Hỗ trợ lao động, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất ở Bắc Giang, Bắc Ninh

NDO -

Chiều 27/7, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bắc Giang ký kết tín dụng với hai đơn vị trên địa bàn gói hỗ trợ cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19, cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 68 của Chính phủ. 

Lễ ký kết tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn theo tinh thần nghị quyết 68 của Chính phủ tại Ngân hàng chính sách tỉnh Bắc Giang
Lễ ký kết tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn theo tinh thần nghị quyết 68 của Chính phủ tại Ngân hàng chính sách tỉnh Bắc Giang

Tỉnh Bắc Giang được đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã tiếp nhận thông tin đăng ký và hồ sơ đề nhị vay vốn của 13 doanh nghiệp trên địa bàn để trả lương cho hơn 13 nghìn lao động với số tiền dự kiến vay đợt một là hơn 44 tỷ đồng.

Sau lễ ký kết Ngân hàng đã giải ngân cho bốn doanh nghiệp với số tiền trên 21 tỷ đồng để trả lương tháng 7 cho hơn 6 nghìn lao động. Ông Hà Quốc Quân, Phó Giám đốc Ngân hàng xã hội tỉnh Bắc Giang cho biết, nhờ làm tốt công tác xây dựng kế hoạch và các quy định liên quan một cách chi tiết, cụ thể cho nên cán bộ ngân hàng đã nhanh chóng nắm vững quy trình, thủ tục để thực hiện và hướng dẫn người sử dụng có thể nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ.

Hiện nay đa số hồ sơ đề nghị vay vốn đều đã được thẩm định và chờ giải ngân vào đầu tháng 8 vì đây là thời điểm người sử dụng lao động tiến hành trả lương hàng tháng cho người lao động.

Thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị trực tuyến đến cán bộ trong toàn chi nhánh triển khai, tập huấn nghiệp vụ cho vay đối với người sử dụng lao động. Ngân hàng cũng đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan để phối hợp triển khai đến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI.  

Đồng thời phối hợp với các liên quan làm tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách và giám sát quá trình triển khai thực hiện. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố  ban hành văn bản triển khai thực hiện chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất trên địa bàn.

Ông Lưu Tiến Chung, Phó tổng giám đốc công ty may Bắc Giang cho biết, do có những văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng đồng thời có hồ sơ đối chiếu từ các ngành liên quan như thuế, bảo hiểm xã hội cho nên đã giúp doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận được nguồn vỗn hỗ trợ của Chính phủ mà không gặp vướng mắc. Với Tổng công ty may Bắc Giang số vốn được vay ước trừng trên 13 tỷ đồng/tháng và được vay ba tháng liên tiếp không tính lãi, đây là nguồn lực đặc biệt quan trọng giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn do trước đó đã phải thu hẹp sản xuất bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19.

Ngày 17/7, tỉnh Bắc Giang cũng đã ban hành Quyết định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 với những tiêu chí được quy định rõ ràng, bảo đảm công khai, minh bạch và là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước triển khai sớm nội dung hỗ trợ này.

Theo đó người lao động không có hợp đồng lao động sẽ được hưởng mức hỗ trợ là 1.500.000 đồng/người. Người lao động gửi đơn đề nghị hỗ trợ đến UBND xã, phường, thị trấn theo biểu mẫu được hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu. Tiếp đó, các xã, phường, thị trấn lập danh sách trong 3 ngày; công khai người đủ điều kiện trong 2 ngày. 1 ngày sau, gửi về UBND các huyện, TP. Chậm nhất 2 ngày, các huyện, TP phê duyệt danh sách. Các xã, phường, thị trấn thực hiện chi trả hỗ trợ theo quyết định trong 3 ngày.

Như vậy, chỉ sau hơn 10 ngày, từ khi nhận đơn đề nghị, người lao động đủ điều kiện hỗ trợ sẽ được nhận tiền. Trong tất cả các công đoạn xét duyệt, danh sách đều được niêm yết công khai. Nếu trường hợp nào còn vướng mắc, không đủ điều kiện đều được thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do.

Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh Bắc Giang đang khẩn trương hoàn thiện các quy định, hướng dẫn đồng thời triển khai tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh quá trình thực hiện Chỉ thị 68 của Chính phủ. Hiện hầu hết các địa phương và các sở, ngành liên quan đều đã xây dựng và ban hành được văn bản thực hiện Chỉ thị ở những phần việc, lĩnh vực liên quan đến đơn vị mình. Bước đầu các chính sách hỗ trợ đã được thực thi hiệu quả như: Giảm đóng một số dịch vụ bảo hiểm đối với doanh nghiệp; hỗ trợ cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất;  hỗ trợ đối với lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác.

Hiện nay Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang cũng đã thông báo cho 3.695 đơn vị được giảm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho 211.565 lao động với số tiền giảm ước trên 62 tỷ đồng. Tại các địa phương đang khẩn trương triển khai tuyên truyền đến các đối tượng lao động tự do, không có hợp đồng lao động thực hiện làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ để ngồn vốn này có thể đến với người dân và doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất.

Bắc Ninh: Triển khai hỗ trợ cho vay trả lương phục hồi sản xuất 

Chiều 27/7, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Ninh tổ chức ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Tại buổi ký kết, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Ninh đã ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho Công ty Cổ phần may Đáp Cầu (thành phố Bắc Ninh) và Công ty TNHH Viet Pacific Clothing (thành phố Bắc Ninh).

Hỗ trợ lao động, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất ở Bắc Giang -0
Giải ngân hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn chính sách. 

Đây là 2 doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh và cũng là hai trong những doanh nghiệp đầu tiên của cả nước được vay vốn tín dụng chính sách để trả lương người lao động ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh do bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo đó, 2 doanh nghiệp được vay số vốn 16,135 tỷ đồng để trả lương phục hồi sản xuất cho 4.116 lao động với lãi suất 0%/năm, thời gian vay dưới 12 tháng. Trong đó Công ty TNHH Viet Pacific Clothing được vay số vốn hơn 9 tỷ đồng, trả lương cho hơn 2.300 lao động trong tháng 7/2021.

Công ty Cổ phần may Đáp Cầu được vay hơn 7 tỷ đồng, trả lương cho 1.800 lao động trong tháng 7/2021. Ngay sau lễ ký kết, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện giải ngân bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản của 2 doanh nghiệp, đồng thời, thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, theo dõi quá trình sử dụng vốn vay của doanh nghiệp.

Đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có 13 người chủ doanh nghiệp, người sử dung lao động có nhu cầu vay vốn đã làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với số tiền xin vay trên 63 tỷ đồng để trả lương ngừng việc, trả lượng phục hồi sản xuất. Trong đó có 5 người sử dụng lao động đã nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị vay vốn và có 2 doanh nghiệp đã được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phê duyệt cho vay.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn ghi nhận và biểu dương các ngành chức năng, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trong thời gian ngắn đã tích cực vào cuộc triển khai, thực hiện tốt chính sách của Nhà nước, kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.

Đồng thời khẳng định, việc giải ngân vốn vay cho người sử dụng lao động để  trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất là sự kiện có ý nghĩa, thể hiện hiệu ứng đầu tiên của 1 chính sách rất nhân văn của Chính phủ đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu các doanh nghiệp sau khi nhận tiền giải ngân phải sử dụng vốn đúng mục đích, kịp thời chi trả lương cho người lao động, phục hồi sản xuất kinh doanh, tránh bị đứt gãy chuỗi sản xuất và thực hiện trả nợ theo đúng định kỳ; tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các Sở ngành, cơ quan truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp tiếp cận chính sách; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp và người lao động sớm được vay vốn, giúp giải quyết khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.