Hà Nội khẳng định vị thế đầu tàu kinh tế

Phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thủ đô Hà Nội. Thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua, thành phố đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh, đưa Thủ đô trở thành một trung tâm kinh tế năng động, có tốc độ tăng trưởng nhanh, đóng góp đáng kể cho ngân sách đất nước. Thành phố khẳng định vị thế của một đầu tàu kinh tế, tạo động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng.

Thành phố Hà Nội được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tạo diện mạo đô thị hiện đại, văn minh. Ảnh: DUY LINH
Thành phố Hà Nội được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tạo diện mạo đô thị hiện đại, văn minh. Ảnh: DUY LINH

Trung tâm kinh tế năng động

Những người đi xa có dịp trở về Hà Nội trong những ngày gần đây đều ngỡ ngàng trước những đổi thay nhanh chóng của Thủ đô. Những tuyến đường cao tốc nối Hà Nội với các tỉnh, thành phố, đường vành đai, cầu bắc qua sông Hồng, những công trình lớn… được xây dựng, tạo diện mạo khang trang. Không chỉ ở khu vực nội thành, bộ mặt vùng nông thôn rộng lớn cũng có nhiều đổi thay rõ nét. Dù còn một số vấn đề trong công tác quản lý đô thị, nhưng không thể phủ nhận kinh tế Thủ đô phát triển đã giúp đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao cả về vật chất và tinh thần.

Nằm giữa trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, điều kiện tự nhiên và giao thông thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, Thủ đô Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, mà còn có vai trò là một trong hai đầu tàu kinh tế của đất nước, động lực phát triển của Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng. Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, để thực hiện nhiệm vụ này, thành phố đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng hiện đại, phù hợp với định hướng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bằng việc tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ - thương mại, công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp trong tổng sản phẩm khu vực (GRDP). Trong đó, chọn lĩnh vực du lịch để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ba năm qua, thành phố đã tập trung đổi mới công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư và phát triển thị trường du lịch, triển khai chương trình hợp tác chiến lược với mạng tin tức truyền hình cáp CNN, thu hút nhiều nguồn lực xã hội đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng, sản phẩm du lịch. Nhờ những nỗ lực lớn đó, ngành du lịch đạt mức tăng trưởng nhanh nhất trong số các ngành kinh tế, doanh thu bình quân tăng 12,1%/năm.

Trong lĩnh vực công nghiệp (CN), Hà Nội tập trung phát triển các sản phẩm CN chế biến, chế tạo, CN công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn. Trước yêu cầu về cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh, từ năm 2016, thành phố đẩy mạnh phát triển CN công nghệ thông tin (CNTT) bằng việc xây dựng các khu CNTT tập trung và phát triển các sản phẩm phần mềm, nội dung số, dịch vụ CNTT. Cho đến nay, thành phố đã hình thành bốn khu CNTT tập trung, hơn 11.200 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này, tăng 51% so với năm 2015, đạt tổng doanh thu 10,1 tỷ USD, tạo việc làm cho 185 nghìn lao động. Bên cạnh đó, hai năm nay, Hà Nội bắt đầu phát triển ngành CN văn hóa - một ngành kinh tế mới nhằm khai thác lợi thế của "Thủ đô di sản" với hàng loạt các di tích, làng nghề, lễ hội độc đáo, tạo các không gian văn hóa, sáng tạo. Năm 2018, giá trị gia tăng của ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí của Hà Nội đạt khoảng 196,5 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt 192 triệu USD, giá trị kinh tế tuy chưa cao, nhưng là hướng đi mới nhiều triển vọng, là nền tảng quan trọng để Hà Nội đạt tiêu chuẩn tham gia mạng lưới "Thành phố sáng tạo" trên thế giới.

Huy động nguồn lực để phát triển

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung cho biết, với mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô trở thành một đô thị hiện đại, xứng tầm là một trong những trung tâm lớn của khu vực, có tăng trưởng GRDP bình quân đạt từ 8,5 đến 9%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 6.700 đến 6.800 USD/năm, thành phố cần tổng vốn đầu tư xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020 ước tính từ 2,5 triệu tỷ đến 2,6 triệu tỷ đồng. Trong đó, 20% sử dụng vốn ngân sách cho các dự án hạ tầng kỹ thuật khung, những dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội có tính chất lan tỏa, 80% vốn đầu tư còn lại được kêu gọi từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Vì vậy, trong ba năm gần đây, thành phố xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ để huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, giảm nguồn chi ngân sách, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, đưa Hà Nội trở thành điểm đến an toàn, thân thiện và hiệu quả đối với các nhà đầu tư. Dựa trên nền tảng CNTT, thành phố tạo chuyển biến căn bản về xây dựng chính quyền điện tử để giảm thời gian và chi phí cho DN. Ðến nay các dịch vụ công liên quan trực tiếp đến DN như: đăng ký thành lập DN, kê khai và nộp thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… đều có thể thực hiện trên môi trường mạng. Thành phố chỉ đạo các sở, ngành cắt giảm, phối hợp liên thông các thủ tục hành chính (TTHC), nhờ đó, thời gian giải quyết TTHC trong đăng ký kinh doanh giảm 30%, trong lĩnh vực đầu tư giảm 60%, lĩnh vực quy hoạch, đất đai giảm từ 30 đến 50%...

