Long An mở cửa thương mại - dịch vụ trong tình hình mới

NDO -

Để vực dậy hoạt động thương mại - dịch vụ trong tình hình mới, vực lại doanh thu bán lẻ hàng hóa, tăng thu ngân sách nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh và sinh kế cho người dân trong những tháng cuối năm, UBND tỉnh Long An đã cho phép cơ sở kinh doanh, thương mại - dịch vụ tại các chợ truyền thống hoạt động trở lại, trừ dịch vụ ăn, uống tại chỗ.

Kiểm tra hoạt động kinh doanh tại chợ truyền thống thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, Long An.
Kiểm tra hoạt động kinh doanh tại chợ truyền thống thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, Long An.

Chủ tịch UBND xã Tân Ninh (huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) Đoàn Văn Liệt cho biết, sau 1 tuần chợ Tân Ninh mở cửa hoạt động đã có khoảng 70% tiểu thương kinh doanh, sức mua chưa nhiều, bà con hạn chế đi chợ và rất ý thức phòng, chống dịch. Công tác phòng, chống dịch tại chợ được kiểm soát nghiêm ngặt. Xã đã lập chốt kiểm soát người dân ra vào chợ, giăng dây, phân luồng bảo đảm khoảng cách giữa người bán và người mua, thực hiện đúng 5K, phát phiếu đi chợ cho từng hộ dân, 2 ngày trong tuần. Phiếu đi chợ được lực lượng chốt kiểm soát thu giữ, ghi lại thời gian để tiện truy vết khi có F0 xảy ra.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tân Thạnh (huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) Nguyễn Minh Luân cho biết, chợ thị trấn Tân Thạnh có khoảng 350 hộ kinh doanh, qua 1 tuần mở cửa trở lại mới có khoảng 20% tiểu thương kinh doanh. Nhiều tiểu thương còn e dè dịch bệnh nên chưa dám mở lại hoạt động buôn bán.

Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh Lê Thanh Đông cho biết, trên địa bàn huyện đã có 6/7 chợ truyền thống hoạt động trở lại từ ngày 4/10. Để các chợ hoạt động bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương kiểm soát chặt người dân ra vào chợ, phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Kiểm soát chặt quá trình giao nhận hàng hóa giữa tiểu thương và tài xế từ các tỉnh, thành phố đến khu vực chợ. Kiểm tra sức khỏe hằng tuần cho tiểu thương, tổ chức khử khuẩn theo định kỳ, bảy ngày một lần toàn bộ khu vực chợ.

Chợ trung tâm thị trấn Thạnh Hóa (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) có hơn 500 hộ kinh doanh bên trong nhà lòng chợ và bên ngoài khu vực chợ. Sau 1 tuần mở cửa đã có hơn 200 tiểu thương, hộ kinh doanh buôn bán trở lại, sức mua yếu, hàng hóa chưa đa dạng, nhưng cơ bản đáp ứng được nhu cầu người dân. Ban Quản lý chợ tổ chức kiểm soát chặt người dân ra vào chợ, 100% hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch - Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Thạnh Hóa Nguyễn Thị Thu Hồng chia sẻ.

Long An mở cửa thương mại - dịch vụ trong tình hình mới -0

Đoàn kiểm tra liên ngành Sở Công thương tỉnh Long An thăm hỏi tiểu thương bán hàng nông sản tại chợ truyền thống Tân Ninh, xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. 

Toàn tỉnh Long An hiện có 30 trong tổng số 125 chợ truyền thống hoạt động trở lại. Qua kiểm tra, các chợ đều bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Các địa phương tổ chức kiểm tra sức khỏe của các tiểu thương trước khi đi vào hoạt động; lập chốt kiểm soát người dân và phương tiện giao nhận hàng hóa ra vào chợ; phát phiếu đi chợ cho bà con; giăng dây, phân luồng giữa người mua và người bán; ngày chủ nhật lực lượng chức năng khử trùng toàn khu vực chợ.

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, để khôi phục kinh tế - xã hội sau thời gian tạm dừng các hoạt động thương mại - dịch vụ, chợ truyền thống phục vụ phòng, chống dịch, UBND tỉnh đã cho các địa phương chủ động mở lại thương mại - dịch vụ tại các chợ truyền thống với tất cả các ngành hàng. Đối với các hoạt động kinh doanh, dịch vụ phục vụ người tiêu dùng tại chỗ đang tính toán phương án cho mở lại.

Theo đó, người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine hoặc người mắc F0 đã điều trị khỏi bệnh. Cơ sở kinh doanh hơn 10 lao động phải thành lập tổ an toàn Covid, bố trí khu vực cách ly tạm thời cho người lao động biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở khi đang làm việc. Các cơ sở kinh doanh phải ký cam kết thực hiện tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch an toàn.

UBND tỉnh Long An cho biết, qua 4 tháng dừng các hoạt động thương mại - dịch vụ để phòng, chống dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu thương mại - dịch vụ trong tháng 8 giảm 15,1% so với tháng trước và giảm 40,38% so với cùng kỳ.

Để vực lại kinh tế - xã hội, tăng nguồn thu ngân sách trong những tháng còn lại, Long An đã cho phép dịch vụ bán lẻ hàng hóa, chợ truyền thống hoạt động trở lại. Phương án phòng, chống dịch trong giai đoạn mới được chuyển sang doanh nghiệp và người dân chủ động phòng, chống dịch để từng bước đạt kết quả khả quan trong lộ trình khôi phục kinh tế.

Để vực lại nhanh doanh thu bán lẻ hàng hóa, thương mại - dịch vụ, tăng thu ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh và sinh kế cho người dân trong trạng thái mới, việc mở lại tất cả các hoạt động thương mại - dịch vụ phục vụ người tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi là rất quan trọng trong lộ trình khôi phục kinh tế - xã hội của Long An.