Hơn 313 nghìn tỷ đồng phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam

NDO -

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1579/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Khu bến cảng Lạch Huyện.
Khu bến cảng Lạch Huyện.

Theo đó, nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 313 nghìn tỷ đồng (bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa), được huy động chủ yếu từ nguồn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nguồn vốn ngân sách nhà nước chỉ tập trung cho hạ tầng hàng hải công cộng; khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư.

Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, khai thác cảng biển, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển; quy hoạch cũng xác định thực hiện các giải pháp thu hút, tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong việc chia sẻ trách nhiệm đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng công cộng tại cảng biển như một phần trong dự án đầu tư khai thác cảng biển của doanh nghiệp.

Mục tiêu đến năm 2030, phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.140 đến 1.423 triệu tấn (trong đó hàng container từ 38 đến 47 triệu TEUs); hành khách từ 10,1 đến 10,3 triệu lượt khách.

Về kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu); nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp phát triển từng bước Cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Khánh Hòa) để khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý. 

Hệ thống cảng biển Việt Nam được quy hoạch gồm 5 nhóm: Nhóm 1 gồm 5 cảng biển: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. Đến năm 2030, hàng hóa thông qua nhóm 1 từ 305 đến 367 triệu tấn (hàng container từ 11 đến 15  triệu TEUs); hành khách từ 162 đến 164 nghìn lượt.

Nhóm 2 gồm 6 cảng biển: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, đến năm 2030, hàng hóa thông qua đạt từ 172 đến 255 triệu tấn (hàng container từ 0,6 đến 1 triệu TEUs); hành khách từ 202 đến 204 nghìn lượt khách. 

Nhóm 3 gồm 8 cảng biển: Đà Nẵng (gồm khu vực huyện đảo Hoàng Sa), Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa (gồm khu vực huyện đảo Trường Sa), Ninh Thuận và Bình Thuận, đến năm 2030 hàng hóa thông qua từ 138 đến 181 triệu tấn (hàng container đạt từ 1,8 đến 2,5 triệu TEUs); hành khách từ 1,9 đến 2 triệu lượt. 

Nhóm 4 gồm 5 cảng biển: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Long An, đến năm 2030 hàng hóa thông qua từ 461 đến 540 triệu tấn (hàng container từ 23 đến 28 triệu TEUs); hành khách từ 1,7 đến 1,8 triệu lượt.

Nhóm 5 gồm 12 cảng biển: Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang. Đến năm 2030, hàng hóa thông qua từ 64 đến 80 triệu tấn (hàng container từ 0,6 đến 0,8 triệu TEU); hành khách từ 6,1 đến 6,2 triệu lượt. 

Theo quy mô, chức năng, hệ thống cảng biển Việt Nam có hai cảng biển đặc biệt là Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu; 15 cảng biển loại I; 6 cảng biển loại II; 13 cảng biển loại III. 

Về định hướng hạ tầng giao thông kết nối, phát triển các tuyến đường sắt kết nối với cảng biển loại đặc biệt và cảng biển loại I trên hành lang bắc - nam; hình thành các bến cho phương tiện thủy nội địa trong vùng nước cảng biển; hệ thống đường bộ cao tốc kết nối với các cảng biển loại đặc biệt, hệ thống quốc lộ, đường địa phương kết nối trực tiếp đến hệ thống cảng biển.

Phát triển cảng cạn tại các khu vực kinh tế, hành lang kinh tế, ưu tiên quy hoạch các vị trí có kết nối thuận lợi bằng vận tải đường thủy nội địa, vận tải sông pha biển, đường bộ cao tốc, đường sắt đến các cảng biển quan trọng trong các nhóm cảng biển.

Theo Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang, điểm mới tại Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển lần này là bên cạnh hai cảng biển loại đặc biệt là Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu, 4 cảng biển khác cũng được quy hoạch là cảng biển tiềm năng đặc biệt, gồm Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Sóc Trăng.

Các dự án kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng được xác định ưu tiên đầu tư, gồm nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải phục vụ tàu đến 200 nghìn DWT giảm tải (18 nghìn TEUs); dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu - giai đoạn 2 cho tàu đến 20 nghìn DWT giảm tải; nâng cấp luồng vào cảng Nghi Sơn, sông Chanh, Cẩm Phả, Thọ Quang và các tuyến luồng khác; các đèn biển tại các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, kết cấu hạ tầng phục vụ bảo đảm an toàn hàng hải.

Các bến cảng được ưu tiên đầu tư, gồm các bến tiếp theo thuộc khu bến Lạch Huyện; bến khởi động khu bến Nam Đồ Sơn (Hải Phòng); các bến tại khu Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu); các bến cảng chính thuộc cảng biển loại I; các bến cảng quy mô lớn gắn trung tâm điện lực than, khí, xăng dầu, luyện kim; kêu gọi đầu tư các bến cảng tại các cảng biển tiềm năng Vân Phong và Trần Đề...

Các giải pháp bảo đảm hiệu quả thực hiện quy hoạch

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất áp dụng mô hình quản lý cảng phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư, khai thác cảng biển, cụm cảng biển (ưu tiên tập trung các cảng biển quan trọng). Tăng cường hợp tác, phối hợp để khai thác hiệu quả các cảng biển trong vùng và liên vùng; nghiên cứu áp dụng chính sách cảng mở tại Khu bến cảng Lạch Huyện, Cái Mép, Thị Vải và Vân Phong. 

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách về giá, phí tại cảng biển, tăng tính hấp dẫn đối với các hãng tàu, thu hút hàng container trung chuyển quốc tế. Đẩy mạnh khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống cảng biển phù hợp với xu hướng cuộc cách mạng 4.0, đáp ứng các tiêu chí cảng xanh.