Nâng cao chất lượng nông sản chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu tại Đồng Tháp và An Giang

NDO -

Để phát huy thế mạnh nông sản chủ lực, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiệu quả, ngày 5/11, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Đồng Tháp, An Giang đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác về “Phát triển mã số vùng trồng và các mô hình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả đối với các loại cây trồng chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu tại hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang”. 

Thông qua thoả thuận được ký kết, các bên sẽ cùng đẩy mạnh phát triển mã số vùng trồng, nhân rộng các mô hình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả đối với các loại cây trồng chủ lực.
Thông qua thoả thuận được ký kết, các bên sẽ cùng đẩy mạnh phát triển mã số vùng trồng, nhân rộng các mô hình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả đối với các loại cây trồng chủ lực.

An Giang và Đồng Tháp là những vùng đất trù phú của đồng bằng sông Cửu Long và có nhiều lợi thế, tiềm năng xuất khẩu nông sản.

Xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn

Tỉnh Đồng Tháp là địa phương nổi tiếng với nhiều nông sản đặc trưng như gạo, xoài, quýt đường, mận... Còn An Giang là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về lượng rau màu; ngoài ra, sản phẩm gạo của An Giang được xuất khẩu đến 38 nước trên thế giới.

Cục trưởng Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho biết, hiện nay, theo yêu cầu của nhiều thị trường xuất khẩu, các loại nông sản phải được quản lý theo chuỗi từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói nhằm bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc và chất lượng của sản phẩm. Hiểu được tầm quan trọng của vấn đề này, đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã thiết lập, cấp khoảng 4.000 mã số vùng trồng cho các loại trái cây, rau, hạt giống xuất khẩu ở 48 tỉnh, thành.

Trong đó, tỉnh An Giang đã được cấp 147 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu nông sản đi các thị trường như: Mỹ, New Zealand, Hàn Quốc, Trung Quốc… Còn tại Đồng Tháp, địa phương này hiện đã được cấp 225 mã số vùng trồng. Cục Bảo vệ thực vật còn cấp gần 2.000 mã số cơ sở đóng gói cho 37 tỉnh, thành phố.

Để nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc thực hiện xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho cán bộ, người dân cũng như doanh nghiệp, chỉ tính riêng trong năm 2020, Cục Bảo vệ thực vật đã chủ trì và phối hợp các địa phương tổ chức 23 lớp tập huấn với sự hơn 1.000 lượt học viên. Các khóa tập huấn này góp phần nâng cao nhận thức, trình độ của người nông dân và người sản xuất, hướng tới sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp và bền vững.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả khả quan nhưng trong thời gian qua, ở hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp vẫn còn hiện tượng sử dụng phân bón không cân đối, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên một đơn vị diện tích canh tác tại một số địa phương vẫn còn cao, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số…

Trước thực trạng nêu trên, thỏa thuận hợp tác về “Phát triển mã số vùng trồng và các mô hình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả đối với các loại cây trồng chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu tại hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang” sẽ là tiền đề phát huy thế mạnh nông sản chủ lực của các địa phương.

Cụ thể, các bên sẽ cùng thực hiện hợp tác phát triển mã số vùng trồng và các mô hình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả đối với các loại cây trồng chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu nhằm góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh nhà theo hướng hàng hóa, hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phối hợp xây dựng bộ tài liệu tập huấn về thiết lập mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đối với các cây trồng chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu như lúa, cây ăn quả và rau màu của An Giang và Đồng Tháp, trong đó bao gồm cả hướng dẫn quản lý sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại vùng trồng.

Đồng thời, liên kết đào tạo kiến thức cho cán bộ kỹ thuật, doanh nghiệp và nông dân về công tác quản lý và sử dụng hợp lý, có trách nhiệm vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp (giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón,…); thu gom bao bì; mã số vùng trồng, đóng gói. Thiết lập và gắn mã số các vùng trồng và cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu. Phối hợp chặt chẽ trong quản lý các vùng trồng, cơ sở đóng gói và thúc đẩy mở cửa thị trường các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu tại địa phương.

