Gây dựng “sếu đầu đàn” cho nền kinh tế

Bài 4: Đổi mới tư duy về phát triển tập đoàn kinh tế

Việc gây dựng “sếu đầu đàn” được xem là bước đi có tính chất quyết định để hướng đến mục tiêu phát triển lực lượng doanh nghiệp (DN) Việt Nam ngày càng vững mạnh, trở thành nòng cốt của nền kinh tế đất nước. Quá trình triển khai thực hiện chính sách sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế, đòi hỏi cần có cách tiếp cận phù hợp và thận trọng. Trong đó, coi trọng nhiệm vụ cơ cấu lại DN nhà nước (DNNN) đồng thời tạo điều kiện hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân. Phóng viên (PV) Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn đồng chí NGUYỄN HỮU NGHĨA, Ủy viên T. Ư Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư về vấn đề này.

Gây dựng “sếu đầu đàn” cho nền kinh tế

PV: Xin đồng chí cho biết sự đổi mới tư duy của Đảng về hình thành các tập đoàn kinh tế lớn qua các kỳ Đại hội?
 
 Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa: Tôi cho rằng, sự hình thành các tập đoàn kinh tế là xu hướng phát triển tất yếu của nền kinh tế thị trường. Từ Đại hội IX, Đảng ta đã có chủ trương xây dựng một số tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh trên cơ sở các tổng công ty nhà nước, có sự tham gia của các thành phần kinh tế. Xác định vai trò ngày càng quan trọng và khuyến khích sự phát triển của kinh tế tư nhân, từ chỗ kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế đến là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh khuyến khích hình thành, phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân cùng với củng cố, phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
 
 Sự đổi mới tư duy về phát triển tập đoàn kinh tế nói chung và tập đoàn kinh tế tư nhân nói riêng hoàn toàn phù hợp yêu cầu phát triển của nền kinh tế trong từng giai đoạn lịch sử. Đến nay, bước đầu chúng ta đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế của Nhà nước và tư nhân, từng bước khẳng định vai trò và hiệu quả ngày càng quan trọng trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế nhưng vẫn còn thiếu những tập đoàn kinh tế thật sự có quy mô lớn, năng lực tài chính, công nghệ, quản trị mạnh, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Yêu cầu đặt ra là cần xây dựng và phát triển hệ thống DN nội địa mạnh gồm cả DNNN và DN tư nhân, trong đó có những tập đoàn kinh tế lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao để làm trụ cột, dẫn dắt DN thuộc các thành phần kinh tế khác triển khai thực hiện các chiến lược, chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội; đi tiên phong, mở đường và tạo sự đột phá về năng lực sản xuất quốc gia trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế; thực hiện tập hợp và liên kết các chủ thể kinh tế, nhất là DN nhỏ và vừa, kết nối và gia tăng sức cộng hưởng các năng lực sản xuất, kinh doanh; kết nối nền kinh tế với thế giới, tham gia sâu các chuỗi giá trị toàn cầu đi đôi với nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Vì vậy, Đại hội XIII không chỉ coi trọng củng cố, phát triển các tập đoàn kinh tế nhà nước mà còn khuyến khích, tạo điều kiện cho sự hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh quốc tế.
 
 PV: Đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân đã rõ nhưng trong thực tế, vẫn còn nhiều rào cản khiến khu vực kinh tế này “không thể lớn”,“không chịu lớn” và chưa thật sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo đồng chí, đâu là những rào cản đối với sự phát triển của kinh tế tư nhân hiện nay? Cần có giải pháp đột phá gì để khuyến khích hình thành phát triển tập đoàn kinh tế tư nhân lớn?
 
 Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa: Tôi cho rằng, kinh tế tư nhân chưa phát triển tương xứng với tiềm năng; chất lượng, hiệu quả hoạt động và đóng góp của kinh tế tư nhân còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, rào cản. Nhưng không tới mức kinh tế tư nhân “không thể lớn”, “không chịu lớn” như có ý kiến nêu khi mà chúng ta vẫn chứng kiến hằng ngày sự phát triển vươn lên mạnh mẽ và sự xuất hiện của các tập đoàn kinh tế của tư nhân có quy mô lớn, đang vươn mạnh hoạt động ra khỏi biên giới. Những rào cản đối với sự phát triển kinh tế tư nhân hiện nay đã được nhận diện. Đó là: Môi trường kinh doanh (MTKD) chưa thật sự thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, hiện mới xếp thứ 77/190. Tâm lý kỳ thị, phân biệt đối xử DN tư nhân vẫn còn tồn tại ở không ít nơi. Thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; cơ chế, chính sách còn thiếu minh bạch; kiểm tra, thanh tra chuyên ngành vẫn là gánh nặng, làm gia tăng chi phí tuân thủ đối với DN. Tình trạng tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt và tiêu cực vẫn còn diễn ra khá nghiêm trọng làm tăng chi phí phi chính thức. DN tư nhân vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực sản xuất, nhất là vốn, đất đai, mặt bằng sản xuất và tiếp cận thông tin, cơ hội kinh doanh, thị trường... Chúng ta vẫn thiếu cơ chế, chính sách thử nghiệm triển khai các mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như hỗ trợ về khởi nghiệp, tài chính, quản trị, chuyển đổi hộ kinh doanh, DN nhỏ và vừa phát triển lên thành các DN lớn và tập đoàn kinh tế...
 
 Để hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có tiềm lực mạnh và khả năng cạnh tranh quốc tế, thực hiện mục tiêu đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 đến 65%, theo tôi cần tập trung triển khai các giải pháp đột phá về cải thiện MTKD để kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm; xóa bỏ những rào cản bất hợp lý; thu hẹp các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DN tư nhân và DN thuộc các thành phần kinh tế khác. DN tư nhân phải thật sự được cởi trói về cơ chế để có cơ hội tham gia vào các lĩnh vực trước đây chỉ có Nhà nước làm hoặc tập đoàn kinh tế nước ngoài thực hiện. Bảo đảm thực hiện nghiêm minh quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản, các quyền, nghĩa vụ dân sự của tổ chức, cá nhân. Nghiên cứu, ban hành hệ thống chính sách hỗ trợ đồng bộ, hiệu quả để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển và hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, nhất là trong các ngành mà Việt Nam có nhiều lợi thế. Tạo điều kiện thuận lợi cho DN tư nhân tham gia triển khai các kế hoạch, chiến lược phát triển ngành, địa phương và quốc gia, nhất là các công trình, dự án đầu tư lớn, quan trọng... Cùng với đó, cần tạo điều kiện thuận lợi để DN tư nhân liên kết với DNNN, DN FDI và tham gia các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; tạo điều kiện cho nhà đầu tư tư nhân tham gia góp vốn, trở thành chủ sở hữu các DN lớn sau khi cổ phần hóa, thoái vốn. Có cơ chế, chính sách khuyến khích các DN tư nhân mua bán, sáp nhập, hợp nhất. Nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển DN đến năm 2030, trong đó có việc hình thành các tập đoàn kinh tế của tư nhân. Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tư nhân để vừa phát huy thế mạnh và tiềm năng, vừa khắc phục những mặt trái của kinh tế tư nhân, đưa kinh tế tư nhân phát triển đúng định hướng… Bên cạnh đó, các DN tư nhân phải phát huy tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, dám nghĩ lớn, dám làm lớn, đột phá, năng động, sáng tạo và khát vọng phát triển, ý chí vươn lên trở thành những DN quy mô lớn, tập đoàn kinh tế tầm vóc khu vực và thế giới.
 
 PV: Thưa đồng chí, có một thực tế là trong khi kinh tế tư nhân đang vươn lên mạnh mẽ thì khu vực kinh tế nhà nước, trọng tâm là DNNN đang vấp phải nhiều khó khăn, thách thức và phát triển chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Vậy cần có giải pháp đồng bộ nào để các DNNN bảo đảm vị trí then chốt, giữ vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, dẫn dắt DN thuộc các thành phần kinh tế khác?
 
 Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa: Theo tôi, trước hết cần đổi mới cơ chế, chính sách để DNNN thật sự vận hành theo cơ chế thị trường. Xác định và xử lý hài hòa mối quan hệ Nhà nước, thị trường và xã hội. Bảo đảm quyền tự chủ hoạt động của DNNN theo nguyên tắc thị trường. DNNN phải hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Nhà nước thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ sở hữu, vốn đầu tư tại DN, thật sự đóng vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu bình đẳng với các nhà đầu tư khác trong DN. Xóa bỏ các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp, bao cấp dành cho DNNN. Tách bạch nhiệm vụ kinh doanh với nhiệm vụ công ích và nhiệm vụ chính trị, xã hội do Nhà nước giao. Quan hệ kinh tế, tài chính giữa Nhà nước và DNNN, nhất là các quyền và nghĩa vụ của Nhà nước phải được thực hiện sòng phẳng, đầy đủ, minh bạch theo quy định của pháp luật, phù hợp cơ chế thị trường; DNNN thực hiện nhiệm vụ chính trị phải được Nhà nước bảo đảm đầy đủ, kịp thời nguồn kinh phí. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của DNNN. Đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN theo hướng kiên quyết cổ phần hóa, bán vốn tại những DN mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần chi phối; tăng cường quy mô, năng lực tài chính lành mạnh, nâng cao trình độ công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo. Tập trung xử lý nhanh, dứt điểm các DN, dự án, công trình đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, kể cả áp dụng biện pháp phá sản... Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản trị và năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý DN. Hiện đại hóa hệ thống công nghệ, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các hiệp định thương mại tự do. Áp dụng các chuẩn mực quốc tế về quản trị DN. Phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Rà soát, hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách về DNNN, đặc biệt là các cơ chế, chính sách về tập đoàn kinh tế, quản lý vốn, tài sản nhà nước tại DN và cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát đối với DNNN; kiểm soát chặt chẽ quyền lực, phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, xung đột lợi ích trong DNNN.
 
 PV: Theo đồng chí, việc gây dựng “sếu đầu đàn” trong bối cảnh hiện nay có thuận lợi, khó khăn gì? Đã là “sếu đầu đàn” để dẫn dắt hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có phân biệt thành phần kinh tế tư nhân hay nhà nước không?
 
 Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa: Việc gây dựng “sếu đầu đàn” hiện nay có nhiều yếu tố thuận lợi. Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm hơn về phát triển và quản lý DN; thế và lực của cộng đồng DN Việt Nam đã lớn mạnh hơn nhiều; đã hình thành một số tập đoàn kinh tế nhà nước, tư nhân và bước đầu khẳng định được vai trò, vị thế trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Hơn nữa, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn đổi mới và phát triển nhanh với nhiều tiềm năng, triển vọng tương lai sáng sủa lại được hỗ trợ tích cực bởi sự ổn định về chính trị và sự lãnh đạo sáng suốt và đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng mở ra nhiều cơ hội cho DN phát triển bứt phá. Cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có tài năng, trí tuệ, ý chí vươn lên và khát vọng phát triển góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
 
 Tuy nhiên, việc hình thành “sếu đầu đàn” cũng có không ít khó khăn vì quá trình hình thành và phát triển DN của Việt Nam chưa dài; điểm xuất phát của DN thấp, tích lũy kiến thức, quy mô vốn, tiềm lực tài chính, năng lực quản trị, bí quyết kinh doanh, thương hiệu, uy tín còn hạn chế; số lượng DN chưa nhiều so với quy mô nền kinh tế song lại thiếu sự liên kết chặt chẽ; MTKD chưa thật sự thuận lợi, thông thoáng, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhất là hệ thống pháp luật, chính sách còn nhiều bất cập; nguồn lực xã hội trong nước và khả năng hỗ trợ nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế cho phát triển DN lớn, trong khi đó sức ép cạnh tranh từ phía DN nước ngoài ngày càng lớn.
 
 Chủ trương nhất quán của Đảng ta là đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; vị trí, vai trò của từng thành phần kinh tế trong nền kinh tế quốc dân đã được xác định, trong đó kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng, có vai trò lớn trong huy động nguồn lực; kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Do đó, việc xây dựng các DN lớn, có vai trò dẫn dắt phát triển năng lực sản xuất quốc gia và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ cần được đối xử bình đẳng trước pháp luật và phù hợp với chủ trương của Đảng và vị trí, vai trò của mỗi thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
 
 PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.
 
 (*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 4, 5 và 6-5.