Chuyện thị trường

Lỗi... do cơ chế

Thời gian qua, hàng loạt vụ sử dụng dung môi, tạp chất trong pha chế xăng dầu bị phát hiện và xử lý. Vì lợi nhuận, nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu đã sử dụng tạp chất rẻ tiền, pha chế hàng trăm nghìn lít xăng kém chất lượng đưa ra thị trường tiêu thụ. Nghiêm trọng hơn, vi phạm không dừng ở một vài địa phương mà có dấu hiệu lan rộng ở nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), rất nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Giang, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh,… cố tình kinh doanh xăng kém chất lượng. Thủ đoạn pha chế từ 25% đến 30% chất dung môi vào xăng quy chuẩn, nhằm tạo ra lượng xăng mới nhiều hơn nhưng có chỉ số Ron (Ốc-tan) thấp, chất dung môi không được dùng cho động cơ đốt trong hoặc pha chế xăng,… gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm một thời gian dài nhưng mãi về sau mới được phát hiện. Thậm chí, các lực lượng chức năng còn đùn đẩy trách nhiệm kiểm tra, xử lý về chất lượng xăng dầu và quản lý thị trường. Câu chuyện gian lận thương mại, pha chế xăng dầu kém chất lượng chưa lắng xuống, thì mới đây, người tiêu dùng lại một phen bức xúc khi bị "móc túi" hàng nghìn tỷ đồng, do lỗi điều hành cơ chế chính sách trong áp thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở xăng dầu. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là sai lầm, sự chủ quan của người làm chính sách khi vận dụng và điều hành giá xăng dầu. Sự chủ quan trong điều hành, áp thuế thiếu chuẩn xác đã gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng và cả cho doanh nghiệp.

Không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, hàng loạt lĩnh vực khác như lương thực thực phẩm, may mặc, da giày, mũ bảo hiểm,… đang phải đối mặt vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Tình trạng này diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Thế nhưng, vai trò giám sát, nắm bắt, quản lý thị trường của các lực lượng chức năng cũng như chính quyền địa phương dường như bị "bỏ ngỏ". Theo phản ánh, tình trạng sản xuất, làm hàng giả diễn ra công khai, lâu dài nhưng không hề bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Trong khi đó, người tiêu dùng thường không tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, vô tình tiếp tay tiêu thụ hàng giả, hàng nhái.

Ðã đến lúc chúng ta phải có những chế tài đủ mạnh để ngăn chặn và xử lý nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, tăng nặng hình phạt so với mức hiện nay. Cần truy tố những đối tượng này trước pháp luật, đồng thời, kiên quyết cấm nhập khẩu những loại hàng hóa không bảo đảm chất lượng. Xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật, áp dụng triệt để và quyết liệt hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế, thực thi quyền "tự vệ chính đáng" của chúng ta; phải xác định đây là vũ khí rất lợi hại trong việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái. Mặt khác, tăng cường thanh tra, giám sát để ngăn chặn và xử lý những cán bộ tha hóa, biến chất trong lực lượng thực thi nhiệm vụ đã có hành vi bao che, bảo kê cho những đối tượng sản xuất, buôn bán trái phép hàng giả, hàng kém chất lượng.