Cơ hội hợp tác giữa bang Manipur (Ấn Độ) và tỉnh Quảng Trị (Việt Nam)

NDO -

Ngày 3/12, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam phối hợp chính quyền bang Manipur và UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức tọa đàm trực tuyến nhằm tìm hiểu cơ hội hợp tác giữa bang Manipur và tỉnh Quảng Trị.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. (Ảnh: Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam)
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. (Ảnh: Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam)

Tọa đàm nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 75 năm Ấn Độ độc lập và thúc đẩy kết nối giữa các bang Đông Bắc của Ấn Độ với Đông Nam Á theo Chính sách Hành động Hướng Đông.

Bang Manipur và tỉnh Quảng Trị đều nằm ở vị trí quan trọng giúp thúc đẩy kết nối trong khu vực và tạo cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến nông sản, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, du lịch và văn hóa.   

Trong bài phát biểu khai mạc, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các địa phương như một trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Ấn Độ-Việt Nam. Đại sứ Pranay Verma cũng nhấn mạnh về các kế hoạch kết nối giữa Ấn Độ và ASEAN thông qua Dự án Tuyến đường bộ giữa ba quốc gia Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan và khả năng mở rộng của tuyến đường này sang Lào, Campuchia và Việt Nam, cũng như tầm quan trọng của tỉnh Quảng Trị trong các dự án Hành lang Kinh tế Đông Tây.

Với nhu cầu và tiềm năng của bang Manipur và tỉnh Quảng Trị, Đại sứ Pranay Verma đề xuất hai bên xem xét khả năng hợp tác trong các lĩnh vực như chế biến nông sản, phát triển thủy sản, thương mại và đầu tư.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, đã nhấn mạnh về lợi thế chiến lược của tỉnh và các dự án kết nối giữa tỉnh Quảng Trị và các nước láng giềng ASEAN. Với trọng tâm là phát triển năng lượng và nông nghiệp, tỉnh Quảng Trị kêu gọi các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào các lĩnh vực này và khuyến khích hoạt động thương mại và đầu tư trong lĩnh vực tiềm năng giữa hai địa phương.

Cũng tại buổi tọa đàm, đại diện của hai địa phương đã trao đổi về các kế hoạch kết nối với các nước láng giềng ASEAN, những trở ngại trong việc triển khai các dự án kết nối, những khó khăn trong vận tải và vận chuyển hàng hóa dịch vụ do sự khác biệt về các quy định và luật lệ, xác định những sản phẩn nông nghiệp và thủy sản có tiềm năng thương mại, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tương tác, tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh, cũng như chia sẻ những kinh nghiệm và công nghệ trong chế biến nông sản và thủy sản.