Hỗ trợ tín dụng “xanh hóa” ngành dệt may

Dệt may là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ dịch Covid-19, khiến các nhà máy bị đóng cửa, nhiều lao động mất việc làm. Tuy nhiên, chính những tác động này lại tạo ra động lực và xu hướng phát triển mới, theo đó “xanh hóa” sản xuất đã và đang trở thành yêu cầu cấp thiết đối với mỗi doanh nghiệp dệt may. Và với hệ thống ngân hàng, đây cũng là một tiêu chí “ưu tiên” để doanh nghiệp được “rót” vốn.

Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Dệt 8-3 vận hành dây chuyền sản xuất sợi.
Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Dệt 8-3 vận hành dây chuyền sản xuất sợi.

Hiện nay, với mục tiêu hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, bên cạnh yếu tố hiệu quả kinh tế của phương án kinh doanh, các tổ chức tín dụng sẽ hướng đến tài trợ tín dụng cho các ngành kinh tế xanh, bảo vệ môi trường. Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng đang tích cực triển khai tín dụng xanh với dư nợ chiếm khoảng 4% tổng dư nợ toàn hệ thống. Bên cạnh năng lượng tái tạo và nông nghiệp sạch, dệt may là lĩnh vực có tiềm năng mở rộng tín dụng xanh.

“Xanh hóa” để gia tăng hội nhập

Ðể tăng sức cạnh tranh, giữ được đơn hàng, việc thúc đẩy “xanh hóa” toàn ngành dệt may đang là vấn đề bức thiết. Theo nhận định của một số chuyên gia, ngành dệt may Việt Nam hiện đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định tự do thương mại (FTA) thế hệ mới đã ký. Trong các FTA này đều có cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp. Do vậy, “xanh hóa” ngành dệt may là xu thế toàn cầu mà doanh nghiệp bắt buộc phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững. Nhiều doanh nghiệp khi được hỏi cũng cho rằng, họ sẵn sàng triển khai các phương án hướng đến việc phát triển bền vững, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường,...

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Ðức Giang cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đều phải tuân thủ những yêu cầu liên quan “xanh hóa” trong sản xuất như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường, cắt giảm phát thải. “Nếu doanh nghiệp không có những giải pháp thay đổi trong sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững, sạch hơn, tiết kiệm nước và các nguồn tài nguyên, sử dụng nguyên liệu thân thiện và an toàn với môi trường, doanh nghiệp sẽ mất lợi thế cạnh tranh, thậm chí đứng trước nguy cơ bị mất đơn hàng”-ông Giang nêu rõ.

Xu hướng toàn cầu hiện nay cũng cho thấy, các thương hiệu may mặc lớn trên thế giới-đối tác đặt đơn hàng của ngành dệt may Việt Nam-đang chuyển sang ưu tiên các “doanh nghiệp xanh”. Những doanh nghiệp gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất, không áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên có nguy cơ bị ngừng tiếp nhận đơn hàng hoặc bị từ chối đặt hàng. Theo Tổng Giám đốc Công ty may mặc TAL Việt Nam James Phillips, hơn 250 nhãn hàng may mặc thời trang trên thế giới đã đưa ra các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử có trách nhiệm với môi trường đối với các nhà cung cấp. Do đó, yêu cầu các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cung cấp và gia công cho các nhãn hàng này cần phải thực hiện sản xuất theo hướng “xanh hóa” một cách có hiệu quả, có lợi nhuận và phát triển.

Việc phát triển theo hướng “xanh hóa” ngành dệt may không chỉ đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn của các nhãn hàng đề ra, mà đây cũng là một tiêu chí quan trọng để được ngân hàng “rót” vốn mạnh mẽ. Ðơn cử như với Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ, nhiều năm qua, sợi tái chế là động lực chính thúc đẩy kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trong năm 2021, Công ty Sợi Thế Kỷ đã tập trung đẩy mạnh sản xuất sợi tái chế với dự án Unitex, xây dựng tại Tây Ninh. Dự án có quy mô tổng công suất 60.000 tấn sợi/năm. Trong giai đoạn 1, dự án đã được Vietcombank tài trợ 70% giá trị đầu tư, tương đương khoảng 1.250 tỷ đồng.

