Sản xuất - Tiêu dùng

Dệt may tận dụng cơ hội khi gỡ bỏ phong tỏa

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng phong tỏa, giãn cách xã hội và đóng cửa biên giới nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Thời gian gần đây, dịch bệnh bước đầu được kiểm soát, các nước nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã khống chế được dịch, mở ra cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa.

Thống kê của Tổng cục Hải quan, trong bốn tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt gần 9,7 tỷ USD, tăng 10,7% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất, trị giá 4,7 tỷ USD, tăng 18,7% so cùng kỳ năm 2020 và chiếm 48,7% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước; tiếp theo là Nhật Bản đạt 1,07 tỷ USD; EU đạt 942 triệu USD, tăng 12,8%,... Hiện tại, các DN dệt may đã ký đơn hàng đến hết quý III, thậm chí nhiều đơn vị ký đến hết năm và đang xúc tiến, đàm phán các đơn hàng năm 2022. Ðây được coi là tín hiệu tích cực của thị trường sau hơn một năm bị "đóng băng" bởi dịch Covid-19 và cũng là tín hiệu "mở" để DN đẩy mạnh xuất khẩu, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD. Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, tăng trưởng GDP của nước này trong quý I-2021 đạt mức 6,4% (mức tăng tốt nhất kể từ năm 1984), trong khi tiêu dùng cá nhân tăng 10,7% - mức tăng cao thứ hai kể từ năm 1960, đã chứng minh nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân ngày càng tăng. Tương tự, Ủy ban châu Âu (EC) cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của EU lên 4,3% năm 2021 và 4,4% cho năm 2022 do khu vực này đang trên đà phục hồi kinh tế, đồng thời thúc đẩy nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân tăng lên sau thời gian dài bị phong tỏa, hạn chế tiêu dùng.

Có thể thấy, sự thành công trong kiểm soát, khống chế dịch Covid-19 cùng với nền kinh tế của các nước trên thế giới trên đà phục hồi đã và đang tạo ra cơ hội rất lớn để các DN dệt may trong nước đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, để làm được điều này là điều không hề đơn giản trong bối cảnh các DN phải thực hiện mục tiêu "kép" vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm phát triển kinh tế. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong nước, rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào, chỉ cần một trường hợp lây nhiễm, nhà máy sẽ bị phong tỏa, dừng sản xuất, DN bị thiệt hại rất lớn. Do đó, DN cần linh hoạt, chủ động thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường trong và sau dịch bệnh; chủ động thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh; đổi mới công nghệ, chuyển đổi số phù hợp để tận dụng những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại. Bên cạnh đó, các DN cũng mong muốn Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ DN hoặc các gói hỗ trợ kinh tế phù hợp từng ngành nghề, nhất là DN có số lượng lao động lớn, bị thiệt hại trực tiếp do ảnh hưởng của dịch bệnh.

MINH ÐỨC