Hơn 1.000 trâu, bò chết do bệnh viêm da nổi cục tại Tây Ninh

NDO -

Ngày 27/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh chỉ đạo ngành thú y và các địa phương tuyên truyền, thực hiện giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Nông dân Khmer ở huyện Tân Châu nuôi bò.
Nông dân Khmer ở huyện Tân Châu nuôi bò.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh khởi phát từ ngày 7/7, tại ấp Bến Cừ, xã Ninh Ðiền, huyện Châu Thành và cho đến nay đã xảy ra tại 3.874 hộ chăn nuôi của 9 huyện, thị xã, thành phố. Hậu quả, làm 7.497 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó có 1.221 con trâu, bò chết do bệnh, gây thiệt hại lớn cho nông dân.

Bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do một loại virus thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò và không gây bệnh trên người. Ðường lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt. Bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc.

Hiện, biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục là đẩy mạnh tiêm phòng vaccine nhưng do vaccine chậm có hiệu lực bảo vệ (sau 21 ngày) nên nếu trông chờ vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước, sẽ làm chậm tiến độ. Vì vậy, rất cần sự chung tay, chủ động của người chăn nuôi trong việc khống chế dịch bệnh bởi giá một liều vaccine chỉ 35.000 đồng.

Ngoài tiêm vaccine, người chăn nuôi cần thực hiện một số biện pháp như: không chăn thả trâu, bò trên cùng cánh đồng, trong thời điểm có dịch; hạn chế người và động vật vào khu vực nuôi; vệ sinh phát quang quanh chuồng trại chăn nuôi; thường xuyên rải vôi và phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng khi không có dịch bệnh (1 lần/tuần) và trong vùng có dịch bệnh (ít nhất 1 lần/ngày)…

Toàn tỉnh Tây Ninh có khoảng 105.099 con trâu, bò; sản lượng 2.745 tấn. Có 317 trang trại chăn nuôi (quy mô từ 16 con trở lên) với tổng đàn 18.954 con, có 14.800 cơ sở chăn nuôi nông hộ (quy mô dưới 16 con) với tổng đàn 86.145 con.