Giải pháp cơ bản, toàn diện xử lý vấn đề sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long

Hiện nay, một mối quan ngại lớn của nhân dân ta liên quan cuộc sống trực tiếp của 20 triệu người và sự sống còn của quốc gia là vấn đề sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL).

Một điểm sạt lở bờ sông tại huyện Mang Thít (Vĩnh Long).      Ảnh: TRUNG KIÊN
Một điểm sạt lở bờ sông tại huyện Mang Thít (Vĩnh Long).      Ảnh: TRUNG KIÊN

Xác định đúng nguyên nhân

Về thực trạng, sạt lở ở ÐBSCL đang rất nghiêm trọng, gia tăng về phạm vi và cường độ từng ngày. Thậm chí, theo đánh giá của giới chuyên gia, đây là diễn biến báo hiệu quá trình tan rã của đồng bằng do thiếu hụt lượng lớn phù sa bồi đắp hằng năm và sự gia tăng mực nước biển, xâm thực mặn. Mặc dù thời gian qua các ngành, các cấp và các địa phương đã có nhiều nỗ lực để khắc phục, nhưng do quy mô và tính cấp bách của vấn đề, chính phủ cần có chủ trương toàn diện và hành động cụ thể, khẩn trương và tích cực hơn.

Trước hết, để xác định nguyên nhân của tình trạng sạt lở cần có cái nhìn bao quát và đa chiều, nhận diện đầy đủ và đánh giá đúng những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp. Một số báo cáo nghiên cứu có nhận định chung là sạt lở bờ biển và ven sông là hệ quả của nhiều tác động khác nhau, cả từ yếu tố tự nhiên cho đến tác động của con người.

Về yếu tố địa chất - địa mạo, các nhà khoa học nhận định, ÐBSCL là một đồng bằng phù sa non trẻ trên nền địa chất yếu, không ổn định. Vì vậy, khả năng tan rã tự nhiên của tầng đất mặt ở ÐBSCL rất cao, độ cố kết và đàn hồi chịu đựng trước tác động của dòng chảy là hạn chế.

Vấn đề biến đổi khí hậu, thay đổi môi trường, nước biển dâng đã có tác động mạnh đến bờ biển và vùng chung quanh, gây ra sạt lở các vùng bờ biển và bờ sông.

Về yếu tố nguồn nước sông Mê Công, các cơ quan chức năng chuyên môn đánh giá, ngoài vĩệc chuyển tải một lượng nước lớn, sông Mê Công còn mang theo một lượng lớn phù sa, bùn cát từ thượng nguồn dòng chính và dòng nhánh về hạ lưu. Việc khai thác nguồn nước và khai thác cát quá mức, việc xây dựng các đập thủy điện và các công trình trên sông Mê Công, đã tác động nhiều mặt đến dòng sông, gây sạt lở cũng như các hệ quả khác, nhất là đối với vùng hạ lưu cuối nguồn là ÐBSCL.

Các đập thủy điện lớn xây dựng trên dòng chính, các dự án chuyển nước dòng chính sông Mê Công ra ngoài lưu vực đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước chung sông Mê Công cả về số lượng, chế độ dòng chảy, cũng như chất lượng, trong đó có vấn đề hàm lượng phù sa bùn cát. Tình trạng thiếu hụt bùn cát và phù sa từ thượng nguồn ngày càng tăng lên đưa đến hệ quả sạt lở ngày càng nhiều, khơi sâu lòng sông và những diễn biến phức tạp khác ở ÐBSCL.

Như vậy, ngoài các nguyên nhân nội tại trong nước còn có những yếu tố khác từ ngoài lãnh thổ Việt Nam. Trong các yếu tố tác động bởi con người, không thể không xem xét yếu tố phát triển. Xuất phát từ nhu cầu phát triển quốc gia, các nước ở lưu vực sông Mê Công, nhất là những nước ở thượng nguồn, đều có kế hoạch khai thác nguồn nước Mê Công cho các mục đích kinh tế của mình cả về trước mắt cũng như trong dài hạn.