Tiềm năng mở rộng tín dụng xanh

Có thể thấy, tín dụng xanh là hướng đi tất yếu của ngành tài chính toàn cầu và ngành tài chính Việt Nam nói riêng, đem lại những lợi ích rất lớn trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hệ thống ngân hàng đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh nguồn vốn tín dụng xanh. Trường hợp cấp tín dụng hàng nghìn tỷ đồng cho dự án chuyển đổi xanh của Công ty Sợi Thế Kỷ càng là minh chứng cho thấy, khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp ngành dệt may cao nếu chủ động bắt nhịp với xu hướng “xanh hóa” và đưa vào các dự án có đánh giá yếu tố tác động đến môi trường.

Theo đánh giá của Vitas, “xanh hóa” chuỗi sản xuất ngành dệt may đang là nhu cầu tất yếu mà các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ. Trong quá trình đó, việc đầu tư công nghệ mới theo hướng sản xuất xanh gần như là yếu tố sống còn. Song hành với việc này, nhiều ngân hàng thương mại cũng thiết kế riêng các gói tín dụng ưu đãi lãi suất kèm theo các điều kiện tiếp cận vốn khá thuận lợi. Ðơn cử, PVcomBank có gói 1.000 tỷ đồng để cho vay doanh nghiệp dệt may với lãi suất từ 3%/năm đối với USD và từ 6%/năm đối với VND; trong đó các doanh nghiệp ngành sợi áp dụng công nghệ xanh được ngân hàng áp dụng mức lãi suất cho vay bằng USD chỉ 1,8-2%/năm để nhập khẩu nguyên liệu. Techcombank cũng tài trợ trọn gói cho các doanh nghiệp may mặc xuất khẩu. Cụ thể, các doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu phát triển bền vững sẽ được ưu đãi tài trợ 70% giá trị hợp đồng xuất khẩu, nhận tài sản bảo đảm linh hoạt bằng nguyên liệu, máy móc thiết bị và quyền đòi nợ. Hay như VietinBank vẫn duy trì gói sản phẩm dành cho khách hàng doanh nghiệp dệt may với hàng loạt ưu đãi, bao gồm cho vay lãi suất thấp, quản lý dòng tiền, ưu đãi miễn các loại phí dịch vụ, hỗ trợ các loại bảo hiểm và mua bán ngoại tệ,…

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối năm 2021, có 67 tổ chức tín dụng tham gia cho vay các dự án xanh ở các lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch, vệ sinh môi trường, dệt may và nhiều lĩnh vực khác. Dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh chiếm khoảng hơn 4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 0,46% so với năm 2020. Tuy nhiên, dù là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng dư nợ đối với ngành dệt may chỉ khoảng 145.000 tỷ đồng (tăng khoảng 5.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2020), chiếm gần 1,5% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ, dệt may là một trong các ngành kinh tế có mức độ rủi ro môi trường và xã hội cao so với các ngành, lĩnh vực kinh tế khác do quá trình sản xuất phải khai thác, sử dụng và xả thải một lượng nước lớn, đồng thời sử dụng nhiều năng lượng cho việc đun nóng, tạo ra hơi nước dẫn đến tác động tới nguồn nước và góp phần gia tăng khí phát thải nhà kính. Chính vì vậy, dệt may là một trong 20 ngành kinh tế được xếp vào nhóm đối tượng ảnh hưởng rủi ro về môi trường và nằm trong diện cần đánh giá khi cấp tín dụng. “Do đó, mục tiêu “xanh hóa” sản xuất, nâng cao trách nhiệm và thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất là yêu cầu cấp bách, mang tính chiến lược của ngành dệt may nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động và thu hút được dòng vốn đầu tư, nhất là nguồn vốn tín dụng ngân hàng trong bối cảnh Luật Bảo vệ môi trường đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022”, ông Hùng phân tích.

Ngoài ra, thực tế cho vay tại các tổ chức tín dụng cũng chỉ ra rằng, các ngân hàng khi cấp vốn luôn phải bảo đảm tuân thủ đúng các quy định về cho vay mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhằm bảo đảm an toàn hệ thống. Trong số các dự án có hiệu quả, các ngân hàng sẽ ưu tiên tài trợ các dự án xanh. Vì vậy, để có thể tiếp cận nhiều hơn nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng, vấn đề mấu chốt là doanh nghiệp dệt may cần xây dựng các dự án hiệu quả, hướng tới nâng cao nhận thức, thay đổi quy trình sản xuất, triển khai giải pháp nhằm xanh hóa sản xuất, nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về môi trường; chuyển đổi quy trình, dây chuyền sản xuất áp dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo định hướng tăng trưởng xanh.