Kết nối giao thương nông sản giữa Long An và các tỉnh, thành phố

NDO -

Thời gian qua, một số nông sản có thế mạnh của Long An bị ảnh hưởng bởi dịch: đầu ra thiếu ổn định, xuất nhập khẩu khó khăn vì hàng rào kỹ thuật, chi phí logistics tăng. Bên cạnh đó, hoạt động chăn nuôi có thể gặp khó khăn trong đợt Tết do người dân hiện không mặn mà tái đàn.

Diễn đàn Kết nối giao thương nông sản giữa Long An và các tỉnh, thành phố tại điểm cầu Long An.
Diễn đàn Kết nối giao thương nông sản giữa Long An và các tỉnh, thành phố tại điểm cầu Long An.

Sáng 11/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Long An, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 tổ chức phiên làm việc thứ 15 với chủ đề "Kết nối giao thương nông sản giữa Long An và các tỉnh, thành phố".

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tỉnh có nhiều điều kiện phát triển nông nghiệp. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp năm 2021 ước khoảng 2,07%. GRDP bình quân đầu người tăng nhanh trong khoảng 10 năm trở lại đây. Năm 2010, mức trung bình là khoảng 23,2 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2020, GRDP đạt khoảng 77 triệu đồng/người/năm, và 2021 đạt hơn 80 triệu. Về cơ cấu, tỷ lệ nông, lâm, nghiệp chiếm hơn 15%.

Với khoảng 300.000 ha đất nông nghiệp, lúa vẫn là nông sản chính của Long An, với sản lượng khoảng 2,9 triệu tấn/năm, trong đó có 1,6 triệu tấn lúa chất lượng cao. Ngoài lúa, Long An còn sản lượng lớn về rau 200.000 tấn rau, 330.000 tấn thanh long, khoai mỡ khoảng 47.000 tấn.

Về chăn nuôi, Long An có khoảng 9 triệu con gia cầm, lợn 85.000 con, và hơn 40 cơ sở giết mổ. Về thủy sản, sản lượng của tỉnh khoảng 72.000 tấn, trong đó tôm nước lợ 15.000 tấn. Long An có nhiều đặc sản, được ưa chuộng, có khả năng cạnh tranh cao, tạo được chỗ đứng trên thị trường như gạo nàng thơm Chợ Đào, dưa hấu Long Trì, thanh long Châu Thành, đậu phộng Đức Hòa…

“Trọng tâm phát triển của tỉnh là nông nghiệp công nghệ cao. Long An mong hợp tác chặt chẽ với các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, chuỗi ngành hàng để giúp người dân ổn định sản xuất”, ông Lâm cho biết.

Thời gian qua, một số nông sản có thế mạnh của Long An bị ảnh hưởng bởi dịch: đầu ra thiếu ổn định, xuất nhập khẩu khó khăn vì hàng rào kỹ thuật, chi phí logistics tăng. Bên cạnh đó, hoạt động chăn nuôi có thể gặp khó khăn trong đợt Tết do người dân hiện không mặn mà tái đàn.

“Trong điều kiện bình thường mới, Long An muốn nghe ý kiến từ các đơn vị, về việc tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị để tỉnh phát triển tốt hơn nữa việc cung ứng, cũng như chất lượng nông sản”, ông Lâm bày tỏ.

Diễn đàn nhằm thực hiện thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh Long An như lúa gạo, thanh long, chanh và rau các loại, sản phẩm thủy sản và sản phẩm OCOP niên vụ 2021; đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn; kết nối người sản xuất, doanh nghiệp tỉnh Long An với các nhà phân phối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn các tỉnh thành trên cả nước.