Lào Cai cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp

NDO -

Sáng 31/3, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, với sự tham gia của đại diện 4 tỉnh là: Hải Dương, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La; các tổ chức phi chính phủ như: Great, SNV, Helvetas, Tổ chức Sáng kiến thương mại toàn cầu IDH đang thực hiện các dự án phhát triển nông, lâm nghiệp ở địa phương và gần 70 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp trên địa bàn.

Ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp và các huyện của tỉnh Lào Cai về đầu tư, sản xuất và chế biến nông, lâm sản.
Ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp và các huyện của tỉnh Lào Cai về đầu tư, sản xuất và chế biến nông, lâm sản.

Lào Cai có 525.000ha đất nông nghiệp, chiếm 82% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh; với nhiều tiểu vùng khí hậu, có tiềm năng phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác nhau, tạo nên nguồn gen phong phú. Bên cạnh đó, có 25 dân tộc với bản sắc văn hóa đa dạng nên các sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng văn hóa của từng vùng gắn với sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP.

Ngành nông nghiệp là “trụ đỡ” của nền kinh tế và luôn đạt tốc độ tăng trưởng trên 5%/năm. Đến nay, đã hình thành một số vùng nguyên liệu tập trung như: Vùng dược liệu 3.584ha, sản lượng đạt 18.207 tấn tươi; vùng chè 6.364ha, sản lượng đạt 37.843 tấn; vùng chuối diện tích 3.332ha, sản lượng ước đạt 68.470 tấn; vùng dứa diện tích đạt 1.689ha, sản lượng đạt 33.313 tấn; vùng quế 46.844ha, khai thác được 55.000 tấn cành lá và 5.100 tấn vỏ quế; cây ăn quả ôn đới 3.571ha, sản lượng đạt 3.159 tấn; cây rau 15.000ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn; cây hoa trên 400ha hoa cắt cành, hơn 100.000 chậu địa lan và nhiều vùng sản phẩm mang tính bản địa, tiềm năng khác.

Lào Cai hiện có 120 sản phẩm OCOP, trong đó, có 24 sản phẩm 4 sao, 96 sản phẩm 3 sao; đạt tiêu chuẩn VietGAP: 200ha chè, 215ha chuối, 10ha dứa, 212ha quýt, 100ha rau; tiêu chuẩn GACP-WHO: 140,2ha dược liệu; tiêu chuẩn hữu cơ: 3.500ha quế, 685ha chè.

Tuy nhiên, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các khâu sản xuất chưa đồng bộ, chủ yếu mới sử dụng giống mới, chưa tập trung đi vào chế biến sâu. Sản phẩm nông nghiệp còn phân tán, nhỏ lẻ, sản phẩm chủ lực mang thương hiệu đặc trưng của địa phương còn hạn chế về số lượng và chất lượng.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn quốc tế do chưa có vùng nguyên liệu thực sự, chưa chuẩn hóa quy trình sản xuất, dẫn đến khó khăn trong quá trình hội nhập theo các hiệp định thương mại đã ký kết. Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; liên kết sản xuất và thị trường tiêu thụ đã hình hành nhưng chưa rõ nét, chưa đáp ứng yêu cầu tổ chức sản xuất hàng hóa và thiếu bền vững.

Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Nghị quyết 10, với nhiều chính sách đặc thù, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng thông thoáng hơn, dễ tiếp cận hơn, với mục tiêu sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, bền vững, tạo sản phẩm sạch, an toàn, gắn với phát triển kinh tế đồi rừng; nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp và hợp tác xã, tổ chức phi chính phủ nước ngoài  trao đổi, thảo luận tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, nhân lực, chính sách ưu đãi, nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến Lào Cai sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp.

Theo đó, tập trung đột phá vào 5 khâu, đó là: Chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị, để phát triển sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh phát triển các loại hình tổ chức, dịch vụ sản xuất gắn với chế biến, liên kết sản xuất; thực hiện giao đất, giao rừng, quy chủ rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp; đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới. Ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ 6 ngành hàng chủ lực, đó là chè, dược liệu, chuối, dứa, quế, chăn nuôi lợn và kinh tế lâm nghiệp đồi rừng, các sản phẩm tiềm năng như cây ăn quả ôn đới, dâu tằm.

Tỉnh Lào Cai cam kết thực hiện 24 nội dung chính sách hỗ trợ cụ thể trên các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, hỗ trợ phát triển hợp tác xã, hỗ trợ các chứng nhận tiêu chuẩn trong phát triển sản xuất nông nghiệp.

Nhân dịp này, 5 doanh nghiệp đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát, Mường Khương và Văn Bàn về đầu tư phát triển và chế biến dược liệu, rau, hoa, cây ăn quả ôn đới và chăn nuôi.