nhiều dự án nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, với số vốn đầu tư nghìn tỷ đồng nhưng chưa được triển khai thực hiện…

Một số cán bộ lãnh đạo thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Bạc Liêu và các huyện Hòa Bình, Đông Hải (Bạc Liêu) cho biết, hầu hết các nhà đầu tư “đổ lỗi” cho nguyên nhân vướng mặt bằng, thiếu vốn, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân đáng quan tâm là do không ít nhà đầu tư có tư tưởng tranh thủ “ôm đất, giành đất” đẹp trước cho chắc ăn. Nếu không triển khai thực hiện được thì họ tìm mọi cách “chuyển nhượng” cho các đơn vị khác thu lãi rất nhiều mà họ đầu tư chả mất bao nhiêu vốn…

Trước thực trạng đáng báo động nêu trên, Thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã nhiều lần khẳng định rõ quan điểm, chủ trương của tỉnh là luôn tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, luôn cầu thị, sẵn sàng lắng nghe và tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, giúp các nhà đầu tư hợp tác làm ăn tại Bạc Liêu. Tuy nhiên, đối với những dự án chủ đầu tư chỉ lo “ôm” đất, tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi, không thể để tình trạng này kéo dài mãi.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, Thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban nhân tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành liên quan mạnh dạn tham mưu, nếu nhà đầu tư nào không triển khai dự án thì đề xuất thu hồi ngay. Nếu nhà đầu tư thật sự còn vướng về mặt bằng thì chính quyền tỉnh phải tìm mọi cách tháo gỡ giao “đất sạch” cho các nhà đầu tư triển khai dự án. Có kiên quyết như vậy mới có thể khắc phục tình trạng nhiều dự án treo kéo dài 5 đến 10 năm qua, gây lãng phí lớn và bức xúc trong cán bộ, nhân dân, ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương ■

Bài và ảnh: TRỌNG DUY