Kết nối tiêu thụ cho nông sản chủ lực tỉnh Đồng Tháp

NDO -

Đồng Tháp là địa phương có thế mạnh về lúa gạo và thủy sản. Ngoài ra, còn có 167 sản phẩm OCOP (xếp thứ 5 cả nước). Dự kiến tháng 12/2021, chương trình kết nối OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long gắn với Lễ hội Xoài sẽ được tổ chức tại Đồng Tháp, nhằm phát triển chuỗi cung ứng và tiêu thụ.

Trưng bày mặt hàng xoài tại Thuận Tân hội quán, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp
Trưng bày mặt hàng xoài tại Thuận Tân hội quán, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Sáng 16/10, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức diễn đàn trực tuyến “Kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Đồng Tháp năm 2021”. Đây là phiên thứ 7 của Diễn đàn Kết nối nông sản 970.

Nhiều sản phẩm thế mạnh

Ông Huỳnh Tất Đạt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: Đồng Tháp có nhiều nông sản đặc trưng, được thị trường ưa chuộng. Trong đó, sản lượng lúa hằng năm hơn 3,37 triệu tấn, chủ yếu là lúa chất lượng, lúa đặc sản, lúa nếp giá trị cao. Ngoài ra, có một sản lượng lớn xoài được sản xuất theo quy trình VietGAP, GobalGAP... Hoa kiểng cũng là “đặc sản” của Đồng Tháp với truyền thống sản xuất lâu đời, mỗi năm cung cấp hơn 2,5 nghìn loài hoa, đây là chuỗi sản xuất mang lại thu nhập tương đối lớn cho nông dân. Bên cạnh đó, diện tích nhãn toàn tỉnh khoảng 5,6 nghìn hec-ta, sản lượng từ nay đến cuối năm khoảng 600 nghìn tấn. Sen cũng là sản phẩm đặc trưng của Đồng Tháp với sản lượng lớn, từ cây sen đã chế biến được ra hơn 20 sản phẩm.

Đối với lĩnh vực du lịch, Đồng Tháp đang tập trung phát triển mô hình homestay và du lịch nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, làng hoa Sa Đéc có bốn hợp tác xã, 10 hội quán, 2,5 nghìn hộ tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh hoa kiểng, một trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và một trung tâm thương mại hoa kiểng đã đưa vào hoạt động.

Làng hoa Sa Đéc hằng năm đón khoảng 3 triệu lượt khách tham quan, trong đó có hơn 170 nghìn lượt khách quốc tế. Ngoài ra, tỉnh còn có 51 điểm du lịch cộng đồng.

Không những thế, tỉnh Đồng Tháp còn được biết đến với các hoạt động kinh tế tập thể, cộng đồng sôi động với hơn 100 hội quán và 200 hợp tác xã, trong đó có 180 hợp tác xã nông nghiệp; hơn 900 tổ hợp tác nông nghiệp với hàng chục nghìn tổ viên.

Tỉnh cũng liên tục nằm trong nhóm tốp đầu về chỉ số năng lực canh tranh (PCI) cấp tỉnh, với 3 năm liên tục (2018, 2019, 2020) giữ vị trí thứ 2/63 tỉnh thành và là năm thứ 13 liên tiếp đứng trong Top 5 của cả nước.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết: Địa phương hiện còn tồn 30.000 tấn thủy sản, trong đó có hơn 20 nghìn tấn cá tra, còn lại là cá lồng bè. Qua diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản lần này, kỳ vọng nông dân, doanh nghiệp sẽ tìm thấy nhau, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa.

Tạo không gian để kết nối cung - cầu

Theo bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, thời gian tới công ty muốn xây dựng các hợp tác xã liên kết với bà con để hình thành mô hình liên kết bền vững. Những hợp tác xã này sẽ trở thành những chi nhánh của Chánh Thu tại Đồng Tháp. Do đó, công ty rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để củng cố mối liên kết này. Trong kế hoạch của mình, công ty sẽ xây dựng điểm thu mua tại Đồng Tháp cho ba sản phẩm chính là xoài, sầu riêng và mít, trong đó xoài sẽ phục vụ cho các thị trường Mỹ và Australia.

Bà Ngô Tường Vy cũng cho biết thêm, khó khăn đang gặp phải là cách đưa các nông dân vào quy trình canh tác theo tiêu chuẩn để có thể tạo ra nông sản đáp ứng yêu cầu của các thị trường chất lượng cao.

Trong khi đó, để đẩy mạnh việc đưa nông sản Đồng Tháp vào các hệ thống siêu thị, ông Paul Le - Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Group Việt Nam cho biết: Trong thời gian tới, Central Group sẽ tập trung thu mua các sản phẩm chất lượng cao của Đồng Tháp như: xoài, cá ba sa, gạo… Theo đó, Central Group sẽ đưa ra yêu cầu về sản lượng, chất lượng để các đơn vị có thể chủ động lên kế hoạch cung cấp.

Trước những đề xuất của các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ, ông Nguyễn Minh Tiến - Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương thông tin: Bên cạnh việc tổ chức các hội chợ, kết nối với các doanh nghiệp, chuỗi siêu thị, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương cũng đang phối hợp các cơ quan, đơn vị ứng dụng hệ thống thương mại điện tử để hình thành cơ sở dữ liệu cho các sản phẩm OCOP. Tiến tới xây dựng kênh thương mại điện tử chuyên biệt để tiêu thụ sản phẩm OCOP cho vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng, tạo điều kiện cho người tiêu dùng dễ tìm, dễ mua và dễ tiếp cận với sản phẩm OCOP cũng như nhiều nông sản đặc trưng khác.

Từ mục tiêu của diễn đàn là để hình thành, kết nối các khâu sản xuất, chế biến, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản, qua đó tạo mối liên kết - hợp tác chặt chẽ, nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và bà con nông dân, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đề nghị các đơn vị liên quan chuẩn bị phối hợp tổ chức Lễ hội Xoài tại Đồng Tháp vào tháng 12/2021. Đặc biệt, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 cần kiểm tra việc kết nối tiêu thụ nông sản trong thực tế sau khi kết thúc mỗi diễn đàn. Theo đó, cần thông báo kết quả cụ thể qua từng phiên, đã kết nối được các đơn vị nào, hiệu quả ra sao… Đồng thời gợi mở thêm ý tưởng về việc lập các đầu mối để kết nối giữa người bán và người mua sát thực tế hơn nhằm nâng cao hiệu quả của diễn đàn.