Qua đó, đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chất lượng, giá trị cao của hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Xây dựng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Triển khai và phát triển các mô hình điểm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, có trách nhiệm và hiệu quả với mục tiêu giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị và chất lượng nông sản theo nhu cầu phát triển của địa phương, hướng đến nền sản xuất bền vững.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, An Giang và Đồng Tháp là hai địa phương có nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như trái cây, lúa gạo và cá tra. Việc hình thành được vùng nguyên liệu đạt chuẩn có vai trò quan trọng, vừa bảo đảm xuất khẩu, tiêu thụ trong nước và từ mô hình này có thể lan tỏa ra nhiều địa phương khác.

Lồng ghép vào các chương trình xây dựng nông thôn mới, OCOP   

Trong giai đoạn 2021 đến 2025, tỉnh An Giang phấn đấu gắn được 30 cơ sở đóng gói, 699 mã số vùng trồng lúa, 530 mã số vùng trồng rau và 617 mã số vùng trồng cây ăn quả, với tổng diện tích là 187.421 ha; xây dựng được 37 mô hình trồng lúa, 14 mô hình rau màu và 8 mô hình cây ăn quả sử dụng hợp lý vật tư đầu vào, tăng hiệu quả, giảm chi phí và kết hợp với truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Tương tự, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu gắn được 25 mã cơ sở đóng gói, 131 mã số vùng trồng lúa, 56 mã số vùng trồng rau màu, 324 mã số vùng trồng cây ăn quả, với tổng diện tích 62.484ha; 25 mô hình lúa, 23 mô hình rau màu và 58 mô hình cây ăn quả. Các mô hình này đều được đăng ký gắn mã số vùng trồng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho biết, để thực hiện được mục tiêu, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đề xuất đưa các nội dung này vào Nghị quyết cụ thể của từng huyện, đưa ra phương hướng, nhiệm vụ cụ thể và phấn đấu diện tích thực hiện theo từng năm. Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ phân công trách nhiệm rõ ràng theo từng nhóm, từ đó có sự đánh giá sát sao, hiệu quả.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, tại hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn để thực hiện liên kết. Trong đó, diện tích thực hiện tại tỉnh An Giang khoảng 5.000 ha, tỉnh Đồng Tháp  gần 16.000 ha. Ngoài ra, bộ còn xây dựng các vùng trồng trái cây, lúa ở các địa phương khác trong vùng. Để tạo ra được vùng nguyên liệu đạt chuẩn có quy mô lớn theo thoả thuận các bên đã ký kết, Thứ trưởng đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cần phải ưu tiên cấp mã số vùng trồng, tập trung huy động nguồn lực cho các vùng nguyên liệu trọng điểm. Đồng thời, các mô hình phải gắn với các chương trình khuyến nông, kết hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai hiệu quả, từng bước nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương khác. Cùng với đó, kêu gọi sự vào cuộc của các doanh nghiệp để tăng nguồn lực thực hiện. Hiện nay, ngành nông nghiệp đang có chủ trương xây dựng khu hậu cần logistics nông sản liên tỉnh cho các địa phương: Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long… Việc phát triển chuỗi dịch vụ logistics trong phân phối, chế biến đến tiêu thụ nông sản sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Cục trưởng Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho biết, để đạt hiệu quả cao nhất mục tiêu đã đề ra Cục Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp ngành nông nghiệp hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp triển khai, thực hiện ngay các nội dung trong thỏa thuận sau lẽ ký kết, trước mắt sẽ triển khai 2 lớp tập huấn mã số vùng trồng trên cây ăn quả tại hai điạ phương này. Về lâu dài, để chương trình phát triển bền vững và có sức lan toả cần phải có sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Do vậy, Cục Bảo vệ thực vật kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đưa vấn đề xây dựng mã số vùng trồng vào bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Khi có tiêu chí rõ ràng các địa phương sẽ thực hiện trách nhiệm hơn. Hay đối với các sản phẩm nông sản đã được công nhận đạt chuẩn OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), cần được xem xét để được cấp mã số vùng trồng cho các sản phẩm này. Điều này, sẽ tạo được sự phát triển đồng bộ, tập trung nguồn lực cũng như nâng cao trách nhiệm xây dựng mã số vùng trồng ở các địa phương.