Điện Biên cần hướng dẫn đồng bào phát triển các mô hình kinh tế dưới tán rừng

NDO -

Trong chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Điện Biên ngày 5/12, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị, Điện Biên tiếp tục quan tâm, hướng dẫn đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển các mô hình kinh tế dưới tán rừng để tăng thu nhập từ rừng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng thành viên đoàn công tác thăm vườn mắc-ca tại bản Huổi Tao B, xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng thành viên đoàn công tác thăm vườn mắc-ca tại bản Huổi Tao B, xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông.

Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh trong chăn nuôi, song nhờ sự chủ động, tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cấp, ngành trong tỉnh và sự vào cuộc tích cực của các địa phương, người dân, doanh nghiệp đến cuối năm 2021, Điện Biên đã đạt nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Trong lĩnh vực sản xuất nông-lâm nghiệp, năm 2021 tổng sản lượng lương thực của Điện Biên đạt hơn 277 nghìn tấn (tăng 3,61% so năm 2020); cây công nghiệp dài ngày có cao-su, cà-phê, chè đều có sản lượng tăng từ 32,5% đến 62% so năm 2020. Riêng cây mắc-ca trong năm 2021 tiếp tục trồng mới 929 ha nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên 3.821 ha.

Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với thế mạnh địa phương, đến nay Điện Biên đã hình thành 21 chuỗi cung ứng nông sản an toàn; phê duyệt, triển khai thực hiện hiệu quả 2 dự án cánh đồng lớn, quy mô 335 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap 103,3 ha… Từ năm 2015 đến nay, Điện Biên đã thu hút, kêu gọi 24 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông-lâm nghiệp, với tổng số vốn đầu tư trên 10.400 tỷ đồng. Riêng năm 2021, tỉnh Điện Biên đã cấp 4 giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án nông nghiệp với tổng mức đầu tư 3.598 tỷ đồng.

Đề cập khó khăn đặc thù ảnh hưởng các mục tiêu phát triển của Điện Biên, ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nhấn mạnh, khó khăn cơ bản nhất là Điện Biên thuộc “vùng trũng” trong các tỉnh khu vực Tây Bắc, kết nối giao thông (đường bộ, hàng không) đều hết sức khó khăn. Nhận thức nguyên nhân cơ bản đó, thời gian qua, Điện Biên đã rất chủ động, nỗ lực từng bước tháo gỡ điểm nghẽn giao thông, tạo động lực để Điện Biên có những bước phát triển đột phá trong thời gian tới.

Trong lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông hiện tại, Điện Biên còn một số dự án chậm tiến độ vì vướng quy hoạch đất rừng. Vì vậy, tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục quan tâm tháo gỡ.

Ghi nhận kết quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là nỗ lực duy trì phát triển ổn định nông-lâm nghiệp của tỉnh Điện Biên khi dịch bệnh trên người, vật nuôi diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị, thời gian tới, Điện Biên cần ưu tiên đầu tư sản phẩm nông nghiệp thế mạnh; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch, để người làm nông nghiệp yên tâm sinh sống, phát triển tại địa phương. Đặc biệt, cần quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số ở biên giới, hướng dẫn đồng bào phát triển các mô hình kinh tế dưới tán rừng, có nguồn thu ổn định từ rừng.

Trước đó, đồng chí Lê Minh Hoan và đoàn công tác đã kiểm tra dự án phát triển mắc-ca tại bản Huổi Tao B, xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.