Hà Nội bảo đảm cung cầu hàng hóa và phòng, chống dịch dịp cuối năm

NDO -

Dự kiến nhu cầu tiêu dùng hàng hóa trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần sẽ tăng cao, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Công thương Hà Nội bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán, gắn với các biện pháp kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Gian hàng bày bán sản phẩm OCOP Hà Nội được người tiêu dùng Thủ đô quan tâm mua sắm (Ảnh: PHÚC LÂM)
Gian hàng bày bán sản phẩm OCOP Hà Nội được người tiêu dùng Thủ đô quan tâm mua sắm (Ảnh: PHÚC LÂM)

Ngày 3/12, UBND thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 4324/UBND-KT về việc bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dân năm 2022, gắn với các biện pháp kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Cụ thể, thành phố chỉ đạo Sở Công thương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do nhu cầu đột biến (thịt lợn, thịt gà, thịt bò…), kịp thời báo cáo UBND thành phố có biện pháp cụ thể bảo đảm lượng hàng.

Tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng theo các hình thức phù hợp, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn hàng hóa ổn định đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, đặc biệt bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho địa bàn, khu vực phải thực hiện biện pháp y tế phòng, chống dịch…

Theo Sở Công thương Hà Nội, dự kiến lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết năm nay gồm: 278.910 tấn gạo, 57.780 tấn thịt lợn hơi, 18.594 tấn thịt gà, 16.050 tấn thịt bò, 372.000 quả trứng gia cầm, 309.900 tấn rau củ, 57.750 tấn thủy sản, 15.495 tấn thực phẩm chế biến, 156.000 tấn trái cây, 1.500 tấn bánh mứt kẹo... Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết 2021 trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.000 tỷ đồng.

Hoạt động phân phối hàng hóa được phát triển rộng khắp với nhiều hình thức, không chỉ qua kênh bán hàng truyền thống mà còn được tổ chức qua các kênh trực tuyến như website, đường dây nóng, ứng dụng trên thiết bị di động… Dự tính có khoảng 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng theo hình thức này. Trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, thành phố Hà Nội chuẩn bị 2.500 điểm sẵn sàng bố trí làm kho và nơi bán hàng lưu động; chuyển các điểm bán mặt hàng không thiết yếu (cửa hàng, nhà hàng) sang bán hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong sản xuất, kinh doanh, giao nhận, vận chuyển hàng hóa, Sở Công thương đã hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm an toàn sản xuất; hướng dẫn quy trình vận chuyển, giao nhận hàng hóa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; quy trình đóng cửa, ngừng hoạt động và mở cửa trở lại đối với các điểm bán hàng khi xuất hiện trường hợp F0.

Sở Công thương Hà Nội đề nghị người dân cần tự giác tuân thủ nghiêm nguyên tắc “5K”, khai báo bằng mã QR khi đến các điểm mua sắm, luôn nâng cao ý thức cảnh giác phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ bản thân và cộng đồng.