Góc nhìn

Để thị trường lao động phục hồi bền vững

Cùng với sự khởi sắc của nền kinh tế, thị trường lao động cũng bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi đáng ghi nhận từ cuối năm 2021, ngay cả khi số ca nhiễm Covid-19 trong cả nước vẫn tăng cao, nhất là tại khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. 

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Sau khi tiêm phủ hai mũi vắc-xin cho người lao động và nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, số người có việc làm đã tăng trở lại. Tình trạng thiếu việc làm đã được cải thiện đáng kể, nhất là tại khu vực công nghiệp và xây dựng. Trong quý IV/2021, nhiều ngành sản xuất được khôi phục, thu nhập của người lao động bước đầu được cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm dần so quý trước. Trên cả nước, lao động có việc làm đã tăng 1,82 triệu người so với quý III.

Tuy nhiên, bức tranh lao động, việc làm năm 2021 chủ yếu vẫn là gam mầu xám vì đây là năm thứ hai liên tiếp, thu nhập của người làm công ăn lương giảm. Mặc dù thị trường lao động đã từng bước phục hồi nhưng nhiều chỉ số chưa thể đạt mức cùng kỳ năm trước và còn thấp hơn nhiều so trước đại dịch Covid-19. Số lao động có việc làm tăng trở lại, chủ yếu tăng ở nhóm người có việc làm phi chính thức. Tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị đang cao hơn khu vực nông thôn, trái ngược với xu hướng trong những năm trước đại dịch. Đáng lưu ý, số liệu cập nhật từ Tổng cục Thống kê ghi nhận đang có sự lệch pha lớn giữa cung và cầu trên thị trường lao động.

Những năm trước, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam thường dao động ở mức 4% thì từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 đến hết quý III/2021 đã tăng lên mức kỷ lục 10,4%. Con số này phản ánh thị trường lao động phải hứng chịu “cú sốc” về kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, có 2,2 triệu người dịch chuyển từ các thành phố lớn về quê tránh dịch gây sự xáo trộn sâu sắc đối với các địa phương cũng như doanh nghiệp và đời sống của bản thân người lao động.

Để thị trường lao động sớm phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch Covid-19, không chỉ cần có các giải pháp toàn diện về kinh tế mà còn phải hoàn thiện các chính sách trợ giúp xã hội, tăng cường cơ chế, chính sách liên quan đến người di cư, trong đó phải bảo đảm các điều kiện thiết yếu cho cuộc sống của người lao động. Bởi lao động di cư chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động của cả nước và là đối tượng chịu tổn thương nặng nề cả về vật chất và tâm lý trong năm qua. Chính sách phục hồi thị trường lao động hiện nay cũng cần tăng tốc đầu tư vào con người, vào lao động có kỹ năng để tranh thủ cơ hội từ giai đoạn dân số vàng. Các vấn đề này đã được đặt ra trong Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội, dự kiến được Chính phủ ban hành ngay từ đầu năm 2022.