Kiên Giang đồng hành cùng các doanh nghiệp

Kiên Giang là một tỉnh nằm ở cực Tây Nam của tổ quốc, với điểm xuất phát thấp nên gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, địa phương này đã dám nhìn thẳng vào thực tế, đề ra kế hoạch dài hơi để đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp.

UBND tỉnh Kiên Giang Hội nghị phân tích kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020
UBND tỉnh Kiên Giang Hội nghị phân tích kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Giám đốc Trung tâm Nguyễn Duy Linh Thảo cho biết, Trung tâm đã tham mưu tổ chức thành công Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp. Tại hội nghị này, Trung tâm đã phối hợp với các sở, ngành và địa phương tiếp thu 20 ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp.

Đến nay các sở, ban ngành và địa phương đã trả lời trực tiếp bằng văn bản 10 ý kiến cho bảy tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp. Tại hội nghị, có 35 tập thể và 26 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang hội nhập và phát triển" và tám tập thể, tám cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua chuyên đề xuất khẩu năm 2020 được Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang tặng bằng khen. Ngoài ra, 30 tập thể, ba cá nhân xuất sắc trong công tác an sinh xã hội và 37 tập thể xuất sắc trong công tác nộp ngân sách Nhà nước năm 2020 cũng được UBND tỉnh Kiên Giang tặng bằng khen.

Đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân trên địa bàn Kiên Giang đã cố gắng, kịp thời hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong xã hội; đồng hành cùng cấp ủy Đảng, chính quyền trong nhiều phong trào.

Hiện, Kiên Giang có 10.374 doanh nghiệp đã và đang đóng góp vào sự tăng trưởng và ổn định kinh tế - xã hội, góp phần tích cực giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, đóng góp ngân sách Nhà nước và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gần 106 ngàn người.

Năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt 68.957 tỷ đồng, tăng 3,05% so với năm 2019, đứng thứ 3/13 tỉnh, thành ĐBSCL và cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 11.850 tỷ đồng, đạt 102,69% dự toán, trong đó mức đóng góp của các doanh nghiệp trên địa bàn là 4.412 tỷ đồng, riêng khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đóng góp lớn nhất với hơn 3.500 tỷ đồng...

Theo bà Nguyễn Duy Linh Thảo, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, bằng niều hình thức Trung tâm đã làm tốt vai trò “cầu nối”, giúp thường trực UBND nắm bắt được tình hình sản xuất kinh doanh, nguyện vọng và những khó khăn của doanh nghiệp, từ đó UBND tỉnh đã kịp thời giải quyết những tồn động, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; chỉ đạo thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh nên hoạt động thương mại, dịch vụ tiêu dùng, xuất nhập khẩu của tỉnh đã có dấu hiệu tăng trở lại.

Trong sáu tháng đầu năm 2021, chỉ tiêu về xuất khẩu và giải quyết việc làm vượt kế hoạch; các chỉ tiêu kinh tế khác đều có mức tăng khá so cùng kỳ như: diện tích và sản lượng tôm nuôi, sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Đức Chín đã có chỉ đạo các sở, ban ngành và địa phương của tỉnh tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh hoạt động, sản xuất kinh doanh được thuận lợi; tiếp tục rà soát tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc; ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa theo đúng quy định của pháp luật...

Kiên Giang đồng hành cùng các doanh nghiệp -0
 Đại diện các doanh nghiệp có thành tích nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang năm 2020.

Phấn đấu cải thiện các chỉ số

Mặc dù dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng thông qua mô hình hội nghị trực tuyến, Trung tâm đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thành công Hội nghị phân tích kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020. Hội nghị đã kết nối đến 15 điểm cầu trong toàn tỉnh với đầy đủ các thành phần có liên quan.

Hội nghị đã lắng nghe rất nhiều ý kiến đóng góp của đại diện doanh nghiệp vào hoạt động quản lý điều hành của chính quyền, thái độ của công chức thực thi công vụ và nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, những khó khăn vướng mắc đang tồn tại. Đồng thời, tại hội nghị các sở, ngành, địa phương đã đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện chỉ số năng lực cạnh trạnh cấp tỉnh trong thời gian tới.

Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2020, điểm tổng hợp chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Kiên Giang đạt 60,01 điểm giảm 4,98 điểm so với năm 2019, đứng hạng 62/63 cả nước. Trong 10 chỉ số thành phần của PCI, năm 2020 Kiên Giang có hai chỉ số tăng điểm, tăng hạng đó là: Chi phí gia nhập thị trường và Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Đối với chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Kiên Giang đạt tổng số 40,80/80 điểm, xếp thứ 56/63, giảm 12 hạng so với năm 2019. Trong tám chỉ số được khảo sát, đánh giá Kiên Giang có ba chỉ số nội dung gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương và Cung ứng dịch vụ công thuộc nhóm thấp nhất.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đề nghị: Các sở, ban, ngành và các địa phương mạnh dạn nhìn nhận những hạn chế, thiếu sót còn tồn tại, kịp thời xây dựng kế hoạch hành động nhằm cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực, địa bàn quản lý. Xác định rõ từng mục tiêu, nhiệm vụ, biện pháp thực hiện cụ thể và phân công người chịu trách nhiệm từng phần việc.

Theo đó, Kiên Giang sẽ đẩy mạnh thực hiện ba nhóm vấn đề gồm: Cải cách hành chính, công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình. Giải quyết đúng thời hạn theo quy định của pháp luật, rút ngắn thời gian, thái độ phục vụ "làm hết việc, không hết giờ". Công khai minh bạch bằng nhiều hình thức, nhất là công khai minh bạch thông tin, dữ liệu trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các sở, ngành, địa phương.

Bà Nguyễn Duy Linh Thảo cho biết thêm, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Trung tâm cùng với các ngành rà soát, điều chỉnh bổ sung Kế hoạch số 138 của UBND tỉnh về cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2019 tỉnh Kiên Giang và những năm tiếp theo.

Kiên Giang sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất là trong việc thực hiện văn hoá công vụ, hướng tới phục vụ doanh nghiệp và người dân và phát huy chức năng của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Các ngành, các địa phương trong tỉnh sẽ chủ động, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, nhất là cải thiện các chỉ số thành phần liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Cùng với đó, Kiên Giang tập trung nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính ở Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở cấp huyện, cấp xã nhất là giải quyết thủ tục hành chính ở cấp xã, phường...

Kiên Giang phấn đấu cải thiện điểm số, nâng cao chỉ số PCI và chỉ số PAPI để lọt vào top các tỉnh khá trong cả nước.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép