Đồng Tháp: Sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp

Ngày 22/9, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức chương trình gặp gỡ doanh nghiệp thảo luận về giải pháp thích ứng và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tại buổi gặp gỡ, lãnh đạo tỉnh đã lắng nghe và tiếp thu những ý kiến thẳng thắn.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp.

Đồng Tháp là một trong ba địa phương có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, tỉnh cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch khi mỗi ngày chỉ trên dưới 20 ca, có ngày không có ca mắc trong cộng đồng. Quá trình phòng, chống dịch, tỉnh đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng.

Tính đến ngày 22/9, toàn tỉnh có 155 doanh nghiệp duy trì hoạt động theo phương thức “4 tại chỗ” theo bối cảnh mới (bổ sung thêm y tế tại chỗ), với hơn 18.300 công nhân. Do sự quan tâm kiểm tra, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh và các sở ngành, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh đã có sự chuẩn bị các điều kiện để tái hoạt động, sản xuất.

Các doanh nghiệp đánh giá cao tính năng động của lãnh đạo tỉnh từ Bí thư, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đến Chủ tịch UBND tỉnh trong hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thích ứng và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có những ý kiến thật lòng, thẳng thắn, chia sẻ những khó khăn trong điều kiện giãn cách xã hội hiện nay như: tâm lý của người lao động khi phải thực hiện bốn tại chỗ trong một thời gian dài; thiếu nhân công; doanh nghiệp cảm thấy chưa thật sự an toàn khi lượng vaccine tiêm ngừa Covid-19 cho các đối tượng trong doanh nghiệp dù được tỉnh rất tạo điều kiện nhưng vẫn còn thấp…

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng vẫn chung sức, đồng lòng cùng tỉnh trong phòng, chống dịch. Để khôi phục được nền kinh tế tỉnh thì tỉnh xem nhân tố cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố chính yếu.

“Buổi lắng nghe để các doanh nghiệp có điều kiện nói rõ hơn những khó khăn, cũng như có những hiến kế cho Đồng Tháp, để tỉnh và doanh nghiệp cùng thống nhất những chủ trương, giải pháp. Đồng Tháp sẽ quyết tâm cùng doanh nghiệp thực hiện tốt, hiệu quả, kịp thời đối với các chính sách về giãn, giảm nợ vay, thuế, bảo hiểm xã hội, thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất”, ông Phạm Thiện Nghĩa khẳng định.

Tại buổi gặp gỡ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong gửi lời cảm ơn các doanh nghiệp đã duy trì sản xuất được ba tại chỗ, bốn tại chỗ và kể cả những doanh nghiệp chấp nhận dừng sản xuất trong thời gian qua để ủng hội chủ trương phòng, chống dịch của tỉnh Đồng Tháp.

Đồng Tháp áp dụng sáu lần giãn cách xã hội, tùy tình hình, thời điểm mà công tác phòng, chống dịch của tỉnh đặt mục tiêu khác nhau. Hai đợt giãn cách gần đây, tỉnh đề ra mục tiêu là từng bước thích ứng, rồi thích ứng và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đây cho thấy, khi tình hình chuyển biến cho phép, tỉnh cũng điều chỉnh kịp thời để làm sao cho đạt mục tiêu chung là vừa phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy kinh tế.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các sở, ngành, đơn vị nghiên cứu tiếp thu những đề nghị của doanh nghiệp. Phải nhanh chóng giải quyết những công việc giúp doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi, thích ứng với bối cảnh mới, để doanh nghiệp từng bước khôi phục sản xuất.

Bên cạnh đó, đồng chí Lê Quốc Phong cũng cho biết, tỉnh sẽ thành lập một tổ công tác đặc biệt (là nhóm liên ngành) để xử lý kịp thời các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp do Phó Chủ tịch UBND tỉnh điều hành. Mọi thắc mắc, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan hoạt động trong điều kiện thích ứng Covid-19 thì các doanh nghiệp phản ánh đến tổ công tác đặc biệt để nhóm giải quyết triệt để.

“Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh mà các doanh nghiệp phải liên hệ trực tiếp với sở này, ngành kia thì khả năng sẽ chậm. Mình đã có cơ chế một cửa để bớt thủ tục hành chính, thì trong điều kiện hiện nay cũng nên hỗ trợ doanh nghiệp có được một đầu mối tiếp nhận thông tin. Chuyện xử lý còn lại là chuyện của các cơ quan quản lý nhà nước và phải sớm trả thông tin cho doanh nghiệp. Quá trình trả thông tin cho doanh nghiệp thì phải cho rõ là được hay chưa được, nếu chưa được thì hoàn thiện hồ sơ, thủ tục gì để giải quyết ngay những khó khăn cho doanh nghiệp”. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong nhấn mạnh.

Hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng Covid-19