Ngành may mặc xuất khẩu Thái Nguyên phát triển trong đại dịch

NDO -

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng ngành may mặc xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không những vượt qua dịch bệnh, mà còn coi đó là thời cơ phát triển. 

Công ty May Thành Hưng đầu tư thêm thiết bị cắt tự động giúp tăng năng suất.
Công ty May Thành Hưng đầu tư thêm thiết bị cắt tự động giúp tăng năng suất.

Tỉnh Thái Nguyên có hơn 10 doanh nghiệp may mặc xuất khẩu với hơn 30 nghìn công nhân, chủ yếu là người địa phương. Dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020, ban đầu các doanh nghiệp này gặp khó khăn do đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, xuất khẩu bế tắc. Nhưng sau đó, các doanh nghiệp đã nhanh chóng nắm bắt nhu cầu của thị trường để sản xuất các mặt hàng phòng, chống dịch, nối lại chuỗi sản xuất, phục hồi thị trường xuất khẩu, bứt phá và hiện nay đang phát triển mạnh.

Vượt qua đại dịch

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty TNG, trong tốp 10 doanh nghiệp may mặc xuất khẩu lớn nhất cả nước và lớn nhất tỉnh Thái Nguyên, nhớ lại: “Đại dịch Covid-19 xuất hiện, bùng phát, ban đầu làm chúng tôi “giật mình” vì đứt gãy nguồn cung nguyên, phụ liệu, không thể xuất khẩu được sang thị trường châu Âu và Mỹ, hơn 15 nghìn công nhân đối mặt nguy cơ không có việc làm, đời sống  rất khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội”.

Sau đó, lãnh đạo công ty vừa tập trung phòng, chống dịch, vừa nghiên cứu nhu cầu thị trường, đăng ký chất lượng, nhãn hiệu và khẩn trương chuyển hầu hết các nhà máy sang sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ phòng, chống dịch Covid-19 phục vụ nhu cầu trong nước, xuất khẩu. 

Với sự nhanh nhạy chuyển hướng sản xuất này, năm 2020 doanh thu của Công ty TNG đạt 4.200 tỷ đồng, mặc dù không đạt so với kế hoạch đề ra từ cuối năm 2019 trong điều kiện bình thường, nhưng trong tình hình đại dịch thì đó là nỗ lực rất lớn. Đặc biệt, dự kiến năm 2021 doanh thu của TNG đạt khoảng 6.000 tỷ đồng, tăng gần hai nghìn tỷ đồng so với năm 2020, thu nhập bình quân của công nhân đạt hơn 8 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 10% so với năm 2021. 

Ngoài TNG, từ đầu năm đến nay, Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT đạt doanh thu gần 340 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2020, việc làm của 2.600  lao động được bảo đảm, thu nhập đạt hơn 7 triệu đồng/người/tháng. Hầu hết các doanh nghiệp may mặc xuất khẩu trên địa bàn đều có tăng trưởng cao so với cùng kỳ.

Ly nông, không ly hương

Tỉnh Thái Nguyên có 11 công ty may xuất khẩu, công ty ít nhất có hai nhà máy, nhiều nhất như Công ty TNG có gần 10 nhà máy, tất cả đều được xây dựng ở các huyện nhằm thu hút lao động nông thôn, giúp người lao động ly nông, nhưng không ly hương.

Các doanh nghiệp may mặc, số lượng công nhân lớn, làm việc tập trung trong môi trường công nghiệp, chỉ một người mắc Covid-19 thì cả nhà máy với hàng nghìn công nhân phải đóng cửa, nên gần hai năm qua các đơn vị này rất chú trọng phòng, chống dịch.

Bên cạnh việc chấp nhận tăng chi phí để xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 định kỳ, đột xuất cho công nhân, Công ty TNG mua sắm trang, thiết bị, tổ chức diễn tập phòng, chống dịch ở các nhà máy. Gần đây, bộ phận thường trực ngoài cổng của Công ty TNG phát hiện một lái xe containner có biểu hiện nghi ngờ, yêu cầu test nhanh và phát hiện dương tính với SARS-Cov-2 nên yêu cầu cách ly ngay, nếu để lái xe vào nhập hàng thì cả nhà máy xe sẽ bị phong toả, ngừng sản xuất. Công ty TNG “bắt” được Covid-19 trở thành câu chuyện về tinh thần cảnh giác chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.  

Đại dịch Covid-19 là thời cơ để nhiều doanh nghiệp may mặc xuất khẩu ở Thái Nguyên đổi mới quản trị, đầu tư trang, thiết bị, mở rộng nhà máy để tăng năng lực sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm. Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT, May Thành Hưng đầu tư máy nhồi bông, thổi lông vũ, máy cắt tự động và một số máy chuyên dụng trong sản xuất áo khoác Jacket. 

Ngành may mặc xuất khẩu Thái Nguyên phát triển trong đại dịch -0
 Với việc ứng dụng chuyển đổi số, lãnh đạo Công ty TNG nắm bắt năng suất lao động hằng giờ của từng dây chuyền sản xuất.

Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, Công ty TNG đầu tư hơn 600 tỷ đồng xây dựng mới, mở rộng quy mô 4 nhà máy may, trong đó có những nhà máy sản xuất sản phẩm mới, như sản xuất bông, găng tay, lều cắm trại xuất khẩu lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam với công nghệ hiện đại, dây chuyền tự động và bán tự động ở mức cao nhất của nhành công nghiệp may mặc và từ năm 2022 tạo việc làm mới cho 4 nghìn lao động ở các huyện trên địa bàn tỉnh. 

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty TNG, chia sẻ: “Sở dĩ TNG không những đứng vững mà còn phát triển mạnh trong đại dịch Covid-19 là do tỉnh Thái Nguyên phòng, chống dịch tốt; uy tín, chất lượng sản phẩm thương hiệu TNG được giữ vững nên đáp ứng các tiêu chuẩn của khách hàng; ứng dụng công nghệ số trong quản trị, điều hành sản xuất; chủ động nắm bắt thời cơ, lường trước nguy cơ để có giải pháp phù hợp từ sớm, từ xa”.