EVFTA mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Pháp

NDO -

Trong hai ngày 16 và 17/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp phối hợp thành phố Mâcon, thủ phủ của tỉnh Saône-et-Loire thuộc miền Trung nước Pháp, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại. Nhiều doanh nghiệp Pháp cho rằng có nhiều cơ hội để đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam kể từ khi EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020.

Nhiều doanh nghiệp lớn tại tỉnh Saône-et-Loire mong muốn xúc tiến đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam sau khi hết dịch bệnh.
Nhiều doanh nghiệp lớn tại tỉnh Saône-et-Loire mong muốn xúc tiến đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam sau khi hết dịch bệnh.

Mở đầu chuỗi sự kiện là diễn đàn doanh nghiệp với mục đích tìm hiểu và khám phá Việt Nam.

Sau hơn một năm các hoạt động giao thương ở Pháp cũng như trên thế giới bị đình trệ, đợt xúc tiến đầu tư và thương mại này là một điểm nhấn đối với Phòng Thương mại và Công nghiệp (CCI) cũng như doanh nghiệp của tỉnh Saône-et-Loire.

Hơn 50 doanh nghiệp lớn ở tỉnh Saône & Loire và các địa phương lân cận trong các lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm, gỗ, chế tạo máy... có mặt để trao đổi về với những cơ hội mới và điều kiện mới có từ Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA). 

Theo ông Michel Suchaut, Chủ tịch CCI tỉnh Saône-et-Loire, Việt Nam và tỉnh Saône-et-Loire có nhiều điểm tương đồng để thúc đẩy hợp tác. Việt Nam có vị trí chiến lược ở trung tâm Đông Nam Á, còn tỉnh Saône-et-Loire là một ngã tư chiến lược ở trung tâm của châu Âu, có cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt và đường sông dày đặc. Đây là những điều kiện rất thuận lợi để hai bên phát triển mối quan hệ hợp tác tốt đẹp hơn nữa. 

Tỉnh Saône-et-Loire có diện tích lớn thứ sáu tại Pháp và nổi tiếng về các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như rượu vang Bourgogne, thịt bò, pho-mát và một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực dược phẩm, chế biến gỗ hay vận tải đường thủy. Còn Việt Nam có nền kinh tế phát triển rất nhanh, có những thay đổi rất lớn về kinh tế, công nghiệp và xã hội. Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam dự tính chiếm đến 50% dân số Việt Nam vào năm 2035. Do vậy, nhu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng và tiêu dùng của Việt Nam sẽ rất lớn. 

Ông Michel Suchaut cho rằng, Việt Nam là một thị trường rất hấp dẫn. Trong khi đó, các doanh nghiệp ở Pháp cũng như ở tỉnh Saône-et-Loire có thế mạnh về lĩnh vực sản xuất công nghiêp, công nghệ, năng lượng, y tế hay thực phẩm. Đó là những yếu tố rất thuận lợi để hai bên tăng cường tác đầu tư, kinh doanh trong thời gian tới.

Ông nhấn mạnh: Các doanh nghiệp ở Saône-et-Loire cần nắm bắt cơ hội vào thời điểm bắt đầu triển khai EVFTA để đến được những bến bờ mới mẻ và thành công.

Phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho rằng, sự hiện diện của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp ở tỉnh Saône-et-Loire là một minh chứng sinh động cho sự mong muốn hợp tác kinh tế giữa hai nước vào thời điểm Pháp khôi phục nhanh chóng hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam tới năm 2030 có nhiều triển vọng và cơ hội cho đầu tư nước ngoài và giao thương quốc tế. EVFTA và sắp tới là Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) sẽ tạo ra khuôn khổ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư lâu dài và ổn định. 

Trên tinh thần đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp phát huy vai trò là cầu nối và đồng hành với các doanh nghiệp ở Saône-et-Loir tiến tới sự hợp tác hiệu quả và bền vững, góp phần góp phần củng cố và thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp.  

Tại diễn đàn, đại diện đầu tư và thương mại của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cùng với các chuyên gia hợp tác quốc tế, xuất nhập khẩu và hải quan của Pháp đã cung cấp những thông tin mới nhất về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam, môi trường đầu tư và phát triển thương mại tại Việt Nam. 

Là người tới Việt Nam làm ăn từ năm 2018, ông Didier Mercy, Giám đốc Công ty cổ phần Logi VietFrance có trụ sở Đà Nẵng về lĩnh vực dịch vụ cảng biển chia sẻ: Công ty của chúng tôi làm ăn rất tốt từ trước khi ký EVFTA, đó là do chúng tôi có đủ năng lực hoạt động và cũng nhờ có lực lượng lao động chất lượng cao ở Việt Nam. Tôi có mặt tại diễn đàn này với mục đích chia sẻ kinh nghiệm làm ăn tại Việt Nam và khuyến khích các doanh nghiệp Pháp tới đất nước của các bạn làm ăn vì có nhiều chính sách ưu đãi, chính trị - xã hội ổn định. 

Ông Edouard Ducerf, Giám đốc điều hành Công ty Ducerf chuyên xuất khẩu gỗ sồi xẻ thanh sang Việt Nam cho biết: Chúng tôi xuất khẩu gỗ xẻ sang Việt Nam và nhập đồ gỗ từ hàng chục năm qua. Chất lượng sản phẩm của Việt Nam rất được khách hàng ưa chuộng. Công việc kinh doanh với các đối tác Việt Nam rất tốt vì nhu cầu không ngừng tăng và chính sách rất thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài. Tôi cho rằng Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng và hấp dẫn cho các doanh nghiệp Pháp.    

Nhận xét về hoạt động xúc tiến đầu tư và kinh doanh tại địa phương ở Pháp, ông Thibault Giroux, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam, cho rằng hai nước cần đẩy mạnh công tác truyền thông. Các cuộc tiếp xúc và trao đổi, nhất là ở địa phương, ở hai nước cần được tổ chức thường xuyên để cung cấp đủ thông tin và kết nối cho các doanh nghiệp.

Dịch bệnh còn gây nhiều khó khăn, tuy nhiên các nhà đầu tư Pháp và Việt Nam cần chuẩn bị kế hoạch trao đổi ngay từ bây giờ để sớm nối lại hoạt động kinh doanh cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư.