Đà Nẵng đẩy mạnh thu hút đầu tư

Năm 2018 được TP Đà Nẵng chọn là Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư, tổng rà soát, quy hoạch, xác định mô hình và định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, xác định lợi thế cạnh tranh trong ứng dụng khoa học - công nghệ với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

TP Đà Nẵng kêu gọi đầu tư, xây dựng cảng Đà Nẵng thành cảng cửa ngõ quốc tế theo hai khu vực Tiên Sa và Liên Chiểu.
TP Đà Nẵng kêu gọi đầu tư, xây dựng cảng Đà Nẵng thành cảng cửa ngõ quốc tế theo hai khu vực Tiên Sa và Liên Chiểu.

Với mục tiêu này, năm 2018 là năm bản lề tạo đòn bẩy cho Đà Nẵng thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, sớm khẳng định vị thế là một trong những đầu tàu phát triển của cả nước, động lực tăng trưởng của khu vực miền trung, Tây Nguyên.

Những thành tựu cơ bản

Không khó để nhận diện Đà Nẵng trong bản đồ phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển miền trung, Tây Nguyên và cả nước. Với một đô thị phát triển hướng biển cùng nhiều lợi thế sông - biển, cảng biển, cảng hàng không, danh lam thắng cảnh, du lịch nghỉ dưỡng, Đà Nẵng là cầu nối giữa các tỉnh lân cận về các di sản văn hóa thế giới, kết nối điểm đầu - cuối trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây. Trong phát triển kinh tế, Đà Nẵng ưu tiên thu hút, xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm qua nhiều kênh, nhiều sự kiện. Để phát huy tiềm năng kinh tế biển, TP Đà Nẵng đã phê duyệt đề án Phát triển ngành kinh tế biển của thành phố đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030. Theo đó, đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng khách du lịch giai đoạn 2016-2025 đạt 13 đến 14%, giai đoạn 2026-2030 đạt 13%; khối lượng hàng hóa thông qua cảng đến năm 2025 đạt 12 đến 13 triệu tấn/năm và tốc độ tăng trưởng hàng công-ten-nơ giai đoạn 2020-2025 đạt 10 đến 15%/năm,… Bên cạnh phát triển các sản phẩm du lịch mới như thể thao biển, công nghiệp du thuyền, thành phố tập trung phát triển kinh tế hàng hải, phát triển cảng Đà Nẵng trở thành cảng cửa ngõ quốc tế theo hai khu vực Tiên Sa và Liên Chiểu. Khu cảng Tiên Sa phục vụ hành khách, đầu tư khu bến chuyên biệt cho tàu du lịch. Khu cảng Liên Chiểu phục vụ hàng công-ten-nơ, hàng tổng hợp và hàng lỏng. Ngoài ra, thành phố xúc tiến đầu tư xây dựng các cảng cạn để đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu, nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua hành lang kinh tế Đông Tây, nhất là hàng hóa được vận chuyển bằng công-ten-nơ.

Năm 2017, kinh tế Đà Nẵng tiếp tục tăng trưởng ổn định, GRDP đạt 58,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9%; tổng thu ngân sách đạt gần 23,4 nghìn tỷ đồng, tăng gần 18%. Trong đó, ngành du lịch tăng trưởng ấn tượng nhất với 6,6 triệu lượt khách, tăng 19%; riêng khách quốc tế là 2,3 triệu lượt, tăng 36,8% so với năm 2016. Năm 2017, Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh và Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin.

Nhận định về Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, từ những kết quả đạt được, Đà Nẵng tiếp tục được các nhà đầu tư đánh giá là điểm đến hấp dẫn tại Việt Nam. Hiện nay, quy mô nền kinh tế Đà Nẵng đạt hơn 58 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 1,2% GDP cả nước. Để trở thành thành viên của “Câu lạc bộ 100 nghìn tỷ” và có vị thế thật sự trong khu vực miền trung và cả nước, Đà Nẵng phải tận dụng những cơ hội từ thành công của Tuần lễ cấp cao APEC 2017 để tạo động lực phát triển kinh tế, xây dựng khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh. Thời gian tới, Đà Nẵng sẽ mời chuyên gia cùng các ngành chức năng rà soát định hướng phát triển, làm tiền đề kiến nghị Trung ương có cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho sự tăng tốc phát triển của thành phố, nhất là cơ chế, mô hình phát triển đặc thù như Khu kinh tế biển, Chính quyền Cảng.

Từ thành công của Tuần lễ cấp cao APEC 2017 và Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017, thành phố đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho 20 dự án trong nước với tổng mức đầu tư hơn 25 nghìn tỷ đồng; cấp phép 96 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 112 triệu USD, tăng 6,5 lần so với năm 2016. Trong năm 2017, hơn 4.000 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện được thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 21 nghìn tỷ đồng.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Những ngày đầu tháng 3, chúng tôi có mặt tại Khu Công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng, chứng kiến sự thay đổi lớn của cả khu vực tập trung này sau nhiều nỗ lực kêu gọi, xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư. Dự án Khu CNC Đà Nẵng là một trong ba khu CNC cấp quốc gia, có tổng mức đầu tư hơn 8.841 tỷ đồng với quy mô diện tích hơn 1.500 ha, bao gồm khu CNC, khu Công nghệ thông tin tập trung và khu phụ trợ. Tính đến nay, Ban Quản lý Khu CNC đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án với tổng vốn đầu tư gần 250 triệu USD, sử dụng 34,6 ha đất, trong đó có ba dự án FDI 100% vốn Nhật Bản và bảy dự án trong nước. Hiện đã có hai doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Nhật Bản thuộc lĩnh vực cơ khí chính xác đi vào hoạt động sản xuất, đạt doanh thu, giá trị xuất khẩu hơn 65 tỷ đồng/năm. Hiệu ứng từ thành công của Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, Ban quản lý Khu CNC vừa trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án sản xuất thiết bị tự động hóa trong ngành may mặc của Công ty Yamato Sewing Machine MFG Co., Ltd. (Nhật Bản), tổng vốn đầu tư 28,5 triệu USD.

Đà Nẵng đẩy mạnh thu hút đầu tư ảnh 1

Dây chuyền sản xuất của Công ty Dệt may 29-3, Đà Nẵng.

Phó Trưởng ban Quản lý Khu CNC Đà Nẵng Đoàn Ngọc Hùng Anh cho biết: Năm 2018 với chủ đề trọng tâm là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”, chúng tôi xác định giai đoạn 2018-2025 tăng tốc thu hút đầu tư, năm nay là năm khởi đầu. Hiện nay, Khu CNC đã giải phóng mặt bằng được khoảng 500 ha, trong đó có gần 400 ha đất sạch đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật khớp nối đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, công nghệ thông tin - truyền thông,... sẵn sàng phục vụ các nhà đầu tư. Chúng tôi đặt mục tiêu phấn đấu thu hút ít nhất bốn dự án, với tổng vốn đầu tư ít nhất 100 triệu USD trong năm 2018. Trong đó thu hút những nhà đầu tư chiến lược có thương hiệu lớn trong lĩnh vực CNC, ưu tiên phát triển công nghệ sạch và tiết kiệm năng lượng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 04-2018/NĐ-CP ngày 4-1-2018 về chính sách ưu đãi đối với Khu CNC, trong đó có Khu CNC Đà Nẵng. Theo đó, các chính sách ưu đãi được tập trung cho những đề xuất liên quan tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; quy định về hoàn trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tín dụng đầu tư. Nghị định quy định rõ: Đối với các dự án đầu tư mới vào Khu CNC Đà Nẵng có quy mô vốn từ 3.000 tỷ đồng trở lên, được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 30 năm. Đây là một trong những chính sách mới nhất đối với các nhà đầu tư đã và đang có kế hoạch đầu tư vào Khu CNC Đà Nẵng.

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Đà Nẵng khi được tham khảo ý kiến về việc thành phố cần làm gì để thu hút đầu tư, đều chung quan điểm cho rằng, đó là sự minh bạch, niềm tin trong các cam kết từ phía chính quyền. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ Nguyễn Đức Trị đề xuất: Để thực hiện Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư, thành phố cần có những cơ chế chính sách đột phá cho các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất về đất đai, logistics, cơ sở hạ tầng. Qua đó, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh ở các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tăng cường đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, tạo cú huých cho môi trường thu hút đầu tư. Tiếp tục tin tưởng vào môi trường kinh doanh sản xuất ổn định, thuận lợi tại Đà Nẵng, thời gian tới, công ty sẽ mạnh dạn đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại, hệ thống quản trị sản xuất tiên tiến, tự động hóa, thân thiện với môi trường, phù hợp thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và không ngừng nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu khách hàng đến từ Mỹ, EU, Nhật Bản, góp phần cùng thành phố thực hiện có hiệu quả Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư - ông Trị nhấn mạnh.

Tổng Giám đốc Nhà máy bia Heineken Việt Nam tại Đà Nẵng Nguyễn Thanh Phúc đánh giá cao những nỗ lực, cam kết mạnh mẽ và hiệu ứng tích cực từ chính quyền Đà Nẵng và đặt kỳ vọng: Cộng đồng doanh nghiệp rất mong tinh thần sẻ chia, sự cam kết sẽ biến thành những hành động cụ thể, thiết thực trong thời gian tới. Mọi chính sách, quy định về phát triển kinh tế đưa ra đều phải hướng về doanh nghiệp, phải cân nhắc đến tính minh bạch, công khai, công bằng và cân bằng giữa lợi ích chung của Nhà nước và lợi ích của doanh nghiệp. Thành phố cần xác định lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, thấu hiểu và hỗ trợ doanh nghiệp vô điều kiện. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần thực hiện đúng pháp luật, cùng đóng góp vào sự phát triển chung.

Đà Nẵng sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó rà soát, quy hoạch, xác định rõ mô hình và định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2050; tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đất đai, quy hoạch và hành động quyết liệt để tạo lập một môi trường đầu tư thật sự thông thoáng, thuận lợi. Khi chính quyền đã cam kết xây dựng môi trường an toàn đầu tư, thì cộng đồng doanh nghiệp sẽ có niềm tin và dốc lòng vì sự phát triển của thành phố. Năm 2018, sẽ là khởi đầu của những khởi đầu mới trong bước phát triển đột phá của Đà Nẵng, thành phố trọng điểm của khu vực miền trung và cả nước.