Hà Nội mở rộng điểm quảng bá sản phẩm OCOP về khu vực ngoại thành

NDO -

Ngày 24/11, Sở Công thương Hà Nội phối hợp UBND các huyện Thường Tín, Phú Xuyên khai trương các điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn.

Cắt băng khai trương Điểm Giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Thường Tín, Hà Nội.
Cắt băng khai trương Điểm Giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Thường Tín, Hà Nội.

Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Thường Tín đặt tại chợ Vồi, xã Hà Hồi, giới thiệu các sản phẩm OCOP của huyện và các tỉnh, thành phố trong cả nước như rau củ các loại của Hợp tác xã Hà Hồi, các sản phẩm gạo, trà, miến, mộc nhĩ… Điểm giới thiệu này nằm trong quần thể Khu trưng bày, bán sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm làng nghề của huyện Thường Tín, góp phần hình thành địa điểm tin cậy để quảng bá các sản phẩm chất lượng của huyện đến các đơn vị thu mua, người tiêu dùng.

Hà Nội mở rộng điểm quảng bá sản phẩm OCOP về khu vực ngoại thành -0

Người tiêu dùng lựa chọn các loại rau được công nhận là sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Rau an toàn xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết, huyện đã có 103 sản phẩm được thành phố đánh giá, công nhận phân hạng sản phẩm OCOP. Việc khảo sát, lựa chọn và khai trương điểm giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp an toàn là khâu then chốt trong việc mang lại động lực và quyết tâm giữ vững chất lượng của các chủ thể OCOP. Song song với việc thực hiện Chương trình OCOP, huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, tiếp tục đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất và tiêu thụ. Đồng thời, quan tâm tới hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là thương mại điện tử nhằm góp phần tuyên truyền, quảng bá và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Tại huyện Phú Xuyên, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP được đặt tại Công ty TNHH may mặc Hùng Luyến, gắn với du lịch làng nghề may comple truyền thống xã Vân Từ, góp phần quảng bá đến người tiêu dùng, khách du lịch trong và ngoài nước đến với làng nghề truyền thống, thúc đẩy phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế của địa phương.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đề nghị, các huyện Thường Tín, Phú Xuyên tiếp tục quan tâm, phát triển thêm các điểm OCOP. Đồng thời, giao nhiệm vụ các đơn vị vận hành điểm OCOP đẩy mạnh kết nối sản phẩm OCOP của các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước để Chương trình OCOP được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng. Qua đó ưu tiên lựa chọn, tiêu dùng sản phẩm OCOP, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Đến nay, Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP với hơn 1.054 sản phẩm. Thành phố phấn đấu đến hết năm 2021 sẽ có khoảng 2 nghìn sản phẩm được đánh giá và phân hạng. UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp địa phương rà soát, lựa chọn, đưa vào vận hành các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Đến nay đã phát triển được 35 điểm, phấn đấu trong những tháng cuối năm, mỗi quận, huyện, thị xã vận hành thêm được tối thiểu một điểm OCOP để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của địa phương và TP Hà Nội.