Đóng cửa cảng cá, hàng nghìn tấn hải sản có nguy cơ hư hỏng

NDO -

Tỉnh Quảng Ngãi “đóng cửa” các cảng biển, bến cá để phòng, chống Covid-19 nên hải sản ngư dân không thể đưa lên bờ xuất bán. Hàng nghìn tấn hải sản trên các tàu nguy cơ hư hỏng, thiệt hại nặng nề cho ngư dân khơi xa.

Để giải quyết cho ngư dân, nhiều cảng cá buộc phải cho bốc dỡ hàng trăm tấn hải sản trên các tàu để giảm thiệt hại kinh tế cho tàu khơi xa.
Để giải quyết cho ngư dân, nhiều cảng cá buộc phải cho bốc dỡ hàng trăm tấn hải sản trên các tàu để giảm thiệt hại kinh tế cho tàu khơi xa.

Tàu thuyền “vùng xanh” không dám qua vùng dịch Covid-19

Sau một tháng đi khơi xa, tàu QNg 90649 của ông Võ Văn Mân cập cảng Bình Châu, huyện Bình Sơn. Ba ngày qua, tàu của ông cùng 6 tấn hải sản nằm bờ vì bến cá không hoạt động. Gần 300 triệu đồng công sức đi biển nằm trong khoang tàu có nguy cơ mất trắng vì hư hỏng. Ông Nguyễn Tấn Thành, chủ đại lý thu mua cá tàu ông Mân bất an lo lắng hơn cả. Là người ứng tiền, phí tổn hàng trăm triệu đồng cho tàu QNg 90649 đi khơi, ông Thành sẽ tiêu thụ tất cả hải sản cho anh em ngư dân. Thế nhưng, chủ tàu không thể đưa cá lên bến khiến cả hai bên đều nguy cơ trắng tay.

Nỗ lực tìm cách giải quyết, ông Thành được ngành chức năng hướng dẫn đưa tàu cá sang Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa ở xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi để bốc xếp hàng. Tuy nhiên, cả chủ tàu lẫn ông Thành đều không thể đưa tàu từ “vùng xanh” cảng Bình Châu sang “vùng đỏ” dịch Covid-19 ở Tịnh Hòa, nơi đang bùng phát dịch. Là đại lý chuyên thu mua hải sản của 20 tàu thuyền khơi xa, ông Thành còn lo lắng cho 2 tàu với hàng chục tấn cá đang neo tại cảng Lý Sơn, không thể tiêu thụ do quyết định “đóng cửa” biển của tỉnh Quảng Ngãi.

“Anh em đi cả tháng hàng trăm tấn hải sản giờ không cho xuống hàng thì chỉ có hư hỏng rồi bán cho nhà máy xay xát hoặc mang đổ biển thôi. Chúng tôi đang ở nơi không dịch lại bắt qua vùng dịch xuống cá, nếu lỡ lây nhiễm thì ai chịu trách nhiệm” - ông Thành chất vấn.

Tại cảng cá Bình Châu, 5 tàu cá với khoảng 40 tấn hải sản neo tại bến từ nhiều ngày qua. Các đại lý thu mua hải sản và chủ tàu thuyền không đồng ý đưa tàu, xe vận chuyển hàng qua các cảng cá của TP Quảng Ngãi - hiện là vùng dịch Covid-19 của tỉnh Quảng Ngãi. Ngoài các thủ tục giấy tờ, khi đi từ vùng dịch trở về phải cách ly khiến công việc mua bán, chuyển hàng của ngư dân, đại lý càng thiệt hại nhiều hơn.

Ông Lê Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết, ngoài số tàu đi khơi đang neo tại cảng, 25 chiếc cùng hàng trăm tấn hải sản sẽ về bến những ngày tới. Trước bất cập này, địa phương đã báo cáo ngành chức năng để giải quyết cho ngư dân chuyển hàng qua bến.

“Bà con trong xã chấp hành tuyệt đối quy định phòng dịch của tỉnh nhưng thiệt hại kinh tế quá lớn nên họ phải ý kiến. Tỉnh chưa cho phép nhưng chúng tôi xin để giải quyết gấp, bốc xếp hàng cho ngư dân vừa giám sát phòng dịch. Xã cũng chỉ giải quyết cho mấy tàu đang ùn ứ thôi, còn những tàu sắp về thì chưa biết tính sao” - Chủ tịch UBND xã Bình Châu giải thích.

Đóng cửa cảng cá, hàng nghìn tấn hải sản tàu thuyền xa bờ nguy cơ hư hỏng -0

Ùn ứ nhiều tại thuyền tại cảng khiến nguy cơ lây lan dịch Covid-19 nhiều hơn. 