Hà Nội khẳng định vị thế đầu tàu kinh tế ảnh 1

Các bạn trẻ làm việc tại Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới, sáng tạo Hà Nội. Ảnh: MY VŨ

Những chuyển biến tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư của Hà Nội được cộng đồng DN đánh giá cao. Năm 2018, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội đã tăng 15 bậc, vươn lên vị trí thứ chín, nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Ðại diện Công ty Việt Nam Grand Prix ghi nhận: "DN chúng tôi được thành lập vào tháng 11-2018 để đầu tư xây dựng, tổ chức giải đua xe công thức 1 (F1). Quá trình thành lập DN và giải phóng mặt bằng thi công công trình được chính quyền TP Hà Nội và quận Nam Từ Liêm tiến hành rất khẩn trương. Ðến tháng 3-2019, chúng tôi đã nhận được mặt bằng sạch để thi công, kịp thời tổ chức giải đua xe đầu tiên vào đầu tháng 4-2020". Môi trường đầu tư thuận lợi giúp số lượng DN thành lập từ năm 2016 đến nay lên đến gần 93 nghìn DN, với số vốn đăng ký 280.100 tỷ đồng, gấp 1,17 lần so với giai đoạn 2011-2015. Tổng vốn đầu tư xã hội tăng trưởng đều qua các năm, trung bình tăng hơn 10%/năm, năm 2018 đạt hơn 340 tỷ đồng. Trong đó, tỷ trọng vốn đầu tư khu vực nhà nước giảm dần, năm 2017 chiếm 39,3% tổng vốn đầu tư; đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước tăng tương ứng, đạt 51,1%. Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách của các DN trong nước đạt 621,038 nghìn tỷ đồng. Ðáng mừng nhất là thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của thành phố đạt 20,28 tỷ USD, gấp 3,24 lần so giai đoạn 2011-2015, đưa Hà Nội liên tục dẫn đầu cả nước về lĩnh vực này. Nổi bật trong số các dự án đầu tư ngoài ngân sách là Dự án Thành phố thông minh trên diện tích rộng 272 ha, tổng vốn đầu tư trị giá hơn 4,1 tỷ USD của liên danh Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Su-mi-tô-mô (Nhật Bản); dự án xây dựng tuyến đường vành đai 2 (gồm đoạn trên cao từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở và đoạn dưới thấp từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng) trị giá 9.500 tỷ đồng của Tập đoàn Vingroup...

Kinh tế tăng trưởng nhanh, nguồn lực đầu tư dồi dào đã tác động tích cực đến đời sống người dân Thủ đô cả về vật chất và tinh thần. Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết, tăng trưởng kinh tế bình quân của Thủ đô giai đoạn 2016 - 2018 đạt 7,2%/năm. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, GRDP năm 2018 đạt 920.270 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 117,2 triệu đồng, tương đương 5.134 USD. Nhờ đó, nhiều công trình phúc lợi xã hội được đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Cho đến nay, 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đã được đầu tư đạt chuẩn quốc gia về y tế, số trường học đạt chuẩn quốc gia và số xã đạt tiêu chí nông thôn mới đều vượt chỉ tiêu đặt ra, về đích sớm hai năm so với mục tiêu của cả nhiệm kỳ.

Không chỉ đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân Thủ đô, Hà Nội còn phát huy tốt vai trò dẫn dắt các tỉnh, thành phố khu vực miền bắc, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng. Thành phố đã tích cực tham gia, phối hợp trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội với các địa phương, tăng cường liên kết trên nhiều lĩnh vực, trong đó liên kết trên lĩnh vực thương mại và du lịch đạt kết quả rõ nét nhất. Năm 2018, tại hội nghị "Hà Nội hợp tác đầu tư và phát triển" với chủ đề "Ðẩy mạnh hợp tác liên kết phát triển vùng", Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong hai vùng kinh tế, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã ký kết 24 biên bản ghi nhớ hợp tác với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 70 nghìn tỷ đồng, để cùng nhau giải quyết các vấn đề lớn của vùng.

65 năm sau ngày giải phóng Thủ đô, kinh tế Hà Nội có bước phát triển toàn diện, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như kinh tế tri thức và ứng dụng công nghệ cao (CNC) chưa phát triển mạnh. Chất lượng tăng trưởng, một số chỉ tiêu thành phần năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội ngành còn chậm so với yêu cầu… Lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, nhận rõ các mặt hạn chế này, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ huy động tối đa các nguồn lực để phát triển không gian kinh tế tại khu vực Hà Nội mở rộng, trước mắt sẽ tập trung hoàn thành ba khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sóc Sơn, Phú Xuyên, đầu tư mới các khu, cụm CN theo quy hoạch và lấp đầy 50% các khu mới xây dựng. Thu hút đầu tư và đưa Khu CNC Hòa Lạc vào hoạt động hết công năng. Cùng với đó, thành phố tập trung phát triển theo chiều sâu, hiện đại hóa các ngành kinh tế với mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng của nền kinh tế. Từ đó, phát huy ngày càng tốt hơn vị thế của một đầu tàu kinh tế của đất nước, tạo động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng.