"Dốc sức" hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) luỹ kế 11 tháng ước đạt 700 nghìn tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán. Trong đó, số thu nội địa ước đạt 462 nghìn tỷ đồng, bằng 84,6% dự toán, tăng 14,5% so cùng kỳ; số thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 200 nghìn tỷ đồng, bằng 83,8% dự toán, tăng 12,7% so cùng kỳ. Ðiều đáng lo ngại là theo đánh giá của ngành tài chính, chỉ có gần 50% số địa phương bảo đảm được tiến độ thu theo dự toán (tối thiểu đạt 92%), 33 địa phương còn lại thu không đạt tiến độ.

Người dân nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Ba Ðình (Cục Thuế Hà Nội).Ảnh: TRẦN HẢI
Người dân nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Ba Ðình (Cục Thuế Hà Nội).Ảnh: TRẦN HẢI

Hơn 50% số địa phương không bảo đảm tiến độ thu

Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong số các địa phương không đạt tiến độ thu NSNN, có nhiều địa bàn trọng điểm thu, có số thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu NSNN. Tại Cục Thuế tỉnh Ðồng Tháp, số thu nội địa hiện cũng chỉ mới đạt 84,52% dự toán UBND tỉnh giao, các khoản thu, sắc thuế đều đạt thấp. Tại Cục Thuế TP Hà Nội, số thu chỉ mới đạt hơn 60% dự toán năm, bằng 90,2% so cùng kỳ. "Chúng tôi đang ở đỉnh điểm của khó khăn, khi 11 tháng qua đã có tới gần 10 nghìn doanh nghiệp (DN) trên địa bàn ngừng giao dịch thuế. Tuy có hơn 12 nghìn DN thành lập mới, nhưng lại chưa phát sinh thuế phải nộp, hoặc có phát sinh nhưng số thuế thấp, làm giảm nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng. Số thu thuế đã phản ánh rõ tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn của thành phố" - Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Phi Vân Tuấn nói.

Theo lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội, bên cạnh những khó khăn bất khả kháng thì năm nay, công tác thu của ngành thuế Hà Nội còn phải "đương đầu" với thách thức lớn là dự toán thu năm nay được giao tăng tới 30,8% so với số thực hiện năm 2012. Số giao này trung bình gấp gần bốn lần tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến đạt được (khoảng từ 8 đến 8,5%), còn ở một số khu vực, lĩnh vực thu chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu thu thì số giao dự toán còn cao hơn nhiều (như khu vực doanh nghiệp FDI tăng 34,1%; khu vực DN ngoài quốc doanh tăng 42,3%; nguồn thu từ phí, lệ phí tăng 45,7%...) Bởi những nguyên nhân này nên số thu NSNN của Cục Thuế Hà Nội hiện vẫn chưa đạt mức yêu cầu.

Tập trung thu nợ đọng thuế

Trước khả năng khó hoàn thành chỉ tiêu đề ra, việc nhanh chóng, sát sao đôn đốc nhiệm vụ thu NSNN được ngành tài chính xác định là công việc trọng tâm hàng đầu. Cùng với việc thông tin cụ thể đến từng đồng chí bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND các địa phương về công tác phối hợp, cộng đồng trách nhiệm trong công tác quan trọng này, Bộ đã cử các đoàn đôn đốc thu NSNN tỏa đi khắp các địa bàn thu trọng điểm để động viên, kiểm tra, giám sát công tác thu thuế nhà nước.

Với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, ngành tài chính đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình địa phương. Trong đó, việc tập trung thu dứt điểm nợ có khả năng thu, không để tiền thuế kê khai phát sinh hằng tháng chuyển sang thành nợ mới... được đặc biệt chú trọng. "Chúng tôi yêu cầu giao chỉ tiêu cụ thể cho từng thành viên, từ lãnh đạo đến từng công chức, lấy đây là căn cứ xét thi đua. Bên cạnh việc giao nhiệm vụ cho từng thành viên, đối với các DN có số nợ thuế lớn, lãnh đạo đơn vị đều phải bám sát, làm việc trực tiếp, có biện pháp yêu cầu DN nộp thuế. Việc phân tích nợ thuế và đề xuất rõ biện pháp xử lý phù hợp với từng nhóm nợ, từng người nợ thuế; thực hiện triệt để tất cả các biện pháp... đã giúp đơn vị không những thu được thuế mà còn nâng cao được năng lực và trách nhiệm của từng cán bộ, từng bộ phận trong cơ quan", Cục trưởng Cục Thuế Ðồng Tháp Lê Thanh Tòng cho biết.

Không chỉ đốc thúc, quản chặt nguồn thu mà nhiều đơn vị thuế địa phương rất quyết liệt triển khai đối chiếu hóa đơn, xử lý việc mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế và hạch toán chi phí, chống thất thu thuế. Công tác này rất hiệu quả ở Cục Thuế Hà Nội. Bằng việc tăng cường kiểm tra hồ sơ khai thuế, kiểm tra rủi ro tại trụ sở cơ quan thuế, Cục Thuế Hà Nội đã thu được gần sáu nghìn tỷ đồng, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý nợ thuế trên địa bàn.

Cũng với cách làm quyết liệt như thế, ngành thuế tỉnh Ðồng Nai tập trung thực hiện khai thác nguồn thu từ các hoạt động chuyển giá, thuế nhà thầu, chuyển nhượng vốn, kinh doanh và xây dựng vãng lai, mua bán sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; truy thu nợ theo các quyết định của thanh tra, kiểm tra và kiểm toán nhà nước đã truy thu được hơn 500 tỷ đồng. Ðến nay, Ðồng Nai là một trong số các địa phương đã hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN với gần 33 nghìn tỷ đồng, bằng 100% dự toán và tăng 16% so cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 105% dự toán.

Quyết tâm cao nhất để đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao, toàn ngành tài chính đang chạy đua nước rút với thời gian, thực hiện mạnh mẽ các giải pháp thu ngân sách. Ðiều đáng mừng là với các quy định được ban hành tại Nghị định số 24/2013/NÐ-CP ngày 5-12-2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp thực hiện NSNN năm 2013 - 2014, một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ thực hiện thu nộp ngay một số khoản thu vào NSNN, góp phần hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này. Ðây cũng là một trong những động thái kiên quyết của Chính phủ đối với loại hình DN giữ vai trò, vị trí chủ đạo trong nền kinh tế khi yêu cầu các DNNN phải thực hiện cao hơn nữa trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong công tác thu NSNN.

Ðối với các địa phương, đại diện nhiều cơ quan thuế địa phương cho biết, trong thời gian cuối năm này, toàn ngành sẽ tập trung, dồn lực để thực hiện tốt hơn nữa các giải pháp đã được đo lường về tính hiệu quả, và đang tăng tốc, dốc sức, phấn đấu "cán đích" thu NSNN năm 2013.