Làm thớt kính, thay đổi tư duy phụ nữ

NDO -

Chị Đặng Thị Hằng (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) từ việc làm cho mình một cái thớt bằng kính cường lực để dùng trong bếp núc, mà đã tạo ra được dòng Thớt kính cường lực Sala, giúp chị em phụ nữ dễ dàng sử dụng, bền, đẹp và an toàn.

Chị Đặng Thị Hằng (phải) cùng các dòng sản phẩm thớt kính Sala.
Chị Đặng Thị Hằng (phải) cùng các dòng sản phẩm thớt kính Sala.

Chuyện cái thớt

Là người vợ, người mẹ của hai con nhỏ, nên sử dụng thớt trong nấu nướng là việc thường xuyên đối với các chị em cũng như chị Hằng. Tuy nhiên, chị cảm thấy thớt bằng gỗ và nhựa có nhiều bất tiện như cần thường xuyên thay đổi sau khi sử dụng vài tháng; vẫn còn mảng thực phẩm bám vào sau khi vệ sinh và việc dọn rửa cũng mất công hơn.

Gia đình có xưởng làm kính, nên chị đã nhờ chồng tận dụng kính thừa làm giúp một cái thớt kính cường lực theo ý của mình. Thật không ngờ sản phẩm sau khi làm ra dùng rất tiện lợi, sử dụng cho cắt thực phẩm, đồ tươi sống hay thực phẩm chín, trái cây cũng dễ vệ sinh, lại không lo ngại về việc ẩm mốc, không còn mảng bám thức ăn trên bề mặt thớt…

Cảm thấy quá thích và muốn lan tỏa để những bà mẹ trẻ có cùng quan điểm như mình được sử dụng thớt kính, chị đã tận dụng hết số kính thừa của xưởng để làm thớt, rồi mang tặng cho những người bạn, bà con dùng thử. Mặc dù không nhận được nhiều hưởng ứng, nhưng chị vẫn quyết làm thêm 300 sản phẩm thớt kính cường lực để bán hàng trực tuyến.

“Lúc đó chỉ nghĩ làm đúng 300 cái bán lẻ cho vui, vì nhận thấy nhiều người cũng chưa mặn mà lắm với sản phẩm mới này. Nhưng mình vẫn chuẩn bị, viết các bài giới thiệu trước về sản phẩm này. Vậy mà không ngờ chỉ trong một giờ, mình đã bán sạch số thớt đó”, chị Hằng nhớ lại.

Đó là vào khoảng cuối năm 2016. Sau đó, Hằng quyết định sản xuất thêm sản phẩm để bán ra khi có thêm nhiều đơn hàng được đặt. Chị vẫn chỉ sử dụng kính dư thừa của xưởng để làm thớt, miếng kính được cắt theo kích thước phù hợp, sau đó được mài, bo góc, khoan lỗ, cường lực kính và hoàn thiện.

Sản phẩm ban đầu là thớt trong suốt, đơn giản, với những độ dày khác nhau để sử dụng cho những mục đích phù hợp. Do tận dụng nguồn nguyên liệu dư thừa nên thớt bán ra với giá thành khá ổn định, ngang với giá các sản phẩm thớt gỗ, nhựa khác, nhưng bền và sử dụng được lâu hơn.

Tự phát triển bản thân

Mặc dù vậy, chị vẫn nhận được khá nhiều phản hồi không tốt khi bán ra dòng sản phẩm có thể thay đổi thói quen sử dụng của người dân. Nhiều người cho rằng, người Việt từ bao đời vẫn dùng thớt gỗ trong cuộc sống, việc thay thể bằng thớt kính là không cần thiết. Vì vậy, thời gian đầu, thớt kính cường lực Sala khá dè dặt khi tung ra thị trường.

Nhưng, chị vẫn tin tưởng vào dòng sản phẩm của mình, bởi chị nghĩ việc sử dụng sản phẩm tiện lợi hơn sẽ giúp cho người phụ nữ dễ dàng hơn trong căn bếp của mình. Vì vậy, chị cũng dần cải thiện thêm sản phẩm như ngoài thớt trong suốt đơn giản, thì thêm dòng có hoa văn, giảm trọng lượng của thớt. Đặc biệt, chị Hằng cho ra thị trường dòng thớt Sala Lux với độ mỏng, nhẹ, có bo viền silicon để tránh tiếng ồn khi cọ sát vào nhau, tránh rơi vỡ và mẫu mã đẹp mắt hơn.

Với đơn hàng ngày càng nhiều và không kịp sản xuất đủ để “trả đơn”, chị Hằng đã mở một xưởng tại huyện Hòa Vang, với sự hỗ trợ sản xuất của chồng. Chị cũng liên kết với các cơ sở kính khác để thu mua kính miếng thừa về làm thớt, không hề sử dụng kính nguyên miếng. Tính từ năm 2017 đến nay, thớt kính cường lực Sala đã xuất ra thị trường hơn 600 nghìn cái. Trung bình mỗi tháng bán từ 10 nghìn tới 15 nghìn sản phẩm các loại.

Làm thớt kính, thay đổi tư duy phụ nữ -0

Xưởng của chị đang tạo việc làm cho 26 lao động cố định và thời vụ.

Hiện nay xưởng của Hằng đang tạo việc làm cố định cho 6 lao động với thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng và 20 lao động làm theo thời vụ. Thớt kính cường lực Sala Lux cũng được Đà Nẵng chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố.

“Có lẽ, Sala Lux đang là điều tôi mong muốn nhất, đó là sản phẩm làm đẹp cho căn bếp, nhưng cũng là sản phẩm nhẹ nhàng, dễ sử dụng. Tôi không mong chị em mua những cái thớt quá to, quá nặng để về dùng chặt thực phẩm; tôi nghĩ, phụ nữ hãy tự “giải phóng” bớt cho bản thân, để việc bếp núc trở nên đơn giản hơn mỗi ngày”, Đặng Thị Hằng tâm sự.