Hàng loạt sai phạm tại dự án nhà ở Tân Thanh

Khu nhà ở Tân Thanh là một trong những dự án (DA) nhà ở thương mại đầu tiên được triển khai tại tỉnh Điện Biên, nhận được sự quan tâm chỉ đạo hết sức chặt chẽ của lãnh đạo tỉnh ngay từ khi đề xuất chủ trương đầu tư. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và thường xuyên tháo gỡ khó khăn, tuy nhiên, thay vì hoàn thành như cam kết, đến đầu tháng 5, DA vẫn bộc lộ hàng loạt vướng mắc về thủ tục, tiến độ ì ạch và nhất là sai phạm nghiêm trọng trong huy động vốn,…

Dự án khu nhà ở Tân Thanh (TP Điện Biên Phủ) sau nhiều năm triển khai vẫn chưa hoàn thành và có nhiều dấu hiệu sai phạm trong huy động vốn.
Dự án khu nhà ở Tân Thanh (TP Điện Biên Phủ) sau nhiều năm triển khai vẫn chưa hoàn thành và có nhiều dấu hiệu sai phạm trong huy động vốn.

Tiến độ chậm, gọi vốn nhanh

Dự án khu nhà ở Tân Thanh do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và công nghệ môi trường tỉnh Điện Biên đề xuất đầu tư, được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư ngày 17-10-2013 bằng Quyết định số 826/QĐ-UBND. Đến ngày 10-5-2016, DA được UBND tỉnh Điện Biên điều chỉnh chủ trương đầu tư. DA triển khai theo hình thức đầu tư trực tiếp, tổng diện tích sử dụng đất hơn 49 nghìn m2, xây dựng mới đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình kiến trúc đáp ứng quy mô số dân hơn 800 người. Trong đó, hệ thống công trình kiến trúc có mục đích khai thác thương mại, gồm 32 lô đất ở tái định cư, 132 lô nhà ở liền kề, 19 lô biệt thự nhà vườn loại 200 m2 và 16 lô biệt thự nhà vườn loại 150 m2,... DA được chia thành hai giai đoạn, giai đoạn 1 bắt đầu từ khi được chấp thuận đến năm 2018, chủ đầu tư (CĐT) phải hoàn thành xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật; giai đoạn 2 từ năm 2018 đến quý II-2020, hoàn thành đầu tư xây dựng công trình kiến trúc. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, DA mới cơ bản hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 (chậm 24 tháng); phần hạ tầng kiến trúc thuộc giai đoạn 2 chưa được triển khai.

Theo Quyết định số 826/QĐ-UBND ngày 17-10-2013 của UBND tỉnh Điện Biên, sau khi được đối trừ các chi phí đầu tư hạ tầng và bố trí tái định cư, CĐT phải nộp tiền sử dụng đất của DA vào ngân sách nhà nước thành hai lần và thực hiện theo cơ chế, chính sách thu hồi đất, giao đất, nộp tiền sử dụng đất được UBND tỉnh phê duyệt. Thời điểm DA được chấp thuận (năm 2013), cơ quan chức năng tạm tính giá trị tiền sử dụng đất mà CĐT phải nộp là hơn 4,52 tỷ đồng nhưng mãi đến năm 2017, khi Chi cục Thuế TP Điện Biên Phủ phải ra thông báo thì CĐT mới nộp vào ngân sách hơn 2,67 tỷ đồng.

Trái ngược với tiến độ triển khai DA, ngược với tiến độ thực hiện nghĩa vụ tài chính, tiến độ huy động vốn được CĐT tiến hành rất… khẩn trương. Tại thời điểm tháng 12-2020, CĐT đã huy động vốn được hơn 251,3 tỷ đồng (chiếm hơn 72% tổng vốn đầu tư toàn DA) của các tổ chức, cá nhân thông qua hình thức ký các hợp đồng tín dụng, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh và thậm chí CĐT sử dụng diện tích được giao thực hiện DA làm tài sản tham gia góp vốn, bảo đảm thế chấp trong các hợp đồng ký kết với đối tác khác.

Trong quá trình huy động vốn, CĐT còn ủy quyền cho Công ty cổ phần Đầu tư thương mại, dịch vụ tài nguyên huy động vốn cho DA; để đơn vị này được ủy quyền ký các hợp đồng hợp tác đầu tư với khách hàng cá nhân, là vi phạm quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.

Chưa được cấp phép xây dựng

Mới đây đoàn thanh tra thuộc Thanh tra tỉnh Điện Biên đã phát hiện nhiều vi phạm tại DA này, ở các khâu: lập, thẩm định chấp thuận đầu tư DA; lập, thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư DA,…; việc xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép xây dựng đối với DA của cơ quan chức năng cũng không đúng quy định. Đến nay, mặc dù đã hết hạn thực hiện, DA vẫn chưa được cấp giấy phép xây dựng. Chỉ rõ những khiếm khuyết trong khâu lập DA của CĐT, cụ thể là hồ sơ thiết kế có nhiều thiếu sót, đoàn thanh tra nêu rõ, DA không có thiết kế và thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy; không có bản vẽ thiết kế cơ sở đối với công trình nhà ở, công cộng và thương mại theo nội dung đầu tư của DA; thiết kế bản vẽ san nền, cốt san nền nhiều vị trí không hợp lý, không phù hợp quy hoạch tổng mặt bằng DA,… Điều đáng nói là, khi CĐT trình, các cơ quan chức năng của tỉnh vẫn thẩm định, xem xét đánh giá. Khâu thẩm định, xác định điều kiện, năng lực của CĐT về nguồn vốn chủ sở hữu, vốn pháp định cũng chưa thực hiện đầy đủ, chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng theo quy định tại Nghị định 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị định 153/2007/NĐ-CP ngày 15-10-2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản. Việc tiếp nhận, thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên; việc xác định DA thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên cũng không đúng quy định cho nên mặc dù đã khởi công nhiều năm, DA vẫn chưa được cấp phép xây dựng. Khâu thẩm định, chấp thuận một số nội dung chi phí không có căn cứ xác định giá trị, khiến chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư DA tăng so với phương án được duyệt lên đến hơn 16,9 tỷ đồng; chi phí vận chuyển đổ thải đất đá được chấp thuận một cách thiếu căn cứ với giá trị gần 37 tỷ đồng,...

Cùng với việc chỉ rõ khiếm khuyết, sai phạm tại DA khu nhà ở Tân Thanh, Thanh tra tỉnh Điện Biên làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan từ phía CĐT và các sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng và UBND thành phố Điện Biên Phủ. Công tác phối hợp tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các sở, ngành và UBND thành phố Điện Biên Phủ chưa chặt chẽ, quyết liệt; một số nội dung chưa được xem xét, đánh giá đầy đủ, toàn diện theo quy định của pháp luật và còn có biểu hiện buông lỏng quản lý, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Để chấn chỉnh, xử lý kịp thời các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm tại DA khu nhà ở Tân Thanh, UBND tỉnh Điện Biên cần vào cuộc chỉ đạo, làm rõ việc có hay không sự xuê xoa, ưu ái cho CĐT, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc buông lỏng quản lý, dễ dãi để DA xảy ra vi phạm trong một thời gian dài. Một dự án lớn, phù hợp chủ trương đầu tư đưa TP Điện Biên Phủ trở thành đô thị du lịch, trước hết là nâng cấp thành đô thị loại II, nhưng lại triển khai một cách tùy tiện, bê trễ, bất chấp quy định của Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản và các quy định của pháp luật là điều không thể chấp nhận được!