Điện Biên cấp gần 60 nghìn tem truy xuất nguồn gốc cây đào cho 5 huyện

NDO -

Nhằm kiểm soát việc khai thác cây, cành đào khi dịp tết đến xuân về, đồng thời hạn chế tình trạng khai thác cây đào trồng, đào tự nhiên cạn kiệt ảnh hưởng môi trường sinh thái trên địa bàn, Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh Điện Biên đã triển khai, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát cây đào được trồng trên địa bàn làm cơ sở đề nghị cấp tem truy xuất nguồn gốc.

Cán bộ Chi cục tiêu chuẩn và đo lường chất lượng, Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh Điện Biên, bàn giao tem truy xuất nguồn gốc cây đào cho huyện Tuần Giáo.
Cán bộ Chi cục tiêu chuẩn và đo lường chất lượng, Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh Điện Biên, bàn giao tem truy xuất nguồn gốc cây đào cho huyện Tuần Giáo.

Ông Bùi Tiến Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục tiêu chuẩn và đo lường chất lượng (Sở Khoa học-Công nghệ) tỉnh Điện Biên, cho biết: "Căn cứ đề nghị của các huyện, gồm: Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà và khảo sát thực tế tại địa bàn, Chi cục Tiêu chuẩn và đo lường chất lượng vừa quyết định cấp gần 60 nghìn tem truy xuất nguồn gốc cây đào được trồng tại 22 xã trong địa bàn 5 huyện. Trong đó, huyện Mường Chà có 4 xã; Tủa Chùa có 5 xã; Tuần Giáo có 3 xã; Mường Ảng có 3 xã và huyện Điện Biên có 7 xã".

Cùng với việc bàn giao tem truy xuất nguồn gốc cây đào cho các huyện, Chi cục tiêu chuẩn và đo lường chất lượng (Sở Khoa học-Công nghệ) tỉnh Điện Biên, còn hướng dẫn cán bộ chuyên môn các huyện cách thực hiện truy xuất nguồn gốc cây đào trên điện thoại thông minh để triển khai đến người trồng đào; đồng thời đề nghị các huyện khẩn trương cấp tem cho người dân các xã trong địa bàn để người dân chủ động gắn tem cho cây đào trước khi đem bán trên thị trường.

Được biết, giống đào được đồng bào các dân tộc thiểu số trồng phổ biến ở Điện Biên là đào đá. Đây là loại đào ăn quả có màu hoa phớt hồng, hoa đơn năm cánh cứng cáp, mang dáng vẻ tự nhiên khỏe khoắn những năm gần đây được người dân các tỉnh miền xuôi, thành phố lớn ưa chuộng chơi tết.