Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để sớm thông tuyến đường Hồ Chí Minh

NDO -

Đường Hồ Chí Minh là một dự án hết sức quan trọng, có ý nghĩa lớn về chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh; do vậy cần khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, bố trí nguồn vốn hợp lý triển khai dứt điểm các dự án thành phần, các đoạn còn lại để hoàn thành thông tuyến trong giai đoạn 2021-2025.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 2 chiều 24/5. (Ảnh: LINH NGUYÊN)
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 2 chiều 24/5. (Ảnh: LINH NGUYÊN)

Trên đây là nhận định chung của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại tổ ngày 24/5 về tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Làm rõ nguyên nhân của việc chậm tiến độ

Nghị quyết số 66/2013/QH13 đặt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành nối thông tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744km. Theo Tờ trình của Chính phủ, đến nay đã hoàn thành 2.362km đạt 86,1% và khoảng 258km tuyến nhánh; đang triển khai 211km. Tuy nhiên, vẫn còn lại 171km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện, bao gồm 3 đoạn: Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn (28,5km); Đoan Hùng-Chợ Bến (87,5km) và Rạch Sỏi-Bến Nhất-Gò Quao-Vĩnh Thuận (55km).

Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho biết bên cạnh những kết quả đã đạt được, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra trong quá trình triển khai thực hiện dự án, còn có một số vấn đề khó khăn, chính vì vậy việc xây dựng tuyến đường còn 171km chưa hoàn thành do nhiều nguyên nhân.

Theo đại biểu, cần phân tích kỹ, làm rõ các nguyên nhân, đồng thời chỉ ra được vai trò, trách nhiệm của các cơ quan thuộc Quốc hội đã theo dõi, giám sát tiến độ dự án, bên cạnh trách nhiệm thực thi dự án của Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan.

Với tính chất quan trọng của đường Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét dành riêng một nguồn vốn đặc biệt tập trung để sớm hoàn thành toàn bộ dự án.

Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để sớm nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh -0
 Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TP Hồ Chí Minh) phát biểu trong phiên thảo luận tổ. (Ảnh: LINH NGUYÊN)

Liên quan đến việc vẫn còn một số địa phương bàn giao mặt bằng chậm, không liên tục, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TP Hồ Chí Minh) kiến nghị Chính phủ cần có báo cáo đánh giá tác động cụ thể hơn về an sinh xã hội đối với các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án, nhất là trên trục đường Trường Sơn Đông qua Tây Nguyên. Đây là vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, phần đông là những người có mức sống thấp, chủ yếu sinh sống phụ thuộc vào nương rẫy. Cần có phương án bố trí tái định cư cũng như phương án phục hồi kinh tế cho các hộ đồng bào này.

Bố trí nguồn vốn hoàn thành dứt điểm các dự án thành phần

Trong 3 đoạn tuyến chưa triển khai có đoạn Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn kết nối An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên đến Ngã ba Trung Sơn (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang); và đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất-Gò Quao-Vĩnh Thuận kết nối giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang), hai dự án thành phần này đi qua, kết nối các địa bàn quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, giữ vững quốc phòng, an ninh. Việc nối thông 2 đoạn tuyến này sẽ góp phần nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh, phát huy được vị trí, vai trò, ý nghĩa lịch sử, cũng như ý nghĩa chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh của toàn tuyến. Do đó, Chính phủ cần bố trí nguồn vốn tập trung hoàn thiện dứt điểm hai dự án thành phần này.

Với đoạn Cổ Tiết-Chợ Bến thuộc dự án Đoan Hùng-Chợ Bến, theo Tờ trình của Chính phủ thì từ nay đến năm 2025 chỉ chuẩn bị đầu tư, đồng thời tận dụng Quốc lộ 32 và Quốc lộ 21 để nối thông đường Hồ Chí Minh với quy mô 2 làn xe. Tuy nhiên, Nghị quyết của Quốc hội đã xác định, Cổ Tiết và Chợ Bến là 2 điểm khống chế mà đường Hồ Chí Minh phải đi qua. Đại biểu Tú đề nghị làm rõ 2 quốc lộ nói trên có đi qua tất cả các điểm khống chế theo Nghị quyết số 66/2013/QH13 hay không.

Tham gia thảo luận, làm rõ băn khoăn của các đại biểu Quốc hội về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đường Hồ Chí Minh là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, từ lịch sử, chính trị, kinh tế đến an ninh, quốc phòng, giao thông vận tải. Việc quyết định đầu tư đường Hồ Chí Minh đã giúp nhiều địa phương có điều kiện phát triển, đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung-Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ.

Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để sớm nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh -0
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu trong phiên thảo luận tổ chiều 24/5. (Ảnh: LINH NGUYÊN)

Chính phủ đã trình Quốc hội quyết định hoàn thành mục tiêu nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe. Tuy nhiên, so với Nghị quyết của Quốc hội, đã quá thời hạn 2 năm nhưng vẫn còn một số đoạn tuyến chưa hoàn thành; ngoài ra một số đoạn đầu tư đã lâu bị xuống cấp, hư hỏng. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và có thông báo kết luận đề nghị Chính phủ báo cáo về vấn đề này, theo hướng trước mắt bố trí vốn để hoàn thành các đoạn còn lại.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định mặc dù chậm nhưng đây là nhiệm vụ bắt buộc phải làm, phải hoàn thành trong giai đoạn 5 năm 2021-2025 để tạo điều kiện phát triển cho các địa phương trong phạm vi dự án đi qua. Sau khi hoàn thành toàn bộ dự án thì sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và đề xuất đầu tư giai đoạn sau.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh cần bố trí chi phí duy tu, bảo dưỡng những đoạn bị hư hỏng, xuống cấp để bảo đảm lưu thông thông suốt trên tuyến đường Hồ Chí Minh.

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV