Hàng hóa dồi dào, người dân không nên mua tích trữ

NDO -

Trước những diễn biến mới của dịch Covid-19, các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trên địa bàn Hà Nội đang tăng mức dự trữ gấp từ ba đến năm lần so với bình thường, nhất là với các mặt hàng thiết yếu, để đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện nguồn cung hàng hóa tại Hà Nội rất dồi dào, người dân không cần phải mua sắm tích trữ.

Người dân mua sắm hàng hóa tại siêu thị Hapro Mart Thành Công chiều 18-7.
Người dân mua sắm hàng hóa tại siêu thị Hapro Mart Thành Công chiều 18-7.

Nguồn cung dồi dào

Chiều 18/7, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện thành phố đã chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu tăng gấp ba lần so với các tháng bình thường. Tổng trị giá hàng hóa dự trữ trong ba tháng khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) khoảng 21.500 tỷ đồng.

Tất cả các quận, huyện, thị xã đã có kế hoạch bảo đảm nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân; bố trí 1.920 địa điểm sẵn sàng trưng dụng làm kho dự trữ và điểm bán hàng lưu động, 236 xe ô tô sẵn sàng vận chuyển hàng hóa.

Các đơn vị được giao nhiệm vụ dự trữ hàng hóa như hệ thống BRGmart, Big C, Vinmart, Saigon Co.op… đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng gấp hai, gấp ba lần so với  bình thường và tăng cường sản xuất, khai thác, dự trữ hàng hoá tại các kho hàng của doanh nghiệp. Đồng thời, đặt hàng với nhà cung cấp bảo đảm lượng hàng hóa được giao sẵn sàng phục vụ nhân dân khi cần thiết.

Giám đốc miền bắc hệ thống siêu thị Vinmart Khúc Tiến Hà cho biết, tại Hà Nội, Vinmart có 800 điểm bán hàng và 51 siêu thị lớn. Trước tình hình dịch Covid-19 lan rộng, đơn vị đã tăng dự trữ hàng hóa gấp ba lần, riêng các loại rau xanh như bí xanh, khoai tây... và trứng tăng gấp năm lần. Một nửa lượng hàng hóa này hiện đã về kho tại huyện Thanh Trì và Đông Anh.

Đồng thời, đơn vị cũng làm việc với các nhà cung cấp lớn như Masan, MeatDeli... , và trữ kho bảo đảm "ba tại chỗ" để không bị trống kệ hàng. “Phía siêu thị luôn bảo đảm đủ hàng hóa thiết yếu cung cấp liên tục cho người dân từ 9 ngày đến 15 ngày tùy từng mặt hàng. Riêng mặt hàng như mỳ tôm, nước mắm,… do doanh nghiệp làm việc với đối tác sản xuất nên hàng hóa luôn đủ cung cấp đến 45 ngày liên tục”, ông Khúc Tiến Hà nhấn mạnh.

Tổng Giám đốc Công ty BRG Retail Nguyễn Thái Dũng cho biết, doanh nghiệp đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng dự trữ hàng hóa tại từng điểm bán lên khoảng 300% và tăng gấp 10 lần tại kho hàng trung tâm. Trong đó, tập trung chủ yếu vào nhóm 13 mặt hàng thiết yếu cần bình ổn giá bao gồm: Gạo, thịt gà, trứng gà, thực phẩm chế biến, đồ hộp, thủy hải sản đông lạnh, bún, mỳ, phở ăn liền, dầu ăn, gia vị, rau củ quả…

Hàng hóa dồi dào, người dân không nên mua tích trữ -0
Người dân mua sắm hàng hóa tại siêu thị Hapro Mart Thành Công chiều 18-7.

Bảo đảm lưu thông hàng hóa

Bên cạnh việc chuẩn bị nguồn hàng, công tác vận chuyển, lưu thông, phân phối cũng đang được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đã đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép 132 xe ô-tô, xe chở xăng dầu của 20 doanh nghiệp được hoạt động 24/7, nhằm cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu nhân dân, bình ổn thị trường.

Đồng thời, phối hợp Sở Giao thông vận tải, Công an TP Hà Nội tạo điều kiện cho 495 xe ô-tô chở hàng hóa, nông sản, nguyên vật liệu của tỉnh Bắc Giang (đã bảo đảm các quy định phòng chống dịch về người, phương tiện, hàng hóa) được phép lưu thông trên địa bàn Hà Nội, qua các chốt, trạm kiểm dịch theo quy định để kịp thời cung cấp hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, để chủ động trong mọi tình huống, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các hệ thống phân phối chủ động hơn nữa, nắm sát tình hình chống dịch của thành phố để chủ động nguồn cung, phục vụ nhu cầu, không để đứt gãy, thiếu hàng cho người dân.

Đối với lưu thông liên tỉnh, Bộ Giao thông vận tải đã có giấy phép luồng xanh, những doanh nghiệp nào có xe lưu thông cần cấp luồng xanh, đề nghị gửi cho Sở Công thương trình thành phố giao Sở Giao thông vận tải làm đầu mối việc này để việc vận chuyển liên tỉnh được nhanh nhất. Chậm nhất trong sáng 19-7, doanh nghiệp phân phối phải gửi danh sách này về Sở.

“Với mức chủ động nguồn hàng hiện nay thì dù sức mua tăng nóng trong một vài ngày, thành phố vẫn bảo đảm cung ứng hàng hóa dồi dào, ít nhất phải được từ 7 đến 9 ngày. Cho nên, người dân hoàn toàn có thể yên tâm, tránh tâm lý hoang mang, lo lắng, mua tích trữ quá nhiều gây khan hàng, sốt giá cục bộ, tạo cơ hội cho nhiều đối tượng xấu trục lợi”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.