Ùn ứ tới đâu mở cửa tạm tới đó

Để phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ngãi quyết định dừng hoạt động các cảng cá, bến cá từ ngày 15/9/2021. Đồng thời, bố trí lực lượng kiểm tra việc kiểm soát, quản lý các cảng, bến cá.

Tại cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa, xã Tịnh Hoà, TP Quảng Ngãi, hiện có 35 tàu của ngư dân Quảng Ngãi khơi xa trở về. Mỗi tàu cá đánh bắt từ 8-10 tấn các loại, số lượng hải sản ùn ứ ở bến hơn 300 tấn.

Sau một tháng đi khơi, anh Lê Văn Nhà cùng 11 thuyền viên tàu QNg 92087 trở về với 12 tấn cá chuồng. Lo sợ số cá chuồng đánh bắt dài ngày trong hầm đá hư hỏng, anh tìm mọi cách chuyển cho thương lái. “Chúng tôi liên hệ chủ nậu để họ đề nghị cảng giải quyết. Anh em các tàu chúng tôi xin số điện thoại mấy cấp trên tỉnh xin cân cá đưa lên bờ chứ lâu ngày hư hết. Họ bảo từ từ giải quyết” - anh Lê Văn Nhà bức xúc.

Do “đóng cửa” cảng cá, bến cá nên tàu thuyền về ngày càng nhiều, lượng hải sản ùn lớn, nguy cơ hư hỏng. Vì vậy, Ban quản lý các cảng cá buộc phải giải quyết cho bà con ngư dân. Nhiều tàu thuyền cùng lượng hải sản lớn nên ngư dân, nhân công tập trung tại bến đông hơn. Ngoài thuyền viên của tàu từ 5-12 người và gần 30 nhân công phân loại, vận chuyển hàng lên xe khiến nguy cơ lây lan dịch Covid-19 nhiều hơn.

“Hôm nay chúng tôi tiếp nhận 12 tàu cùng hơn 100 tấn cá lên bờ. Do lệnh dừng hoạt động nên hôm nào ùn ứ tàu đông quá thì giải quyết tạm. Bữa làm bữa nghỉ nên nhân công đông cho kịp. Ngày mai chúng tôi chưa biết cho làm nữa không. Lệnh dừng hoạt động cảng cá mà cho làm vậy là sai. Lỡ phát sinh dịch là chúng tôi gánh hết” - đại diện cảng Tịnh Hòa lo lắng.

Tại cảng Mỹ Á và cảng Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ gần 30 tàu cập bến sau một tháng ra khơi. 300 tấn hải sản các loại đánh bắt khơi xa trở về nằm bờ vì các cảng cá “đóng cửa”. Trước yêu cầu được đưa hải sản lên bờ để tránh hư hỏng, chính quyền địa phương tạm mở cửa cảng cho ngư dân tiêu thụ.

Ảnh hưởng dịch Covid-19, việc vận chuyển, tiêu thụ khó khăn nên giá cá chỉ còn 10.000 -12.000 đồng/ký. Lỗ chi phí đi biển nên nhiều tàu cá lẫn ngư dân Quảng Ngãi đóng khoang, nằm bờ. Số tàu thuyền còn đi khơi là nỗ lực lớn của địa phương ven biển, chủ tàu, đại lý ứng chi phí để đi khơi xa.

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có sáu cảng cá lớn gồm Lý Sơn, Sa Cần, Sa Kỳ, Mỹ Á, Tịnh Hòa và Sa Huỳnh. Trong đó 3.300 chiếc công suất từ 90CV chuyên đánh bắt khơi xa, sản lượng mỗi năm khoảng 250 nghìn tấn. Gần 2 năm qua dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng lớn đến kinh tế vùng biển và đời sống miền biển. Lệnh tạm dừng hoạt động các cảng, bến cá khiến hàng trăm tàu thuyền ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt khơi xa lo lắng, bất an. Trong những ngày tới, khoảng 100 tàu cá ngư dân Quảng Ngãi từ các ngư trường tiếp tụp cập bờ cùng vài trăm tấn cá tươi.

Ông Trần Lê Hồng Sơn, Giám đốc Ban quản lý các cảng cá tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh Quảng Ngãi tạm dừng hoạt động các cảng cá để phòng, chống dịch. Tuy nhiên, nhiều tàu thuyền ra khơi đánh bắt trước đó chưa kịp vào bờ, vì vậy, các cảng không thể giải quyết xuống bến.

“Chúng tôi xin ý kiến và giải quyết tạm thời thôi. Cần có phương án cho ngư dân bốc dỡ hàng hóa nếu không thiệt hại lớn về kinh tế. Các cảng cũng phải thực hiện quy định phòng, chống dịch, phân luồng tàu, bốc dỡ tàu giãn cách tránh tập trung cùng lúc để giảm nguy cơ lây lan dịch Covid-19” - Giám đốc Ban quản lý các cảng cá tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị.