Kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và điện mặt trời áp mái

NDO -

Ngày 24-11, Sở Công thương phối hợp Trung tâm phát triển sáng tạo Xanh, Công ty Điện lực Hậu Giang tổ chức Hội thảo chuyên đề “Kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và điện mặt trời áp mái trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”. 

Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có điện lãnh đạo: Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND, Phòng Kinh tế, Phòng kinh tế và Hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố; UBND xã, phường, thị trấn; các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng và tài chính; đại diện lãnh đạo các ngân hàng, doanh nghiệp, nhà đầu tư điện mặt trời, hợp tác xã...

Hiện nay, việc kết hợp sản xuất nông nghiệp và điện mặt trời nhằm tối đa hóa lợi nhuận trên cùng diện tích đất sản xuất, đa dạng hóa các nguồn năng lượng, nâng cao khả năng cung ứng nguồn điện cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong tỉnh, bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững là nhu cầu cũng là định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Với ý nghĩa đó, Hội thảo đã tập trung đánh giá thực trạng, tiềm năng và đề ra giải pháp phát triển điện mặt trời áp mái tại Hậu Giang. Đồng thời, giới thiệu và kêu gọi đầu tư vào mô hình này tại địa phương. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng thảo luận và đề xuất các giải pháp thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sạch, bền vững, đặc biệt là phát triển điện mặt trời phân tán và kết hợp sản xuất nông nghiệp tại Hậu Giang để góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương…

Theo đó, các đại biểu đã nghe các chuyên gia trong ngành năng lượng chia sẻ những thông tin rất bổ ích về “Xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam”, “Lợi ích và cơ hội phát triển năng lượng sạch”; “Công cụ tính toán đầu tư điện mặt trời mái nhà”, “Phát triển điện mặt trời kết hợp sản xuất nông nghiệp: “Mô hình - tiềm năng phát triển”, đặc biệt là những thông tin về thực trạng, tiềm năng và giải pháp trong việc phát triển điện mặt trời áp mái tại Hậu Giang. Qua đó, giúp có cái nhìn tổng quan hơn về bức tranh phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo trên toàn cầu, cả nước và tại tỉnh Hậu Giang.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, tham luận các vấn đề thủ tục đấu nối, ký kết hợp đồng mua bán điện mặt trời áp mái của EVN;  kế hoạch tổng thể phát triển điện mặt trời áp mái, mô hình kinh doanh; tình hình triển khai và các giải pháp thúc đẩy, phát triển điện mặt trời áp mái tại Hậu Giang…

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên, qua thống kê, trung bình bức xạ năng lượng mặt trời tại Hậu Giang vào khoảng 4,3 đến 4,9 kWh/m2/ngày, với số giờ nắng bình quân từ 2.200 - 2.500 giờ/năm, nên Hậu Giang có lượng bức xạ tốt, số giờ nắng cao thích hợp cho việc phát triển điện mặt trời. Với nguồn tài nguyên vô tận, điện mặt trời sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho địa phương và đất nước trong giai đoạn sắp tới và là nguồn năng lượng của tương lai.

Trong bối cảnh ngành điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm nguồn cung ứng điện thì việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo trong đó có điện mặt trời, điện mặt trời áp mái được xem là một trong những giải pháp góp phần làm đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng, đặc biệt là nguồn năng lượng sạch, nâng cao khả năng cung ứng nguồn điện cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Trong đó, việc kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và điện mặt trời áp mái cho thấy sẽ bảo đảm mang lại lợi ích kinh tế, xã hội, tối đa hóa lợi nhuận trên cùng diện tích sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.

Vì thế, trong thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo tăng cường thông tin tuyên truyền, phổ biến các chính sách khuyến khích phát triển điện năng lượng mặt trời của Nhà nước, tích cực tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp và các hộ gia đình nhanh chóng thực hiện các dự án điện mặt trời nói chung, đặc biệt là các dự án điện mặt trời áp mái với tinh thần trách nhiệm, không né tránh đùn đẩy trách nhiệm, nhất là đối với các dự án hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, phải thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án. Triển khai chặt chẽ, đúng pháp luật, chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm, công khai, minh bạch trong các thủ tục pháp lý đầu tư…