Nhật Bản công bố sáng kiến đầu tư vào ASEAN, tập trung 4 lĩnh vực

NDO -

Phát biểu trong một cuộc hội thảo được tổ chức ngày 10/1 ở thủ đô Jakarta (Indonesia), Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hagiuda Koichi đã công bố sáng kiến đầu tư vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó tập trung vào 4 lĩnh vực gồm chuỗi cung ứng, kết nối, đổi mới kỹ thuật số và nguồn nhân lực.

Bốc dỡ container hàng hóa tại cảng ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bốc dỡ container hàng hóa tại cảng ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Về sáng kiến đầu tư vào chuỗi cung ứng, Bộ trưởng Koichi nhấn mạnh rằng nâng cao năng lực của ASEAN với tư cách là một trung tâm quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng sức hấp dẫn của khu vực này cũng vô cùng quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản. Một ASEAN ổn định và dễ dự đoán, coi trọng thương mại tự do và chủ nghĩa đa phương sẽ mang lại giá trị cao trong thời kỳ bất ổn hiện nay.

Theo Bộ trưởng Koichi, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chính phủ Nhật Bản đã hết sức ủng hộ nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các công ty Nhật Bản nhằm tránh nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng.

Khu vực tư nhân đang thể hiện rõ chính sách ưu tiên của họ dành cho ASEAN. Nhật Bản đã chi khoảng 300 triệu USD để hỗ trợ đầu tư cho 92 công ty tư nhân nhằm đa dạng chuỗi cung ứng của các công ty này tại ASEAN và có kế hoạch tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ vừa đề cập trong năm nay.

Bên cạnh đó, đầu tư vào quản lý chuỗi cung ứng kỹ thuật số sẽ được thúc đẩy. Nhật Bản sẽ chọn ra 100 dự án tốt nhất với các nước ASEAN và châu Á. Bước đầu tiên, Tokyo sẽ hỗ trợ khoảng 9 triệu USD.

Ngoài ra, Công ty bảo hiểm xuất khẩu và đầu tư Nhật Bản (NEXI) và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) cũng sẽ hỗ trợ tăng cường chuỗi cung ứng kỹ thuật số.

Nhật Bản cũng sẽ đầu tư xây dựng chuỗi cung ứng để tạo ra các sản phẩm mới, phù hợp với thời đại đang thay đổi. Hiện nay, các nhà sản xuất ô-tô Nhật Bản đang tìm kiếm thị trường sản xuất xe điện (EV). Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ phát triển thị trường cho các phương tiện thế hệ tiếp theo như EV, xe chạy bằng hydro và nhiên liệu sinh học. Chính phủ Nhật Bản sẽ cùng lĩnh vực tư nhân phát triển chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp ô-tô ASEAN.

Về sáng kiến đầu tư vào lĩnh vực kết nối, Bộ trưởng Koichi nhấn mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng cứng sẽ tiếp tục, song song với đầu tư vào kết nối mềm. ASEAN và Nhật Bản đã và đang cùng thúc đẩy tiến trình xây dựng luật thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) và hiệp định đối tác kinh tế (EPA) song phương và khu vực.

Theo ông, Nhật Bản sẽ tiếp tục nỗ lực hướng tới mục tiêu thiết lập trật tự kinh tế tự do và công bằng nhằm đảm bảo Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ vận hành tốt trong vai trò của một nền tảng khu vực, đóng góp tích cực vào quá trình triển khai thực hiện Hiệp định sau khi có hiệu lực vào ngày 1/1 vừa qua.

Nhật Bản cũng sẽ đóng góp vào xu hướng số hóa các thủ tục thương mại. Tài liệu thương mại sẽ được số hóa và các nền tảng thương mại kỹ số sẽ được thiết lập, tạo điều kiện cho các bên liên quan chia sẻ thông tin một cách an toàn thông qua biện pháp sử dụng các công nghệ chuỗi khối (blockchain). Các công ty tư nhân của Nhật Bản và ASEAN đang nỗ lực để đạt được những mục tiêu này với sự hỗ trợ từ các chính phủ.

Về sáng kiến đầu tư vào ngành công nghiệp mới và đổi mới kỹ thuật số gắn với xây dựng xã hội bền vững, trong 2 năm qua, Chính phủ Nhật Bản đã cung cấp khoảng 8 triệu USD cho 40 dự án mới nhằm hỗ trợ các liên minh của các công ty Nhật Bản và ASEAN đưa ra nhiều giải pháp cho các vấn đề xã hội tại địa phương. Tokyo sẽ tiếp tục cung cấp khoảng 9 triệu USD để thúc đẩy quan hệ đối tác trong lĩnh vực này giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và ASEAN.

Về sáng kiến đầu tư vào nguồn nhân lực của tương lai, Bộ trưởng Koichi cho hay trong 5 năm tới, Nhật Bản sẽ tăng cường hỗ trợ nhằm tạo cơ hội cho 50 nghìn chuyên gia châu Á có tay nghề cao tìm kiếm việc làm trong các công ty Nhật Bản tại châu Á, cũng như tại Nhật Bản.