Gỡ khó cho doanh nghiệp cơ khí

NDO -

Những hạn chế đã tồn tại nhiều năm chưa giải quyết triệt để, cộng với những thách thức mới phát sinh do dịch Covid-19 đã và đang khiến các doanh nghiệp ngành cơ khí gặp rất nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp cơ khí trong nước gặp nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp cơ khí trong nước gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn hiện hữu

Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành cơ khí nói riêng.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, Phó giám đốc Công ty Cơ khí SKD Việt Nam cho hay, đơn hàng xuất khẩu ra nước ngoài đang gặp khó, chi phí vận tải tăng cao do thiếu nguồn container. Ở trong nước, các đối tác tại các địa phương sản xuất cầm chừng do dịch bệnh bùng phát khiến cho đơn hàng của doanh nghiệp giảm nhiều so với năm trước. Chưa kể, việc thiếu hụt nhiều nguyên liệu sản xuất cũng khiến doanh nghiệp gặp khó.

Tình trạng của Công ty Cơ khí SKD cũng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp cơ khí hiện nay. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp ngành cơ khí đang lâm vào tình cảnh khó khăn. Đơn hàng cho các doanh nghiệp bị giảm, việc mua bán vật tư thiết bị bị kéo dài thời gian. Chưa kể, cước vận chuyển đã tăng khoảng trên 30%, gây áp lực lớn lên chi phí sản xuất. Với các sản phẩm xuất khẩu, thủ tục xuất cảnh cho các chuyên gia đi lắp đặt, bàn giao sản phẩm mất nhiều thời thời gian, tốn thêm kinh phí… Trong khi đó, một số chính sách hỗ trợ đã ban hành của Chính phủ do nhiều lý do mà các doanh nghiệp rất khó khăn khi tiếp cận.

Theo Bộ Công thương, Việt Nam đang có khoảng 25 nghìn doanh nghiệp cơ khí, chiếm 30% số doanh nghiệp chế biến chế tạo. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành này chủ yếu quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp và khó cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu. Do đó, thị phần cơ khí ở thị trường trong nước phần lớn vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.

Về phía cơ chế chính sách, ông Đào Phan Long, Chủ tịch VAMI cho rằng, tại thị trường trong nước, doanh nghiệp cơ khí cũng không có được nhiều thị phần, phải tự vận động, phát triển mà chưa nhận được sự hỗ trợ hữu hiệu từ hệ thống chính sách của Nhà nước để có nhiều đơn hàng từ đầu tư công như các nước khác. Dẫn đến các doanh nghiệp cơ khí vốn đã thiếu đơn hàng lại còn bị thua thiệt ngay trên sân nhà. Có rất nhiều dự án lớn về xây dựng, giao thông, các công trình thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ô-tô, xe máy… vẫn chủ yếu sử dụng sản phẩm cơ khí nhập ngoại hoặc do các doanh nghiệp FDI đảm nhiệm. Những ràng buộc trong cơ chế đấu thầu khiến cho nhiều doanh nghiệp cơ khí Việt Nam không thể tham gia được vào các dự án, công trình trong nước và thua thiệt ngay trên sân nhà.

Thay đổi hoặc bị đào thải

Trong bối cảnh khó khăn chung, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong ngành cơ khí đã thay đổi kế hoạch và chiến lược kinh doanh để có thể tồn tại và phát triển. Nếu như trước đây, việc chuyển giao công nghệ thường sẽ do nước ngoài làm, nhưng thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng hết các điều kiện năng lực hiện có, tái cấu trúc, thay đổi quy trình cốt lõi, sử dụng máy móc trang thiết bị nội địa để có thể chủ động hơn trong sản xuất.

Trước những khó khăn thực tại của ngành cơ khí, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp nhất thiết phải có “lực đẩy” của Nhà nước thông qua hệ thống chính sách đồng bộ và ổn định để doanh nghiệp cơ khí phát triển bền vững. VAMI cũng đã có những kiến nghị lên Chính phủ nhằm có những chính sách phù hợp thúc đẩy ngành cơ khí trong thời gian tới.

Theo đó, cần có các chính sách khuyến khích sản xuất một số nguyên vật liệu cho ngành cơ khí chế tạo mà Việt Nam đang phụ thuộc nước ngoài. Bên cạnh đó, tạo đơn hàng từ các dự án trong nước như các dự án cần bóc tách phần trong nước có thể thực hiện để đấu thầu trong nước. Tiếp tục hỗ trợ thuế trước bạ để phát triển công nghiệp ô tô cũng như công nghiệp phụ trợ. Đồng thời trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh, cần giảm các điều kiện đã ban hành để các gói hỗ trợ có thể đến được tay doanh nghiệp và phát huy hiệu quả; giãn thuế, giảm thuế, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu; có chính sách hỗ trợ việc nội địa hóa đặc biệt trong Luật Đấu thầu; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có được đất đai xây dựng nhà máy...

Ông Đào Phan Long cho rằng, Việt Nam cũng dự kiến triển khai nhiều dự án quan trọng có tổng mức đầu tư lớn như Quy hoạch điện giai đoạn 2021-2030, đường sắt tốc độ cao, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường sắt nội đô, các công trình giao thông, thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ô-tô, xe máy… Do đó, cần có quy định chặt chẽ tỷ lệ hợp lý trong khối lượng và giá trị dự án để bảo đảm dành cho doanh nghiệp cơ khí nội địa tham gia như thông lệ quốc tế. Điều này vừa tạo thị trường, vừa giúp nâng cao năng lực và sự liên kết của các doanh nghiệp trong nước.

Theo Bộ Công thương, để nỗ lực vượt qua gia đoạn khó khăn này, doanh nghiệp ngành cơ khí cần xác định nhu cầu thị trường, chỉ rõ những khoảng trống để phát triển, những lĩnh vực mà ngành có thể cạnh tranh được. Đặc biệt, việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ giúp doanh nghiệp trong nước có ưu thế hơn khi xuất khẩu tới các thị trường, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Song để tận dụng cơ hội này, các doanh nghiệp cần có kế hoạch chi tiết liên kết trong sản xuất và cung ứng trang thiết bị máy móc do chính doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, hình thành các cụm liên kết doanh nghiệp để đầu tư mở rộng sản xuất đáp ứng yêu cầu mới.

Bộ Công thương cũng gợi mở, hiện nay ngành cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở ba phân ngành gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng và dụng cụ, ô-tô và phụ tùng ô-tô. Đây là những phân ngành chủ yếu hướng tới xuất khẩu hoặc phục vụ doanh nghiệp FDI với vai trò của công nghiệp hỗ trợ, tức là tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Số liệu thống kê cho thấy, ba phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước. Đây là mảng thị trường doanh nghiệp cần tập trung hướng tới.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác. Việc này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ khí có dư địa để phát triển.