Biện pháp xử lý bền vững

Những vấn đề nêu trên làm cho việc quản lý và sử dụng chung nguồn nước sông Mê Công trở nên phức tạp, tác động tiêu cực và gây hệ quả nặng nề đối với nước ở hạ nguồn như Việt Nam. Trách nhiệm của Ðảng, Nhà nước đối với cuộc sống của nhân dân, đối với vận mệnh quốc gia là rất lớn. Vì vậy, cần tập trung tìm biện pháp xử lý trước mắt, cũng như giải pháp cơ bản và toàn diện cho lâu dài trên cơ sở một chủ trương và kế hoạch đồng bộ.

Trước hết, chúng ta cần làm cho các ngành, các cấp hiểu vấn đề ÐBSCL là vấn đề chung của cả đất nước, mọi ngành, mọi cấp đều có trách nhiệm làm cho người dân hiểu đúng tình hình, nhân dân cùng với Nhà nước đối phó với thách thức to lớn đang đặt ra.

Người dân hết sức lo lắng cho cuộc sống không chỉ hiện tại mà còn về tương lai lâu dài. Vì vậy, cần để nhân dân bày tỏ ý kiến của mình, cũng như những kiến nghị thiết thực để cùng lo giải quyết tình hình ở địa phương, trong nước cũng như làm cho nhân dân các nước liên quan hiểu rõ tình hình và yêu cầu chính đáng, hợp tình, hợp lý của Việt Nam.

Về chủ quan và công tác quản lý, cần xem xét, chấn chỉnh lại việc khai thác cát quá mức trên các dòng sông, khai thác nước ngầm hoặc xây dựng thiếu quy hoạch dọc bờ sông, vùng bờ biển, cần kiên quyết chấm dứt tình trạng “cát tặc”.

Vấn đề biến đổi khí hậu là rộng lớn vừa cấp bách, vừa lâu dài, cần nghiên cứu khẩn trương kế hoạch ứng phó với sự giúp đỡ của quốc tế, từng bước và tổng thể. Ðối với các vùng đã sạt lở và nguy cơ sạt lở, đề nghị có quy hoạch và hướng kế hoạch cho phát triển sản xuất nông nghiệp cũng như việc định cư, ổn định cuộc sống của nhân dân.

Vấn đề tác động khác ngoài lãnh thổ Việt Nam, cần tính toán kỹ mọi mặt, đề ra mục tiêu thực tế, khả thi, làm sao điều hòa các lợi ích chung và lợi ích của mỗi nước. Trước mắt, làm sao bàn bạc với các bên liên quan tạm hoãn xây dựng các đập thủy điện có ảnh hưởng nặng nề đối với Việt Nam.

Trong những năm qua, Ðảng và Chính phủ đã rất quan tâm và chủ động, tích cực xử lý vấn đề này cùng với các bên liên quan trực tiếp. Chúng ta cần tiếp tục những nỗ lực đó với tinh thần hết sức họp tác và hữu nghị, đề xuất những giải pháp hợp tình, bảo đảm lợi ích chung và của từng nước một cách hài hòa, không để việc làm của nước này làm ảnh hưởng nước kia, và đặc biệt cần xem xét những khó khăn và thiệt hại của Việt Nam là quốc gia ở cuối nguồn.

Chúng ta cần tích cực vận động, thuyết phục các nước liên quan, bạn bè nỗ lực hợp tác đi đến cơ chế, giải pháp thỏa đáng thật sự có hiệu lực cho tất cả các bên để bảo vệ và quản lý tốt nguồn tài nguyên nước của Mê Công.

Về quốc tế, nhiều nước rất quan tâm và cũng có lợi ích trong vấn đề sông Mê Công. Hơn nữa, đã có các cơ chế hợp tác theo từng nhóm nước. Vì vậy, cần hết sức tranh thủ sự hợp tác trong việc nghiên cứu, đóng góp hoặc biện pháp hỗ trợ của quốc tế, nhất là với những nước có kinh nghiệm và tiềm năng, các tổ chức nhân dân và tổ chức phi chính phủ.

Về lâu dài, vấn đề sông Mê Công sẽ còn phức tạp. Bên cạnh những chủ trương, hành động khẩn cấp, ngay từ bây giờ, ta cần nghiên cứu, chuẩn bị mọi tình huống và khả năng để đối phó, tránh để bị động và thiệt hại cho người dân, nguy hại cho quốc gia.