Giá cao-su tăng,"hai nhà" phấn khởi

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), từ cuối năm 2016 đến nay, giá cao-su thành phẩm trong nước liên tục tăng và có lúc đã đạt 50 triệu đồng/tấn. Đây được coi là mức giá cao nhất trong ba năm trở lại đây. Việc cây cao-su lấy lại được giá trị sau nhiều năm trượt giá đã đem lại niềm vui, sự lạc quan cho những người trồng và kinh doanh cây cao-su trong cả nước.

Thông thường, trước Tết Nguyên đán, cây cao-su bắt đầu thay lá, người dân sẽ dừng việc khai thác mủ. Tuy nhiên, những ngày giáp Tết Nguyên đán năm 2017 vừa qua các tỉnh phía nam có mưa cho nên quá trình thay lá của cây cao-su diễn ra chậm hơn so mọi năm. Vụ khai thác mủ kéo dài cộng với giá tăng cao khiến người trồng và kinh doanh cây cao-su hết sức phấn khởi.

Ông Trần Hữu Thuận, tổ trưởng tổ 2, Nông trường Phú Riềng Đỏ (Công ty TNHH MTV Cao-su Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) cho biết: Từ quý IV - 2016 đến nay, giá mủ cao-su tăng, công ty cũng tăng lương cho công nhân. Hiện, mức thu nhập bình quân của công nhân làm việc tại các vườn cao-su già khoảng 10 triệu đồng/tháng, tại các vườn cao-su non khoảng 5,5 đến 6 triệu đồng/tháng. So với thời gian cách đây một năm, thu nhập của chúng tôi tăng lên từ hai đến ba triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh yếu tố thời tiết, do giá mủ tăng cao, các hộ lại tập trung khai thác mạnh khiến nhu cầu sử dụng lao động cũng tăng đáng kể. Do vậy, ngoài thời gian làm việc tại nông trường chúng tôi tận dụng thời gian rảnh để đi cạo mủ thuê cho các nông hộ. Nhờ vậy, mỗi ngày cũng kiếm thêm được từ 100 đến 150 nghìn đồng.

Giá mủ cao-su tăng, nhiều doanh nghiệp đã tăng lượng xuất khẩu, tính riêng tháng 1-2017 khối lượng xuất khẩu cao-su của cả nước đạt 102 nghìn tấn, với giá trị đạt 193 triệu USD, tăng 10,5% về khối lượng và tăng đến 84% về giá trị so cùng kỳ năm 2016. Các chuyên gia kinh tế nhận định, nguyên nhân giá cao-su liên tiếp tăng mạnh trong thời gian gần đây là do nguồn cung của Thái-lan - nước sản xuất cao-su lớn nhất thế giới sụt giảm. Bên cạnh đó, từ cuối năm 2016 nhu cầu sản xuất lốp xe của Trung Quốc đang có xu hướng phục hồi.

Tại ba tỉnh: Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai hiện giá mủ tạp nước khoảng 15.000 đến 17.000 đồng/kg, mủ đông từ 11.000 đến 14.000 đồng/kg. Khi giá mủ tăng người nông dân có điều kiện gắn bó, chăm sóc cây cao-su và quan tâm đến chất lượng mủ nhiều hơn. Theo những hộ trồng cao-su ở Bình Phước, nếu duy trì mức giá như hiện tại người dân có thể ổn định cuộc sống từ cây cao-su.

Tại tỉnh Phú Yên, có hơn bốn nghìn ha cao-su, tập trung ở hai huyện miền núi Sông Hinh và Sơn Hòa. Từ năm 2014 đến cuối năm 2016, giá mủ liên tục giảm, người trồng cao-su không có lãi. Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay giá mủ cao-su tăng trở lại, người trồng cao-su lại “nô nức” thu hoạch mủ. Hiện giá mủ cao-su ở Phú Yên đang ở mức 13.000 đồng/kg (tăng từ ba đến năm nghìn đồng/kg so với cách đây khoảng sáu tháng). Nếu mủ được giá như hiện tại, hằng năm, mỗi ha cao-su sẽ cho thu nhập từ 24 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Trưởng phòng Cây công nghiệp - Cây ăn quả, Cục Trồng trọt (Bộ NN và PTNT) Nguyễn Đức Mạnh cho rằng: Khi giá mủ cao-su tăng người dân sẽ chú trọng hơn đến việc khai thác. Tuy nhiên, bà con không nên thấy giá cao mà “ép” cây lấy mủ, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và nhất là tuổi thọ của cây. Khi khai thác cần phải bảo đảm yếu tố kỹ thuật để bảo vệ vườn cây, không làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây khi cao-su vào mùa thay lá.

Theo đánh giá của Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam, năm 2017 mặc dù giá mủ cao-su đã tăng hơn 2016, nhưng vẫn chưa ổn định lâu dài. Xu hướng giá cao-su tăng dự báo sẽ còn tiếp diễn tới tháng 5-2017 do thiếu nguồn cung. Dù giá chưa ổn định nhưng đây là tín hiệu tích cực để nông dân duy trì và chăm sóc vườn cây, ổn định cuộc sống gia đình, để công nhân yên tâm gắn bó với nghề và các doanh nghiệp cao-su vực dậy sau nhiều năm trì trệ.